Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Mỹ sẽ phải đối mặt với một con đường dài trước khi có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại cam go này, trong đó nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc đối đầu. Thông điệp này được truyền ra trong bối cảnh hai nước vừa tổ chức cuộc họp phá băng ở Nhật Bản, được cho là cảnh báo dành cho Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong thời gian ngắn.
Trung Quốc cảnh báo chiến tranh thương mại với Mỹ “còn lâu” mới kết thúc |
Mỹ và Trung Quốc vừa tuyên bố đình chiến thương mại lần thứ hai, sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập kết thúc cuộc gặp ‘nồng ấm’ mang đầy tính ngoại giao. Hai nước chính thức khởi động lại đàm phán thương mại đã gián đoạn từ tháng Năm, đồng thời Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận toàn diện lên tập đoàn Huawei Trung Quốc.
Nhưng trái với hình ảnh tay bắt mặt mừng và những lời thề thốt hứa hẹn của hai nhà lãnh đạo tại Nhật Bản, tại Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật Báo – trang tin chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với bản tiếng Anh vốn được dùng để truyền tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới, cảnh báo rằng hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt và không dễ để đạt được thỏa thuận trong một thời gian ngắn mà không có “bầm dập”.
“Thậm chí dù Washington đã đồng ý hoãn lại việc đánh thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc để mở đường cho đàm phán, và Trump thậm chí gợi ý việc tạm dừng các quyết định về Huawei cho đến khi kết thúc đàm phán, mọi chuyện hầu như vẫn chưa rõ ràng”, tờ báo viết trong bài xã luận đăng tối thứ Bảy (29/6).
“Việc đạt đồng thuận về 90% vấn đề đã chứng minh như thế vẫn chưa đủ, và 10% còn lại là những chỗ khác biệt căn bản của hai bên, sẽ không dễ dàng đạt được đồng thuận 100% bởi vì ở thời điểm này, ở những vấn đề này hai bên vẫn còn vô cùng khác nhau, thậm chí chỉ ở mức độ khái niệm”.
Trong cuộc gặp song phương với ông Tập bên lề G20, ông Trump còn trao cành Olive cho “người bạn” Tập khi cho phép Huawei bán điện thoại ở Mỹ và nới lỏng một số chế tài cho tập đoàn “con cưng” của Bắc Kinh này. Trước đó, quan chức của chính quyền Trump đã tố cáo Huawei gây ra rủi ro an ninh cấp quốc gia và tích cực vận động, có khi gây sức ép cho đồng minh phải loại bỏ Huawei ra khỏi mạng lưới hệ thống 5-G tối quan trọng trong tương lai.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng cuộc gặp của Trump-Tập đã gửi một tín hiệu “tích cực” cho thế giới.
“Mặc dù các vấn đề vẫn còn giữa hai nước, Trung Quốc tin tưởng rằng chừng nào mà hai nước tuân theo sự đồng thuận đạt được bởi hai nhà lãnh đạo, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề của mình thông qua tôn trọng lẫn nhau”, ông Vương nói trong một tuyên bố được đưa ra hôm Chủ nhật.
Tuy nhiên ngoại giới nhìn nhận việc ông Trump nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei dường như chỉ là một cử chỉ ngoại giao. Larry Kudlow, cố vấn cấp cao cho ông Trump tại Tòa Bạch Ốc nói rằng Mỹ sẽ chỉ bán cho Huawei những mặt hàng có sẵn trên thế giới, còn những công nghệ chuyên biệt và nhạy cảm đối với an ninh thì không. Tức là Huawei vẫn là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
Việc Mỹ-Trung đình chiến thương mại nhận được hoan nghênh từ cộng đồng kinh tế thế giới, nơi chứng kiến ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Jacob Parker, phó chủ tịch các hoạt động về Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung nói rằng việc trở lại đàm phán là một tin tốt cho cộng đồng kinh doanh và gia tăng thêm sự ổn định cho “mối quan hệ đang dần dần xấu đi”.
“Bây giờ mới đến công việc khó khăn là tìm ra sự đồng thuận trong các vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ này. Nhưng với cam kết từ bên trên, chúng tôi hy vọng nó sẽ đặt 2 bên lên một con đường ổn định để đi tới giải pháp”, Parker nói.
Lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại tỏ ra càng ngày càng cứng rắn hơn, với việc Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ không bị “bắt nạt”, không đầu hàng áp lực và sẽ “chiến đấu đến cùng”. Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí đã kêu gọi người Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc “trường chinh” gian khổ sắp tới, ngay sau khi đàm phán Mỹ-Trung đổ bể hồi tháng 5.
Tài khoản Wechat của tờ Nhật báo Kinh tế Trung Quốc cho rằng Mỹ bây giờ đã nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước, và việc đánh thuế hàng Trung Quốc đang ngày càng không được ủng hộ ở trong nước.
“Chúng tôi đã nói từ trước – việc giao thiệp và ma sát giữa Trung Quốc và Mỹ là một vấn đề dài hạn, khó khăn và phức tạp. Xung đột sau đó đàm phán, xung đột rồi đàm phán là một trạng thái bình thường của chuyện này”, tờ báo nhận định.
Trọng Đức
Không có nhận xét nào