Quyết định đưa vụ án hình sự xảy ra
tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) vào nhóm đại án mà Ban Chỉ
đạo Trung ương về Phòng – Chống tham nhũng (BCĐTƯ PCTN) sẽ giám sát (1)
đặt ra một câu hỏi lớn: Đảng ta sẽ “thịt” hay tha đồng chí Nguyễn Thiện
Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy TP.HCM?
Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) trong một lần đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình: Sài Gòn Giải Phóng) |
SAGRI
là một trong những doanh nghiệp của UBND TP.HCM. Giống như các doanh
nghiệp cùng loại (hoặc thuộc Thành ủy, hoặc thuộc UBND TP.HCM), SAGRI
được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại TP.HCM giao cho đủ thứ
công sản (công thổ, công thự, công quỹ) kèm đủ loại ưu đãi để kinh
doanh.
Năm
ngoái, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán SAGRI. Theo
đó, SAGRI đã vi phạm hàng loạt qui định về quản lý công sản khi đem 24
khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh
nghiệp mới. Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới
6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác
hoặc cho thuê nhưng lợi nhuận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu
kiến mà SAGRI phải đạt. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức
biểu kiến (2).
Cũng
năm ngoái, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra, theo đó, năm
2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế
toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch làm giả 10 hợp
đồng đưa cán bộ, nhân viên đi “tham quan – học tập kinh nghiệm” ở nước
ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3). Giống như KTNN, Thanh tra TP.HCM
nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công
sản, điều hành. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên,
nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị
tổn thất.
Đó cũng là lý do cả KTNN và Thanh tra TP.HCM cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở TP.HCM xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa
lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, em ruột
ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ bị truy cứu trách
nhiệm hình sự vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13
tỉ đồng - đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt chung thân thậm chí tử hình
do “tham ô tài sản”... thì tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch TP.HCM chỉ quyết
định “khiển trách” ông Hùng và bà Thúy.
Quyết
định “khiển trách” vừa kể bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng tới
tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi “khiển trách”, UBND TP.HCM mới
quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ “khiển trách”
lên… “cảnh cáo” (4). Thêm bảy tháng nữa (tháng 5 năm 2019), Sở Nội vụ
TP.HCM xác định, ông Hùng có: Mười sai phạm phải… “phê bình, rút kinh
nghiệm”. Bốn sai phạm phải… “khiển trách”. Bốn sai phạm phải… “cảnh cáo”
và “tổng hợp” các hình thức kỷ luật thì nên… “hạ bậc lương” (5)!
Mất
thêm một tháng nâng lên, đặt xuống, tháng 6 năm nay, chính quyền TP.HCM
mới quyết định “đình chỉ công tác” Tổng Giám đốc SAGRI của ông Lê Tấn
Hùng (6) và tuần kế đó mới thông báo quyết định “cách chức” (7). Cần lưu
ý là kể từ khi chính quyền TP.HCM tiến hành xem xét kỷ luật ông Hùng
theo kiến nghị của KTNN và Thanh tra TP.HCM, Thành ủy TP.HCM luôn luôn
“nhất trí” với các hình thức kỷ luật ông Hùng mà chính quyền TP.HCM áp
dụng. Cũng vì vậy, đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Thành ủy
TP.HCM chỉ “cảnh cáo” đồng chí Lê Tấn Hùng rồi… thôi (8)!
Đúng
20 ngày sau khi UBND TP.HCM “nói lại cho rõ”, rằng ông Hùng có nhiều
sai phạm “rất nghiêm trọng”, cho nên quyết định “cách chức” Tổng Giám
đốc SAGRI của ông Hùng, hôm 9 tháng 7, Bộ Công an công bố quyết định
khởi tố ông Hùng vì “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà
nước gây thất thoát lãng phí” và thực hiện lệnh tạm giam ông Hùng trong
bốn tháng, đồng thời áp giải ông Hùng ra Hà Nội để điều tra chứ không
đưa ông vào các trại tạm giam của bộ này tại TP.HCM (9).
***
Cứ
nhìn vào tiến trình xem xét – xử lý kỷ luật ông Hùng, ai cũng có thể
thấy, cả Thành ủy TP.HCM lẫn UBND TP.HCM đã cùng biến chủ trương “tự
chỉnh đốn”, nỗ lực phòng - chống tham nhũng của Ban Chấp hành Trung ương
đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) thành một vở hài kịch mà xem đến đâu thiên
hạ… rủa đến đó chứ không ai cười.
Ai
cũng biết, nếu Thành ủy TP.HCM không nhất trí, chắc chắn sẽ không có
chuyện UBND TP.HCM chỉ “khiển trách”, rồi từ từ nâng lên thành “cảnh
cáo”, thậm chí “tổng hợp” đủ thứ hình thức kỷ luật dành cho 18 sai phạm
của ông Hùng mới ra được đề nghị “hạ bậc lương”.
Vì
lẽ gì mà Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM phải mất gần hai năm mới nhận
ra những sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê Tấn Hùng nói riêng, vốn
đã được KTNN, Thanh tra TP.HCM mô tả rất cặn kẽ là… “rất nghiêm trọng”
để “đình chỉ công tác”, “cách chức” và “nhất trí” chuyển hồ sơ cho công
an xem xét?
Đến
nay, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 đã phát hành 37 thông cáo báo
chí sau 37 đợt xem xét – kỷ luật đảng viên các cấp. Đợt nào cũng có các
tổ chức đảng và những đảng viên cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí
thư quản lý bị kỷ luật vì là “người đứng đầu” mà “thiếu trách nhiệm,
buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát”.
Nếu
tiến trình “tự chỉnh đốn” và phòng – chống tham nhũng “không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như ông Nguyễn Phú Trọng
vừa tái khẳng định hôm 26 tháng 7, tại phiên họp thứ 16 của BCĐTƯ PCTN,
đảng ta có xem xét – kỷ luật ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành
Phong không?
Lẽ
nào khi cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền tại TP.HCM cùng
hành xử như… đùa trong xử lý các sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê
Tấn Hùng nói riêng mà một Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy
TP.HCM như ông Nguyễn Thiện Nhân, một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN kiêm Chủ
tịch TP.HCM như ông Nguyễn Thành Phong vẫn… vô sự?
Tiến
trình xử lý các sai phạm của ông Hùng nói riêng cũng như nhiều đồng chí
khác nói chung, từng tạo cảm giác, nỗ lực “tự chỉnh đốn”, “phòng –
chống tham nhũng” của đảng ta không phải vì thực thi đạo lý hay thượng
tôn luật pháp. Đó chỉ là kế hoạch triệt hạ các băng nhóm trong đảng. Bào
đệ của ông Lê Thanh Hải – một “Tiểu vương” tại TP.HCM – bị tống giam
chỉ vì tương quan giữa thế và lực đã khác trước, thành ra phải dụng…
chiêu và phải có… quá trình!
Nếu
thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp làm gì ở TP.HCM có những cá nhân
hành xử táo tợn như ông Lê Tấn Hùng, làm gì có những ung nhọt như SAGRI,
làm gì có những thảm nạn kéo dài suốt hai thập kỷ nhưng vẫn chưa thấy
hướng giải quyết bảo đảm hợp tình, thuận lý như Thủ Thiêm?
Nếu
thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp, thật tâm xây dựng một xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh làm gì có chuyện gạt đạo lý, luật pháp qua một
bên để “xử lý từng bước”? Sai phạm của SAGRI, của ông Hùng dù đã rõ ràng
nhưng tương quan giữa thế và lực buộc phải khởi đầu tiến trình xử lý
bằng… “khiển trách”.
Sẽ
rất khó hiểu nếu tính chất, mức độ sai phạm của SAGRI nghiêm trọng đến
mức cần được BCĐTƯ PCTN giám sát nhưng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng
chí Nguyễn Thành Phong tiếp tục được đảng tín nhiệm, không bị đảng truy
cứu trách nhiệm như một số đồng chí từng bị đảng “chặt đầu, lột da”
trong vài năm gần đây vì là “người đứng đầu” mà “thiếu trách nhiệm,
buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát”, khiến việc xử
lý SAGRI trở thành một mớ bùng nhùng suốt hai năm, tác hại nghiêm trọng
đến “niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân” vào nỗ lực “tự chỉnh
đốn”, cũng như quyết tâm “phòng – chống tham nhũng” của đảng.
***
Chuyện
“thịt” hay tha các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong sẽ
giúp hiểu ra nhiều điều. Trong đó, điều quan trọng nhất là các đồng chí
lãnh đạo đảng hiện nay có thật sự nghiêm minh, có đề cao đạo lý và luật
pháp, hay lại tiếp tục dụng… chiêu để loại trừ những đối thủ trong nội
bộ đảng và thu phục nhân tâm vốn đã chạm đáy bất bình, chán ngán.
Nếu
các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong vô sự dù đã từng
nhất trí chỉ “khiển trách”, rồi “cảnh cáo”,... vừa đấm, vừa xoa, vừa
công, vừa thủ, nhằm hạn chế sức đề kháng, tiến từng bước trong việc đưa
bào đệ của đồng chí Lê Thanh Hải đến chỗ trở thành bị can chính của một
đại án, giờ đã trở thành đặc biệt nghiêm trọng – rõ ràng các đồng chí
Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong đã cùng đảng dụng… chiêu.
Một
đảng vận hành theo kiểu như thế rõ ràng không phải là tổ chức chính trị
có thể cầm nắm tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc. Đó chỉ là một nhóm
thảo khấu!
Trân Văn
--------------
Chú thích:
(2) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo
(5) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-ha-bac-luong-tong-giam-doc-sagri-le-tan-hung-1422520.tpo
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào