Header Ads

  • Breaking News

    Nhân vụ ConocoPhilips kiện VN cần nói rõ chi phí 7 vụ khác


    Sự kiện hai tập đoàn dầu khí quốc tế ConocoPhillips và Perenco khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra một Hội đồng Trọng tài quốc tế gần đây thu hút sự chú ý của dư luận

    Bản quyền hình ảnh ullstein bild/Getty Images Image caption Việc các tập đoàn nước ngoài giàu có kiếm lời ở Việt Nam nhưng tránh đóng thuế được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và phúc lợi xã hội

    Bài viết này nhằm điểm qua những vấn đề chính trong vụ kiện này và một số bài học cho Việt Nam.

    Vì sao có vụ kiện này?

    ConocoPhillips là một tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn trên thế giới, trong đó có thành viên là ConocoPhillips UK là pháp nhân mang quốc tịch Anh. Tập đoàn này có nhiều hợp tác với Chính phủ Việt Nam để khai thác dầu khí.

    Năm 2000, ConocoPhillips UK thành lập ConocoPhillips (UK) Gama Limited. Năm 2004, ConocoPhillips thành lập thêm ConocoPhillips (UK) Cuu Long là một pháp nhân khác. Cả hai công ty này đều thành lập tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.

    Năm 2012, ConocoPhillips UK, chủ sở hữu của ConocoPhillips (UK) Gama Limited và ConocoPhillips (UK) Cuu Long đã bán hai công ty dầu khí này cho Perenco S.A. - là một công ty dầu khí đặt trụ sở tại Pháp, nhưng trong cơ cấu sở hữu vốn cũng có công ty của Anh.

    Theo thông tin từ Anh Quốc cho biết, ConocoPhillips UK đã bán hai công ty này với giá 1,29 tỉ đôla, thu lợi nhuận 896 triệu đôla. Về mặt lý thuyết, lợi nhuận thu được của ConocoPhillips UK phải đóng thuế. Tuy nhiên, theo luật Anh Quốc thì việc chuyển nhượng cổ phần như trên không phải đóng thuế.

    Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam lại nghĩ khác.

    Theo Hiệp định thuế giữa Anh Quốc và Việt Nam ký và có hiệu lực năm 1994, thì khoản lợi nhuận thu được này của ConocoPhillips UK, cho dù Anh Quốc không thu thuế thì Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đánh thuế. Số tiền thuế phải nộp cho Chính phủ Việt Nam cho thương vụ này của ConocoPhillips UK ước tính khoảng 179 triệu đôla.

    Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã gửi thư yêu cầu ConocoPhillips UK và Perento S.A. phải nộp thuế cho thương vụ này. Nhưng cả ConocoPhillips UK lẫn Perento S.A. đã từ chối yêu cầu nộp thuế.

    Để tránh việc nộp thuế này, đồng nghĩa với mất 179 triệu đôla lợi nhuận, năm 2017 ConocoPhillips UK và đối tác mua là Perenco S.A. cùng nhau đệ đơn khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế , dựa theo các điều khoản bảo hộ nhà đầu tư trong Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ đầu tư được ký kết giữa Anh Quốc và Việt Nam năm 2002.

    Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ đầu tư 2002 thì vụ kiện sẽ do một Hội đồng trọng tài được thành lập theo Quy chế Trọng tài của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc phán xử.

    Vấn đề pháp lý trong vụ kiện

    Cho tới nay, tất cả các thông tin về vụ kiện này đều được các bên giữ kín.

    Tuy nhiên, vấn đề pháp lý quan trọng nhất của vụ kiện mà các bên cùng phải chứng minh, đó là nguồn gốc nào dẫn tới lợi nhuận 896 triệu đôla trên đây? Và nó được hình thành tại đâu?

    Phía ConocoPhillips UK sẽ có thể lập luận rằng, việc thực hiện thương vụ được tiến hành bởi các pháp nhân mang quốc tịch Anh Quốc, diễn ra trên lãnh thổ Anh Quốc, cho nên không có lý do gì mà họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam.

    Còn Chính phủ Việt Nam sẽ có thể lập luận rằng, nguồn gốc của lợi nhuận 896 triệu đôla này là phát sinh từ các mỏ dầu tại Việt Nam, thuộc sở hữu của Chính phủ Việt Nam, nên Chính phủ Việt Nam phải được quyền thu thuế cho khoản lợi nhuận trên.

    Mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình. Phía Chính phủ Việt Nam sẽ là đại diện cho quan điểm của các quốc gia đang phát triển, theo đó, lợi nhuận thu được từ các nước giàu mà phát sinh từ các nguồn tài nguyên của các nước nghèo, phải nộp thuế cho quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên đó.

    Còn về phía ConocoPhillips UK thì sẽ cho rằng các nhà đầu tư phải được bảo vệ trước các đe dọa lạm quyền từ phía các quốc gia mà họ đến đầu tư.

    Đã có nhiều trường hợp các quốc gia đang phát triển, lạm dụng quyền lực và hệ thống luật pháp của mình để tước đoạt tài sản từ các nhà đầu tư nước ngoài.

    Ví dụ chính phủ Venezuela quốc hữu hóa tài sản của các công ty dầu mỏ Hoa Kỳ đầu tư tại Venezuela hay Nga quốc hữu hóa tài sản của Yukos, dù trong đó có các cổ đông là công ty nước ngoài.

    Còn ở Việt Nam có vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam.

    Việt Nam học được gì?

    Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã bị các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện 8 vụ, đây là hệ quả tất yếu khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới.

    Tuy nhiên, dù thắng hay thua, tất cả các thông tin về các vụ kiện liên quan, Chính phủ Việt Nam đều giữ kín. Trong khi trên thế giới, thông tin và phán quyết của các vụ kiện tương tự luôn được công khai.

    Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ tư pháp đại diện và phụ trách các vụ kiện loại này, và tất cả các tài liệu về các vụ kiện tương tự đều được đóng dấu mật.

    Chính phủ Việt Nam muốn thắng trong vụ kiện này không phải là một chuyện dễ dàng. Việc bị khởi kiện đã cho thấy Chính phủ Việt Nam ở thế bị động.

    Rất có thể, khi Bộ Tài chính muốn đánh thuế thương vụ này, đã không tham khảo ý kiến của các luật sư quốc tế hoặc các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vụ kiện khó khăn bởi vì chưa có một tiền lệ nào hoàn toàn giống như thế.

    Nếu Chính phủ Việt Nam thắng, sẽ tạo ra một án lệ tốt cho nhiều nước đang phát triển đang gặp phải những vụ tương tự.

    Hẳn nhiên, phía Việt Nam khó có thể có công ty luật hoặc luật sư nào có thể đảm đương việc trực tiếp đứng ra bảo vệ Chính phủ Việt Nam trong các vụ kiện như vậy.

    Thông thường, Bộ tư pháp sẽ giao cho Vụ luật pháp quốc tế phối hợp với một công ty luật Việt Nam để thuê một công ty luật nước ngoài, thường là từ Hoa Kỳ, để tiến hành việc bảo vệ Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện.

    Nhưng tôi cho rằng chuyện Chính phủ Việt Nam giữ kín thông tin các vụ nhà đầu tư kiện Chính phủ Việt Nam sẽ có hại hơn là có lợi.

    Trong việc hội nhập thế giới, việc bất đồng quan điểm và lợi ích giữa các bên là chuyện bình thường, điều đó sẽ dẫn đến tranh chấp.

    Giải quyết tranh chấp thông qua các Tòa án quốc tế và vận dụng luật quốc tế để bảo vệ lý lẽ của mình là một cuộc chơi sòng phẳng, công bằng.

    Các nước đang phát triển như Việt Nam nếu có thể sử dụng luật quốc tế để chống lại các nước lớn thì đó là những chuyện nên làm hơn là để xảy ra xung đột.

    Những ví dụ về vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1986 hay vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 là minh chứng cho thấy tác dụng tốt của luật quốc tế để chống lại cường quyền như thế nào.

    Việc giữ kín thông tin về các vụ kiện (cho dù Tòa đã có phán quyết như vụ Trịnh Vĩnh Bình) cho thấy, làm thế nào để Chính phủ Việt Nam có thể rút ra các bài học kinh nghiệm, hòng tránh cho những vụ kiện tương tự trong tương lai?

    Trong tiến trình hội nhập quốc tế, thì việc thắng thua các vụ kiện như vậy, cũng nên coi là chuyện bình thường, không chỉ thắng thì khoe khoang còn thua thì giấu biệt.

    Vì phía Việt Nam có đóng dấu mật đi chăng nữa, cũng có những thông tin lọt ra phía nước ngoài. Chưa kể, dư luận có thể nghĩ rằng, Chính phủ bưng bít thông tin, điều đó sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía người dân.

    Thêm nữa, người dân có quyền biết, việc chi trả chi phí các vụ kiện được thực hiện thế nào, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trực tiếp dẫn đến việc các nhà đầu tư kiện như vụ Trịnh Vĩnh Bình. Vì nói cho cùng, tất cả các chi phí đó, từ cho luật sư đến lệ phí trọng tài hoặc bồi thường nếu thua kiện, đều lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế do nhân dân đóng góp.

    Cần cải tổ gấp môn công pháp quốc tế

    Một vấn đề nữa là Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực về công pháp quốc tế. Mặc dù, trong tương lai gần, khó có người nào trong giới luật học Việt Nam có thể trở thành các luật sư quốc tế trực tiếp đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong các vụ kiện quốc tế như vậy.

    Tuy vậy, cũng cần phải chuẩn bị cho tương lai xa, mà gần nhất là cần những người có thể phân tích và diễn giải những vụ kiện như vậy cho công chúng hiểu. Theo cách phân chia của luật pháp phương Tây, chỉ cần một bên tham gia là nhà nước thì thuộc lĩnh vực của công pháp.

    Bản chất của các vụ nhà đầu tư kiện chính phủ là thuộc về công pháp. Các luật sư thương mại thông thường ở Việt Nam khó có thể hiểu được những vụ kiện công pháp quốc tế như vậy, nếu không có kiến thức nền tảng tốt về công pháp quốc tế.

    Chẳng hạn, nguồn của luật quốc tế được viện dẫn trong tranh tụng, việc diễn giải các điều khoản của các Hiệp định đầu tư quốc tế, cách thức thu thập và sử dụng bằng chứng, nghĩa vụ chứng minh trước tòa...

    Trên thế giới, đa phần các vụ kiện như vậy do các luật sư quốc tế đồng thời cũng là các giáo sư công pháp quốc tế đảm nhận.

    Còn ở Việt Nam, môn công pháp quốc tế thường là bị rẻ rúng, giáo trình thì thường ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, lạc hậu về nội dung và phương pháp giảng dạy.

    Có lẽ các trường có dạy công pháp quốc tế cần đưa những nội dung về nhà đầu tư kiện chính phủ vào chương trình giảng dạy chính thức, để thấy được tầm quan trọng của công pháp quốc tế, không chỉ là việc rao giảng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà thôi.

    Hoàng Việt Gửi đến BBC Tiếng Việt từ TP HCM

    Tác giả Hoàng Việt là giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và là nhà nghiên cứu luật Quốc tế.

    BBC News

    Không có nhận xét nào