Header Ads

  • Breaking News

    TQ cam kết tuân thủ luật quốc tế và 'làm việc tích cực' về vấn đề Biển Đông

    Một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nói nước này cam kết tuân thủ luật quốc tế và tích cực cùng khối ASEAN xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Reuters tường thuật.

    Kỳ họp Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 diễn ra từ 29/7 đến 3/8/2019 tại Bangkok
    Tuyên bố của Đại sứ Triệu Kiếm Hoa từ Manila được đưa ra vào lúc đang diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok, 29/7-3/8.

    Tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông, trong đó có sự kiện ở Bãi Tư Chính ở khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, sẽ trở thành tâm điểm trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào thứ Sáu này.

    Hôm 2/8 là lúc các nhà ngoại giao hàng đầu trong khu vực có cuộc họp về an ninh với các cường quốc thế giới.

    Tham dự phiên họp sẽ có đại diện của Hoa Kỳ, quốc gia đã đưa ra "Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương" để thách thức tham vọng bá chủ trên biển của Bắc Kinh.

    Washington cũng tích cực thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với các nước khác nhằm chặn bước Trung Quốc.

    Đối đầu ở Bãi Tư Chính

    Hà Nội hồi đầu tháng đã đòi Trung Quốc phải rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính.

    Hoa Kỳ ngay sau đó đã lên án Trung Quốc là có "cách hành xử bắt nạt" và "hoạt động khiêu khích, gây bất ổn".

    Việt Nam có vẻ như cũng đã nhận được ủng hộ ngầm từ Nga, nước có hãng dầu khí quốc doanh Rosneft đang hoạt động theo hợp đồng ký với Việt Nam tại lô dầu khí ở Bãi Tư Chính.

    Bắc Kinh nói đây là phần lãnh thổ mang tính lịch sử của Trung Quốc.

    Một tàu tuần duyên Trung Quốc bị phát hiện là có mặt ở gần lô dầu khí này vào hôm 16/7. Tổ chức nghiên cứu Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải Á châu (AMTI) ở Mỹ gọi đó là "thái độ đe dọa" từ phía Trung Quốc.

    Hai ngày sau, hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã gửi thông điệp cá nhân, chúc mừng Rosneft Vietnam về hoạt động khai thác ở lô dầu khí này.

    Nga là một trong 27 quốc gia có mặt trong phiên họp Diễn đàn Khu vực ASEAN vào thứ Sáu này tại Bangkok.

    Cạnh đó là sự hiện diện của ngoại trưởng các nước Nhật, Mỹ, Trung Quốc và Úc.

    Liên tục đụng độ

    Philippines, Malaysia và Việt Nam là các quốc gia gần đây bị ảnh hưởng bởi tàu tuần duyên và tàu dân quân biển Trung Quốc.

    Hôm thứ Tư 31/7, ngoại trưởng Philippines xác nhận đã gửi công hàm cho Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh cho tàu thuyền tới quanh đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát.

    Tàu tuần duyên mang số hiệu 35111 của Trung Quốc, là tàu đã xuất hiện gần khu vực hoạt động của Rosneft ở ngoài khơi Việt Nam, cũng được phát hiện đã tới gần một giàn khoan trên thềm lục địa của Malaysia hồi tháng Năm, theo AMTI.

    Hồi tháng Sáu, một tàu cá Trung Quốc đánh chìm một tàu Philippines, khiến thủy thủ đoàn 22 người bị mắc kẹt tại bãi Reed Bank ở phía đông bắc Quần đảo Trường Sa, nơi có trữ lượng khí gas và nằm trong khu EEZ của Philippines. Bắc Kinh nói đó là một vụ tai nạn.

    Hôm thứ Hai, 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận năm tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải thuộc phạm vi 12 hải lý của Manila trong tháng này mà không hề thông báo gì cho chính phủ Philippines. Ông gọi đây là việc "không tuân thủ các nghi thức quy định, cũng không thể hiện sự tôn trọng cần có".

    Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Kiếm Hoa, hôm thứ Ba 30/7 nói rằng Trung Quốc cam kết tuân thủ luật quốc tế và "làm việc rất tích cực" cùng khối ASEAN để xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong vòng ba năm.

    "Bất kể là có trở nên hùng mạnh đến đâu thì Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách chiếm quyền lãnh đạo, cũng không bao giờ thiết lập các phạm vi gây ảnh hưởng," ông Triệu nói.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào