Nửa cuối tháng Sáu này Đại học
Goldsmiths nơi tôi dạy tổ chức triển lãm các công trình tốt nghiệp của
hàng ngàn sinh viên theo học hàng chục ngành khác nhau. Một trong những
công trình thu hút sự chú ý của tôi là tác phẩm bao gồm hàng chục cuộn
giấy vệ sinh được bôi các màu khác nhau nằm trên một bồn cầu kèm theo
những từ mở đầu: “Tôi là người Hong Kong, tôi thích tự do ngôn luận…”
Một trong những công trình thu hút sự chú ý của tôi là tác phẩm bao gồm hàng chục cuộn giấy vệ sinh. (Hình: Hùng Nguyễn) |
Đây
là công trình của Hiu Yu Lai, sinh viên học ngành trị liệu và các màu
sắc, theo lời cô, thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của các
bệnh nhân cần trị liệu. Hiu Yu Lai là sinh viên Hong Kong duy nhất tốt
nghiệp ngành này trong năm nay ở Goldsmiths. Nó làm tôi nhớ tới hàng
trăm ngàn bạn trẻ đã xuống đường vì một Hong Kong tự do trong mấy tuần
qua. Điều kiện cần đầu tiên để xã hội luôn thay đổi theo hướng tốt hơn
là khả năng tự do thể hiện chính kiến, quan điểm và tình cảm.
Công
trình khác khiến tôi chú ý là bộ năm bức ảnh với chủ đề ‘Thai nghén ở
Goldsmiths’ của nữ sinh theo học ngành tâm lý trị liệu qua nghệ thuật,
cô Katherine Foster. Cả công trình là sự thách thức chính trường nơi cô
đã học và thật khó có cơ hội để được trưng bày tại các trường ở Việt Nam
hay Trung Quốc.
Đây là lời chú thích cho năm bức ảnh chụp bụng chửa ngày một to của cô khi đang học ở trường.
“Tháng 1.
“Goldsmiths từ chối trả lại tiền mà sinh viên mất khi các giờ học bị huỷ vì cuộc đình công [của các giảng viên].
“Tháng 4.
“Tài khoản sinh viên bị Goldsmiths khoá khiến tôi không vào được các cơ sở của trường trong một tháng.
“Tháng 5.
“Goldsmiths đem con bỏ chợ và từ chối nhận trách nhiệm vì những sai lầm liên quan tới học phí của tôi.
“Tháng 7.
“Văn
hoá thể chế có vấn đề của Goldsmiths khiến các thành viên được kính
trọng và được đánh giá cao của khoa tâm lý trị liệu qua nghệ thuật bỏ
việc.
“Tháng 9.
“Bị Goldsmiths doạ tôi sẽ không được nhận bằng nếu tôi không trả số tiền phạt còn lại, vốn đã quá hạn nộp hai ngày…”
Việc
một trường đại học cho phép sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân cho dù
nhà trường có thể không thích quan điểm đó là điều cần thiết để có một
thế hệ trẻ dám thách thức quyền lực.
Điều này cũng khiến các vấn đề của trường không bị ém nhẹm đi và người ta buộc phải tìm cách giải quyết các vấn đề.
Hiện
một số sinh viên ở Goldsmiths cũng đang chiếm một số phòng trong một
toà nhà chính của Goldsmiths để biểu tình từ vài tháng nay để phản đối
điều họ coi là chính sách không thoả đáng của trường về chống phân biệt
chủng tộc.
Vụ
việc xảy ra sau khi một ứng viên cho chức chủ tịch Hội Sinh viên
Goldsmiths phải chịu những hành động được coi là phân biệt chủng tộc.
Các băng rôn và biểu ngữ vận động tranh cử của nữ ứng viên Hamna bị xé
rách hoặc bị vẽ bẩn kèm theo các lời chế nhạo tiếng Anh giọng nước ngoài
của cô. Việc trường bị cáo buộc không có phản ứng kịp thời và đúng mức
trước diễn biến này đã dẫn tới chuyện các sinh viên chiếm một số văn
phòng trong toà nhà Deptford Town Hall từ tháng Ba tới nay. Một trong số
các sinh viên tôi dạy viết báo cũng đã có bài về chuyện này và chính
tôi là người duyệt cho đăng sau khi yêu cầu người viết kèm theo giải
thích của trường để đảm bảo cân bằng. Nhiều nhân viên của Goldsmiths
phải chuyển văn phòng làm việc tới các nơi khác kể từ đó.
Dù
trước đó đã định có các biện pháp cứng rắn đối với sinh viên, chẳng hạn
doạ kỷ luật các sinh viên chiếm toà nhà để biểu tình hay khoá các cửa
thoát hiểm để ngăn sinh viên ra vào toà nhà, Goldsmiths cuối cùng đã
phải mềm mỏng. Một trong những lý do dẫn tới chính sách này là sự ủng hộ
quyền biểu tình của sinh viên của hàng trăm giảng viên và sinh viên.
Một thư ngỏ của các sinh viên biểu tình được hơn 1,000 chữ ký ủng hộ.
Lãnh đạo trường hôm 25/6 buộc phải tổ chức gặp gỡ các sinh viên biểu
tình và cam kết sẽ bỏ ra hàng chục ngàn bảng Anh để tổ chức đào tạo cho
nhân viên nhằm tăng ý thức chống phân biệt chủng tộc trong trường. Cuộc
gặp đã được một trong những sinh viên tham dự thuật lại trên Twitter để
những người quan tâm có thể theo dõi.
Ba
ví dụ trên đây cho thấy rõ khi có một số lượng đủ lớn những người dám
đứng lên đấu tranh cho lẽ phải và những người dám ủng hộ những người đấu
tranh, giới lãnh đạo buộc phải nhìn lại mình và có những thay đổi phù
hợp. Điều đáng tiếc ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á
là những người như thế còn hiếm. Các trường tiểu học, trung học và đại
học cũng không hướng tới đào tạo những người có ý thức thách thức thực
trạng. Nhiều sinh viên ở những nước như thế ra tới bên ngoài vẫn ngày
đêm ôm nỗi sợ cố hữu và không dám thể hiện suy nghĩ tự do vì sợ khi trở
về sẽ gặp rắc rối. Einstein nói “giáo dục không phải là học các dữ kiện
mà là học cách suy nghĩ”. Nhưng nhiều bạn trẻ sống trong các chế độ độc
đoán nhiều khi chẳng buồn suy nghĩ hay phó mặc cho những người khác suy
nghĩ thay cho mình.
Nguyễn Hùng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào