Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc sẽ đẩy căng thẳng Bãi Tư Chính đến mức độ nào?

    Trung Quốc có thể đẩy căng thẳng ở Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông lên mức mới, thậm chí triển khai giàn khoan dầu đến khu vực này, dẫn đến nguy cơ một xung đột vũ trang. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhận định như vậy với Đài Á Châu Tự Do.

    Hành trình của tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc ở phía bắc Bãi Tư Chính từ ngày 1/7/2019 đến 15/7/2019
    Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu bao gồm các tàu Hải cảnh có trang bị vũ khí hạng nặng, tàu dân quân biển và tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 ra khu vực Bãi Tư Chính và bắc Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn. Đây là lô dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga.

    Đây được coi là hành động mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến vùng biển Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước hồi năm 2014.

    Ngày 19/7 và 25/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc. Tuy nhiên, đến lúc này, hoạt động của các tàu Trung Quốc tại khu vực này vẫn tiếp tục, cho thấy căng thẳng giữa hai bên chưa hề giảm sút. Phía Việt Nam không thừa nhận nhưng cũng không bác bỏ các thông tin được truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi cho biết các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam nhiều tuần qua đã phải đối đầu với các tàu Hải cảnh của Trung Quốc.
    Khi nào Trung Quốc rút tàu?

    Chuyên gia Hà Hoàng Hợp thuộc ISEAS cho rằng sẽ có ba kịch bản xẩy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Bãi Tư Chính:

    Có ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc sẽ rút sớm, trước ngày 15/9, lấy lý do là hoàn thành nhiệm vụ thăm dò thì rút. Thứ hai là Trung Quốc đợi đến đúng ngày 15/9 khi giàn khoan của Nhật thôi không khoan nữa mới rút. Khả năng thứ ba rất xấu là Trung Quốc kéo giàn khoan vào và khoan dầu. Khả năng rút sớm rất khó xảy ra là bởi vì tàu đó được tiếp dầu, nước, lương thực rất nhanh bởi vì nó rất gần các đảo nhân tạo, nhất là đảo Chữ Thập cách đấy mấy chục hải lý.”

    Hôm 25/7, truyền thông trong nước trích thông báo từ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết giàn khoan Hakuryu-5 của công ty JDC của Nhật Bản sẽ hoạt động tại lô 06.1 đến hết ngày 15/9/2019, tức là lâu hơn 1 tháng rưỡi so với thông báo trước đó.

    Theo chuyên gia Hà Hoàng Hợp việc Việt Nam kéo dài thời gian hoạt động của giàn khoan là hoàn toàn bình thường vì thời gian kéo dài có thể lên đến 90 ngày.

    Tuy nhiên, chuyên gia này không loại trừ khả năng có yếu tố Trung Quốc trong quyết định này.

    Hiện hai bên không kiềm chế được. Bây giờ Việt Nam không muốn để họ mất mặt thì để từ từ cho họ rút ra”.

    Nói về những lý do mà Trung Quốc có thể viện dẫn về việc rút tàu khỏi vùng biển Việt Nam, chuyên gia Hà Hoàng Hợp cho biết:

    Khả năng rút và tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ là rút trong danh dự vì Trung Quốc đưa tàu vào đó không phải là làm gì khác ngoài chuyện dọa nạt Việt Nam, ngoài chuyện khẳng định đó là biển của Trung Quốc, y hệt chuyện năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào phía tây bắc Hoàng Sa. Lý do thứ hai là Trung Quốc đang ép Việt Nam phải buộc người Nhật và Nga rút ra, nhưng đó là điều kiện vô lý đối với Việt Nam, thì Trung Quốc không thể rút ra khơi khơi được mà rút ra vào ngày 15/9, giả định là ngày người Nhật khoan xong rồi và rút đi thì họ cũng rút. Điều đó cũng phù hợp với yêu sách của Trung Quốc với Việt Nam.”

    Hồi năm 2014, Trung Quốc cũng tuyên bố rút giàn khoan dầu HD 981 khỏi vùng biển Việt nam trước một tháng so với thông báo trước đó với lý do đã hoàn thành nhiệm vụ.

    Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, những phản ứng gay gắt của quốc tế và Việt Nam lúc đó góp phần khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan sớm hơn dự định.
    Nguy cơ  xung đột vũ trang

    Bãi Tư Chính là một thực thể nằm dưới mặt nước biển và không được coi là đảo, theo luật quốc tế. Bãi này mặc dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS), nhưng lại nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển, vốn chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông.

    Hồi năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.

    Đây là khu vực quan trọng về năng lượng đối với Việt Nam. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales của Australia, Bãi Tư Chính được ước tính có trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối khí. Đây cũng là nơi có một loạt các lô dầu khí đang hoạt động của Việt Nam thuộc bể Nam Côn Sơn, cung cấp đến 10% nhu cầu năng lượng cho cả nước.

    Đối với Trung Quốc khu vực này còn nằm trong vùng đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và đường đứt khúc 9 đoạn, theo nhận xét của chuyên gia Greg Poling thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) của Mỹ:

    Trung Quốc đưa Bãi Tư Chính vào trong các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, và họ làm tương tự với những bãi cạn khác cả ở Malaysia và đây là do lỗi dịch thuật và hiểu sai ở Trung Quốc từ những năm 1930. Bây giờ Việt Nam khoan thăm dò dầu khí và Trung Quốc phản đối vì lỗi trong quá khứ, và nói rằng Việt Nam đang vi phạm chủ quyền của ở họ, và đó là vấn đề ở Bãi Tư Chính.”

    Theo AMTI, từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh Haijing 35111 có trang bị vũ khí hạng nặng đến phía tây bắc Bãi Tư Chính, quấy nhiễu giàn khoan Hakuryu-5.
     
    Đồng thời, cũng theo AMTI, vào đầu tháng 7, Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đến vùng phía bắc Bãi Tư Chính, nằm trong khu vực 9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra mời thầu hồi tháng 6 năm 2012 nhưng không có công ty nước ngoài nào muốn tham gia vì những quan ngại về hiệu quả kinh tế.

    Giáo sư Carl Thayer nhận định hành động mới của Trung Quốc là gây sức ép về đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với Việt Nam sau những nhượng bộ trước đó của Hà Nội.

    Điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để đẩy những đòi hỏi về chủ quyền trên biển vào khi Việt Nam lùi bước…. Việt Nam trước đó đã phải dừng các hoạt động thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và vào tháng 3 năm 2018 ở mỏ Cá Rồng Đỏ”.

    Chuyên gia Greg Poling cho rằng, vào thời điểm hiện tại Trung Quốc có khả năng gây sức ép nhiều hơn lên Việt Nam so với năm 2014 vì việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và triển khai vũ khí ra các đảo này đã được Trung Quốc hoàn tất cách đây hai năm.

    Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai các tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. Họ có thể liên tục gây sách nhiễu theo cách mà họ đã không thể làm được vào năm 2015”

    Theo chuyên gia Hà Hoàng Hợp, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ rút tàu khỏi khu vực phía bắc Bãi Tư Chính nhưng sẽ ngay lập tức đưa giàn khoan dầu tới đây để khoan.

    Nếu Trung Quốc đưa giàn khoan vào thì sẽ đưa vào những lô nơi Trung Quốc đã đấu thầu trước kia…”

    Điều này có thể dẫn đến những xung đột vũ trang giữa hai nước, theo nhận định của chuyên gia Hà Hoàng Hợp:

    Bây giờ không có chuyện dền dứ nhau như hồi 2014. Nó quan trọng là vì ngoài vấn đề quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam bị xâm phạm trắng trợn, nó còn là chuyện năng lượng. Nhưng năng lượng không quan trọng lắm mà vấn đề là một mối quan tâm để chính phủ Việt Nam chứng tỏ trước sau như một cái gì của Việt Nam là của Việt Nam chứ không biến thành của Trung Quốc”.

    Trong khi những căng thẳng tại Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp diễn. Việt Nam đã tìm giải pháp bằng cách quốc tế hóa vấn đề. Bằng chứng là vào ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện vẫn giữ thái độ trung lập đối với những tranh chấp về chủ quyền giữa các bên ở Biển Đông.

    Cũng có những ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế tương tự như Philippines đã làm hồi năm 2014 và giành thắng lợi sau phán quyết của tòa công bố hồi năm 2016. Philippines đưa ra giải pháp này sau khi Trung Quốc chiếm mất bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Tuy nhiên Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết của tòa và bãi cạn Scarborough hiện vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc.

    (RFA)

    Không có nhận xét nào