Friday, January 10.

Header Ads

  • Breaking News

    Chủ tịch Quốc hội trao đổi về căng thẳng Biển Đông với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn có trách nhiệm thực hiện các điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và mong muốn các nước đều tuân thủ Công ước này. Nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp bà Federica Mogherini -Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (ảnh: quochoi.vn)
    Vấn đề nói trên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra sáng nay (5/8), khi tiếp bà Federica Mogherini - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

    Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.

    Trao đổi với Phó Chủ tịch EU về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quan điểm của Việt Nam - một quốc gia có biển, nước tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 - luôn có trách nhiệm thực hiện các điều khoản trong Công ước. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nước thành viên đều tuân thủ công ước này. Nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

    Về phía lãnh đạo Ủy ban châu Âu, bà Federica Mogherini chia sẻ với những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định quan điểm của EU đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, vì lợi của các nước, các bên cần phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đây không chỉ là vấn đề song phương mà là của khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

    Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết vừa dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 13 tại Thái Lan và đã có cơ hội nói lên quan điểm của mình tại các cuộc tiếp xúc đa phương, song phương. Phó Chủ tịch Federica Mogherini mong muốn Việt Nam tin tưởng EU với quan điểm phải tôn trọng quyền của các quốc gia và tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

    EU tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đây là những nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam và EU đã phối hợp nhiều vấn đề với những lập trường, quan điểm tương đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh, đây là cơ hội để EU thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam, nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.

    Trao đổi về các lĩnh vực khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); triển khai các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp nhằm triển khai Hiệp định Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA); phê chuẩn và đưa triển khai ngay sau khi có hiệu lực Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

    Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện châu Âu sớm thúc đẩy để phê chuẩn các hiệp định EVFTA, IPA mà hai bên vừa ký kết. Quốc hội Việt Nam đang yêu cầu Chính phủ hoàn tất các thủ tục để Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp tới.

    Lãnh đạo Ủy ban châu Âu cho biết, chuyến công tác đầu tiên đến Việt Nam này của bà được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện của EU và Việt Nam. Hai bên đã phát triển mối quan hệ một cách sâu rộng. Hiện nay EU và Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng, đặc biệt Việt Nam là quốc gia trong khối ASEAN ký kết nhiều hiệp định với EU nhất.

    Nghị viện châu Âu đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, cho ý kiến vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi); những hợp tác của Quốc hội Việt Nam thời gian với EC qua liên quan đến nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, quyền con người…

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Việc ký kết, phê chuẩn của nhiều văn bản pháp lý và tần suất caocác chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong nửa đầu năm nay thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên, đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - EU.

    Tiếp theo việc thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xem xét, thông qua hai Công ước số 108 và 87 của ILO, Bộ luật Lao động (sửa đổi). Điều này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn lao động được nêu trong EVFTA cũng như thực hiện các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên ILO.

    Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam rất cởi mở, cầu thị và trân trọng những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm của EU trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân và tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong khi vẫn bảo đảm an ninh quốc gia trên mạng internet.

    Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng cho rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trong khuôn khổ đa phương sẽ được tăng cường hơn nữa khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện ASEAN 2019 - 2020 và đề nghị EU ủng hộ Việt Nam trong những vai trò quan trọng này.

    (Dân Trí)

    Không có nhận xét nào