Header Ads

  • Breaking News

    Tập đoàn dầu khí kiện Việt Nam để tránh đóng thuế 179 triệu đôla

    Chính phủ Việt Nam đang phải đối đầu với một vụ kiện chưa có tiền lệ: Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips và Perenco đã nộp đơn lên tòa án của Liên Hiệp Quốc trong một nỗ lực ngăn Việt Nam thu thuế hàng triệu đôla.

    ConocoPhillips và Perenco kiện chính phủ Việt Nam ra tòa quốc tế để tránh đóng thuế 179 triệu đô la (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
    Thuế mà Việt Nam muốn thu trị giá 179 triệu đôla, đánh vào thương vụ ConocoPhillips (Mỹ) bán hai công ty con hoạt động tại Việt Nam cho Perenco (Anh-Pháp) với giá 1,3 tỷ đôla, thu được lợi nhuận 896 triệu đôla.

    Tuy nhiên ConocoPhillips và Perenco cho hay sẽ không đóng thuế. Và để tránh thuế, họ kiện chính phủ Việt Nam ra một tòa án của Liên Hiệp Quốc. Thông tin về ngày và địa điểm của buổi điều trần này hiện vẫn nằm trong 'vòng bí mật'.

    The Guardian là một trong những hãng tin hiếm hoi đưa thông tin về vụ kiện với bình luận rằng "các vụ tranh chấp, kiện tụng về thuế như vậy được cho là tốn kém, mờ mịt và bất thường".

    Ngoài nguy cơ không thu được được thuế, chính phủ Việt Nam còn có thể phải mất thêm một khoản tiền lớn để trả cho hai tập đoàn trên nếu thua kiện, theo một nghiên cứu mới công bố của hai tổ chức phi chính phủ quốc tế.

    Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC hôm 3/7 rằng chính phủ Việt Nam vẫn có giải pháp, hoặc ít nhất là rút bài học cho tương lai.

    Trước khi nghe những giải pháp do ông Hiếu đề nghị, chúng ta hãy tìm hiểu thêm về vụ kiện.

    Vụ kiện bắt đầu từ đâu?

    Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips và Perenco nộp đơn lên tòa án của Liên Hiệp Quốc năm 2018 trong một nỗ lực ngăn chính phủ Việt Nam thu thuế hàng triệu đôla.

    Một cuộc điều tra của Finance Uncovered khám phá ra ConocoPhillips và Perenco tìm cách ngăn chặn chính phủ Việt Nam đánh thuế ước tính 179 triệu đôla cho tiền lời hai tập đoàn này có được do bán các mỏ dầu ở Việt Nam, theo The Guardian.

    Đây được xem là một sự việc chưa có tiền lệ, lần đầu tiên xảy ra về vấn đề thuế thu được trên vốn.

    Tranh chấp sẽ được xét xử tại một tòa án quốc tế nằm dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc. Tòa án này ít được người bên ngoài lĩnh vực pháp lý biết đến "nhưng có trọng lượng", vì vậy việc tiết lộ thông tin về ngày và địa điểm của buổi điều trần này bị giới hạn.

    Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Cavider Bull không bình luận. Nhưng ông nói sự việc này sẽ tạo ra tiền lệ đáng ngại cho các nước nghèo hơn, vì bất kỳ tranh chấp nào cũng sẽ liên quan đến chi phí pháp lý rất lớn.

    Kết quả phiên tòa có thể đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cách các công ty đa quốc gia cố gắng tránh trả thuế cho các nước nghèo hơn.

    Vụ kiện xuất phát từ việc hai công ty ConocoPhillips Gama Ltd và ConocoPhillips Cuu Long, thuộc sở hữu của một công ty dầu khí Anh Quốc là công ty con của Tập đoàn ConocoPhillips (Mỹ), được bán cho một công ty của Anh Quốc thuộc sở hữu của Tập đoàn Perenco vào năm 2012.

    Những tài sản do hai công ty ConocoPhillips Gama Ltd và ConocoPhillips Cuu Long nắm giữ đều nằm ở Việt Nam.

    Tập đoàn ConocoPhillips đã bán hai công ty này với giá 1,3 tỷ đôla, thu được lợi nhuận 896 triệu đôla.

    Chính phủ Việt Nam đã ra tín hiệu về ý định đánh thuế giao dịch, ước tính lên tới 179 triệu đôla. Nhưng ConocoPhillips và Perenco cho hay việc bán hai công ty đặt tại Anh nên không chịu thuế tại Việt Nam. Đồng thời cho biết sẽ theo đuổi tất cả các thủ tục pháp lý hiện có để thách thức bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam trong việc thu thuế thương vụ này.

    Tập đoàn ConocoPhillips và Tập đoàn Perenco đã đệ đơn lên tòa theo Hiệp ước Đầu tư song phương Anh - Việt, tuân theo quy trình trọng tài được điều hành bởi Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế.

    Trong khi đó Sarah-Jayne Clifton tại Công ty thu nợ Jubilee nói với The Guardian rằng "thật quá đáng khi một công ty đa quốc gia đang cố gắng sử dụng một quy trình pháp lý không phù hợp để buộc Việt Nam từ bỏ doanh thu từ thuế".

    Giải pháp 'kiện ngược'

    Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chính phủ Việt Nam có thể 'kiện ngược lại' hai công ty nói trên ra tòa án quốc tế.

    "Dưới góc độ luật pháp, ConocoPhillips và Perenco có thể sử dụng một công cụ pháp luật nào đó để tránh thuế, nhưng họ có hai công ty con ở Việt Nam. Về nguyên tắc nếu tài sản của họ ở Việt Nam thì trên nguyên tắc họ phải đóng thuế cho chính phủ Việt Nam."

    "Việt Nam cần ra một tòa án của Liên Hiệp Quốc để kiện ngược lại. Thực sự Việt Nam nắm đằng chuôi vì chính phủ có thể giữ tài sản của hai công ty con này trong sự kiểm soát của mình trước khi có phán quyết của tòa quốc tế."

    Tuy nhiên theo ông Hiếu, việc Việt Nam kiện 'ngược' được hay không phụ thuộc vào hai điều kiện.

    Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có là thành viên của Hiệp ước quốc tế về cơ chế Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) mà hai công ty nói trên sử dụng để đưa Việt Nam ra tòa, hay không.

    "Nếu chính phủ Việt Nam đã chấp thuận một thỏa ước như vậy, với tất cả các điều kiện mà một công ty nước ngoài phải tuân thủ khi đầu tư tại Việt Nam thì chính phủ Việt Nam phải thực hiện đúng với thỏa thuận đó." Ông Hiếu giải thích.

    Thứ hai, Việt Nam cần có một ngân sách cho những vụ kiện quốc tế như vậy để thuê các tập đoàn luật uy tín của quốc tế.

    "Lý do là bởi các tập đoàn lớn thường thắng trong các vụ kiện như thế này vì ngoài việc họ có cơ sở pháp lý, họ còn thuê các luật sư giỏi, nổi tiếng và các tập đoàn luật lớn tư vấn cho họ, và có khả năng chi trả rất nhiều tiền cho các công ty này. Tất cả các vụ kiện lớn trên thế giới mà tôi biết khả năng thắng tùy thuộc rất nhiều vào khả năng của các công ty tư vấn pháp luật," TS Hiếu cho hay.

    Nhà máy lọc dầu của ConocoPhillips ở Pennsylvania, Mỹ
    Nhận định của các NGO

    Vì sao ConocoPhillips và Perenco có thể kiện chính phủ Việt Nam ra tòa để tránh thuế sau khi đã kiếm bộn tiền ở Việt Nam?

    Nghiên cứu của hai NGO (Corporate Europe Observatory, the Transnational Institute and Friends of the Earth Europe/International) đưa ra danh sách 10 vụ kiện tương tự, bao gồm vụ của Việt Nam, với các tập đoàn giàu có sử dụng cơ chế ISDS như công cụ để 'bắt nạt' các nước nghèo.

    "Mười vụ nhà đầu tư kiện chính phủ đã được đệ trình, hoặc đã có phán quyết, từ năm 2015, ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cho thấy rằng ISDS một lần nữa được sử dụng làm vũ khí của công ty chống lại lợi ích công cộng. Bất chấp những tranh cãi đang diễn ra về cơ chế này, các tòa án thực sự đang trải thảm đỏ cho các tập đoàn tiếp tục phát triển mạnh, và duy trì sự bất công trên toàn thế giới," nghiên cứu công bố tháng 6/2019 cho hay.

    Điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia (ISDS) là một công cụ được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng để chống lại chính phủ các nước khi lợi nhuận của họ bị tổn hại.

    Về cơ bản, cơ chế này cho phép công ty nước ngoài kiện chính phủ dựa trên luật lệ quốc tế, khi các quy định cũ hoặc những quy định mới được ban hành gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Những quy định này có thể bao gồm rất nhiều mảng, từ yêu cầu đóng gói, đặt mức giá sàn hay quy trình nộp thuế.

    Mục đích ban đầu của việc xây dựng ISDS là nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài cũng như là một công cụ bảo hiểm cho các tập đoàn quốc tế trước các biến động chính trị.

    Dẫu vậy kể từ giữa thập niên 1990, ISDS đã bị nhiều tập đoàn sử dụng như một công cụ để "bắt nạt" chính phủ những nước đang cố gắng bảo vệ môi trường hay người dân của họ.

    Vấn đề của ISDS là đây là hệ thống mang tính một chiều, chỉ quy định về quyền lợi mà không có ràng buộc nào cho nhà đầu tư. Nó sẽ tiếp tục cho phép hàng ngàn công ty kiện chính phủ thông qua một hệ thống tư pháp song song, nếu luật pháp và các quy định của nước sở tại làm giảm khả năng kiếm tiền của họ, theo nghiên cứu nói trên.

    ConocoPhillips and Perenco đều là những công ty sử dụng thường xuyên ISDS. ConocoPhillips đã kiếm được hơn 8.3 tỷ đôla tiền đền bù thiệt hại từ chính phủ Venezuela năm 2019.

    Perenco, trong khi đó, đang kiện chính phủ Ecuador trong một tòa án ISDS - công ty này đang từ chối trả thuế cho lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động khai thác dầu.

    Không có thông tin nào về phiên tòa liên quan đến vụ ConocoPhillips and Perenco được tiết lộ. Perenco hiện vẫn đang khai thác các mỏ dầu tại Việt Nam và vẫn kiếm lời hơn 32 triệu đô la năm 2017.

    Nhà báo George Turner được trích dẫn trong nghiên cứu nói trên rằng nếu chính phủ Việt Nam thành công trong việc thu thuế từ thương vụ của ConocoPhillips and Perenco thì điều này có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với các nước đang phát triển khác, vốn thường thấy các công ty phương Tây kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ các khoản đầu tư ở nước họ, sau đó rời đi mà không đóng thuế.

    Tuy nhiên, những 'ca' như thế này thường ít có tín hiệu lạc quan cho các nước chủ nhà.

    "Bởi lẽ thông thường các bồi thẩm đoàn thường có khuynh hướng thân thiện hơn với các nhà đầu tư, và nhìn chung ủng hộ các đòi hỏi của họ thay vì quyền lợi của các chính phủ hay thậm chí quyền con người của người dân tại các nước đó," theo ông Jayati Ghosh, Giáo sư Kinh tế Đại học Jawaharlal Nehru tại New Delhi.

    Có ít nhất 24 quốc gia đang phải đối mặt với các vụ kiện về thuế có sử dụng 'vũ khí' là ISDS, gồm Uganda, India, Laos, Algeria, Yemen, Ecuador, Venezuela, Peru, Bolivia, Mexico, and Argentina.
    Cơ hội từ EVFTA

    Ngoài giải pháp kiện ngược nói trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết mới đây là cơ hội cho Việt Nam để đưa các vụ việc như vậy ra công luận quốc tế. Từ đó đề nghị xem xét lại các vấn đề, trong đó có cơ chế ISDS.

    "Đây là một cơ hội tốt. EVFTA là nền tảng, cơ sở để Việt Nam bảo vệ quyền lợi của mình qua các vụ kiện như thế này. Vì dù EVFTA đã được ký kết nhưng vãn còn cần thảo luận để thông qua nghị viện của các nước thành viên. Mọi luật lệ và môi trường đều có thể thay đổi thông qua thảo luận," ông Hiếu nói.

    Cũng theo TS Hiếu, đây có thể xem là kinh nghiệm đầu tiên của Việt Nam trong việc bị các tập đoàn nước ngoài kiện ra tòa quốc tế nhằm tránh thuế.

    "Bài học của Việt Nam là cần có sự chuẩn bị, đón đầu dấu hiệu các tập đoàn lớn chuyển nhượng công ty con tại Việt Nam cho nhau, để đưa ra lời cảnh báo rằng họ khó có thể thành công được, và rằng chính phủ Việt Nam sẽ có các biện pháp mạnh, như không cho họ sử dụng tài sản ở Việt Nam cho tới khi vụ việc được giải quyết tại tòa quốc tế. Hành động của chính phủ Việt Nam trong trường hợp này rất quan trọng để tạo tiền lệ cho tương lai."

    TS Hiếu cũng cho rằng chính phủ Việt Nam nên đưa vụ kiện này ra công khai để có phản ứng của nhiều thành phần kinh tế, từ đó đưa lên tòa án quốc tế.

    "Chính phủ được người dân ủng hộ thì khi ra tòa có trọng lượng hơn là chỉ đơn phương chính phủ làm chuyện đó. Việc công khai cũng là cảnh cáo các công ty sau này có ý đồ dùng những mánh lới để trốn thuế."

    "Sự hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu vào thị trường quốc tế không phải là điều dễ dàng. Nhiều ràng buộc, rủi ro hơn. Việt Nam cần phải quan tâm đến những quan hệ quốc tế. Có quá nhiều thay đổi, tác động tích cực và tiêu cực lên Việt Nam, trong khi mình là nền kinh tế dựa rất nhiều vào xuất khẩu. GDP đầu người của VIệt Nam còn rất thấp, sức mua nội địa thấp. Do đó Việt Nam phải tích cực tìm thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa."

    "Chính phủ thế Việt Nam càng dễ bị tổn thương khi có các biển động, khủng hoảng. Vụ kiện này cho thấy việc đi vào thị trường giao dịch quốc tế là rất phức tạp, không chỉ về buôn bán giao dịch hàng hóa mà còn về pháp luật, thông lệ quốc tế," chuyên gia kinh tế cho BBC hay từ Hà Nội. 

    Mỹ Hằng

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào