Header Ads

  • Breaking News

    Philippines thách Mỹ mang cả Hạm Đội 7 đến Biển Đông kình với Trung Quốc

    Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte thách nước Mỹ mang toàn bộ Hạm Đội 7 đến Biển Đông để kình chống với Bắc Kinh nếu muốn đẩy lực lượng Trung Quốc ra khỏi khu vực.

    Khu trục hạm USS Blue Ridge cập cảng Hồng Kông hôm 20 Tháng Tư, 2019. (Hình: Anthony Kwan/Getty Images)
    Ông Duterte hôm Thứ Hai, 8 Tháng Bảy, 2019, đưa ra lời thách thức như vừa kể, không bao lâu sau khi ông cáo buộc Washington xúi nước ông làm những điều vượt trên khả năng khi muốn “dùng nước Phi như mồi nhử” để đối phó với Bắc Kinh trên Biển Đông.

    Theo tạp chí Business Insider tường thuật và nhận xét, ông Duterte hoài nghi chuyện Mỹ sẵn lòng bảo vệ nước Phi. Mấy tháng trước, người ta thấy bộ trưởng Quốc Phòng Phi cảnh cáo rằng Hiệp Định An Ninh Hỗ Tương với Mỹ có thể đẩy Philippines lao vào một cuộc chiến tranh họ không muốn.

    Các lời nói mới nhất của ông Duterte có vẻ là một thông điệp gửi đến Washington và những người dân Phi chống đối chính sách của ông có vẻ nghiêng về phía Bắc Kinh, cũng như tránh né kình chống lại Bắc Kinh khi có những vụ việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

    “Tôi có một đề nghị. Nếu muốn Trung Quốc bỏ đi (các khu vực đã cướp hoặc đang tranh chấp với Phi, Việt Nam và một số nước khác), tôi không thể làm được…” ông Duterte phát biểu hôm Thứ Hai. “Tôi muốn trọn cả Hạm Đội 7 của lực lượng Hoa Kỳ đến đó” (tức Biển Đông).

    Ông nói thêm rằng: “Khi họ (tất cả Hạm Đội 7) vào Biển Đông, tôi sẽ vào. Tôi đồng hành cùng với người Mỹ khi họ vào đó trước tiên. Rồi tôi sẽ nói với người Mỹ: OK, bỏ bom mọi nơi, mọi thứ.”

    Có vẻ như ông tổng thống Phi đề nghị nếu Washington muốn chống Trung Quốc trên Biển Đông, họ phải chuẩn bị dẫn đầu và lao vào trước thay vì đẩy trách nhiệm cho các đồng minh và đối tác ở khu vực. Tuần trước, ông Duterte cũng đã đưa ra những lời tuyên bố với lời lẽ chỉ trích Mỹ tương tự.

    “Chúng ta không bao giờ thắng chiến tranh với Trung Quốc. Nước Mỹ luôn luôn thúc ép, xúi giục (Phi)… biến chúng ta thành cái mồi câu. Quý vị nghĩ chúng tôi người Philippines là cái gì, mấy con giun làm mồi? Bây giờ, tôi nói, anh mang máy bay, tàu chiến đến Biển Đông. (Anh) bắn phát súng đầu tiên rồi chúng tôi đứng ngay sau lưng anh. Làm đi, đánh đi,” tổng thống Phi nói.

    Mỹ và Phi ký hiệp định an ninh phòng thủ chung từ năm 1951 nhưng từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Manila bắt đầu thấy nêu ra những quan ngại về sự ràng buộc của hiệp định có ý nghĩa gì đối với tương lai nước họ. Mấy năm trước, người ta thấy một số giới chức ngoại giao Mỹ bắn tiếng Mỹ chỉ can thiệp khi đất nước Phi bị tấn công, hàm ngụ không bao gồm các vùng biển đảo đang tranh chấp trên Biển Đông.

    Thấy nhiều lần chính phủ Duterte có vẻ muốn ra khỏi cái dù của Washington, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, hồi Tháng Ba vừa qua, phải đến Manila trấn an rằng bất cứ một cuộc tấn công nào vào lực lượng Phi trên Biển Đông, dù là máy bay hay tàu, cũng đều khởi động hiệp định an ninh hỗ tương.”

    Nhưng Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana lại cho rằng nước Mỹ nhiều phần sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trên Biển Đông và đẩy nước Phi vào một cuộc chiến tranh họ không muốn.

    “Hoa Kỳ với các chuyến tuần tra hải hành ngày càng nhiều hơn trên Biển Đông nhiều phần sẽ dẫn đến nổ súng,” ông Lorenzana nói. “Nước Phi liền bị tự động kéo vào cuộc chiến tranh.”

    Trước khi ông Duterte lên làm tổng thống thì Phi vẫn là một đồng minh hợp tác chặt chẽ với Washington. Nhưng từ khi ông lên nắm quyền, người ta thấy ông nhiều lần đả kích nước Mỹ với lời lẽ không mấy lịch sự trong khi lại thân thiện đặc biệt với Bắc Kinh và Moscow. Gần đây, người ta thấy ông chống chế cho cả việc tàu đánh cá của Phi bị tàu dân quân biển của Trung Quốc đâm chìm.

    Hạm Đội 7 của Mỹ hiện đặt căn cứ tại hải cảng Yokosuka, Nhật Bản, lực lượng chiến hạm, máy bay và quân số hùng hậu nhất trong các hạm đội của Hoa Kỳ. Hạm Đội 7, theo tin chính thức được công bố, có từ 70 đến 70 chiến hạm, gồm cả tàu ngầm nguyên tử và mẫu hạm nguyên tử, 140 máy bay các loại và quân số khoảng 40,000 người gồm cả thủy thủ lẫn Thủy Quân Lục Chiến.

    Các chiến hạm và máy bay tuần tra của Hạm Đội 7 thường xuyên hiện diện trên Biển Đông, có khi đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo hoặc đảo nhân tạo làm Bắc Kinh giận dữ phản đối.

    Tuần trước, có tin cho hay Trung Quốc thử hỏa tiễn chống hạm tầm xa tại khu vực nằm giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số nhà phân tích cho rằng loại hỏa tiễn này có khả năng đánh chìm hàng không mẫu hạm Mỹ khi hiện diện ở khu vực. 

    (Người Việt) 

    Không có nhận xét nào