Header Ads

  • Breaking News

    Nạn Nhân Bị Đàn Áp Đến Hội Nghị Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo Toàn Cầu Tại Bộ Ngoại Giao Mỹ


    Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tổ chức Hội Nghị Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo Toàn Cầu từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Bảy. Đây là hội nghị cấp bộ trưởng với sự tham dự của nhiều diễn giả, học giả các tổ chức cũng như đại diện các tôn giáo trên thế giới.
    Mục sư A Ga (áo đen) và đạo hữu Dương Xuân Lương (áo trắng) trong buổi phỏng vấn với RFA.

    Hai người Việt Nam trong số các nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo đã có tiếng nói trước hội nghị, sau đó được gặp gỡ với tổng thống Trump tại Nhà Trắng chiều ngày 17 tháng Bảy, là mục sư A Ga đạo Tin Lành Tây Nguyên và ông Dương Xuân thuộc Cao Đài Chơn Truyền miền Tây Nam Bộ.

    Mục sư A Ga và đạo hữu Dương Xuân Lương đã dành cho đài Á Châu Tự Do bài phỏng vấn sau đây:

    Mục sư A Ga: Tôi là mục sư phục vụ 12 Hội Thánh ở tại Tây Nguyên mà chúng tôi thành lập là Giáo Hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam. Chính quyền tra tấn tôi trong thời gian 3 lần, rồi sau đó họ chuẩn bị bắt, thấy tình trạng rất nguy hiểm nên tôi trốn sang Thái Lan. Chính quyền Việt Nam ra lệnh truy nã, phối hợp với chính quyền Thái Lan bắt tôi vào trong IDC ( Trung Tâm Giam Giữ Người Nước Ngoài Cư Trú Bất Hợp Pháp ở Bangkok) trong thời gian 3 tháng.

    Sau đó tôi được văn phòng BPSOS vận động giúp đỡ, rồi người can thiệp chính là ông đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Sam Brownback, gia đình tôi được ra khỏi IDC, được qua Philippines 6 tháng, đến ngày 25 tháng Chín gia đình tôi được định cư tại Hoa Kỳ.

    Ông Dương Xuân Lương: Tôi bị nhà cầm quyền Việt Nam bách hại 3 lần. Lần thứ nhất năm 1996 họ bắt giam tôi 30 tháng vì hoạt động cho tự do tôn giáo cho đạo Cao Đài nguyên thủy chúng tôi. Lần thứ hai họ bắt tôi ngày 14 tháng Ba năm 2008 nhưng bắt hụt, sau đó họ ra lệnh truy nã và tôi đã ẩn trốn trong 8 năm. Đến năm 2016 tôi trốn thoát sang Thái Lan. Nhờ sự giúp đỡ của BPSOS, giới thiệu hồ sơ của tôi đến các giới chức Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế nên tôi được sang Hoa Kỳ định cư. Lần thứ ba nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bách hại tôi là khi tôi đã ở hải ngoại rồi, họ vẫn cho tay sai của họ nói xấu tôi cũng như chụp mũ tôi là cộng sản nằm vùng ở tại Hoa Kỳ.

    Thanh Trúc: Thưa mục sư A Ga, ngày 17 tháng Bảy trong buổi họp nhóm ông cùng đạo hữu Dương Xuân Lương đã có mặt. Có phải ông đã nói chuyện với ông Scott Busby và đã trình bày hết tất cả những khó khăn mà tín hữu Tin Lành tây Nguyên phải chịu đựng?

    Mục sư A Ga: Vâng tôi đã trình bày tất cả những gì người Tây Nguyên chúng tôi đang đối diện với những sự bắt bớ từ chính quyền Việt Nam. Chúng tôi thấy họ rất quan tâm lắng nghe sự trình bày của mình về vấn đề tự do tôn giáo của người sắc tộc Tây Nguyên bị chính quyền đàn áp.

    Thanh Trúc: Thưa đạo hữu Dương Xuân Lương, vì thời gian có hạn nên ông Scott Busby không mời ông lên tiếng, tuy nhiên trong suốt thời gian vận động thì ông đã có dịp nói lên những khó khăn mà Cao Đài chơn truyền trong nước gặp phải?

    Ông Dương Xuân Lương: Tôi cũng tranh thủ những lúc “hành lang” để giới thiệu với các tổ chức quốc tế hoặc các vị quan tâm đến quyền tự do tôn giáo, về trường hợp của đạo Cao Đài 1926 bị chi phái 97 đánh cắp căn cước và chiếm Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là 2 điểm chính mà chúng tôi muốn quốc tế hóa và tổ chức BPSOS đã lên hồ sơ giúp chúng tôi. Hồ sơ này đã được chúng tôi cộng tác với BPSOS để phố biến. Chúng tôi đã gởi hồ sơ đó đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và những tổ chức nhân quyền khác.

    Thanh Trúc: Ông đã nghe mục sư A Ga trình bày về phần các giáo hội Tin Lành tại gia ở Tây Nguyên. Sự ghi nhận của trợ lý ngoại trưởng chuyên trách dân chủ, nhân quyền và lao động Scott Busby như thế nào thưa ông?

    Ông Dương Xuân Lương: Theo tôi quan sát tôi thấy những nạn nhân đến trình bày trong khung cảnh là mọi người đều có bị sự áp bức khác nhau. Hoàn cảnh nạn nhân của quí vị kia thường là về cái bạo lực. Trường hợp của đạo Tin Lành là bị bức hại cả một tôn giáo, điều đó ông Scott Busby đã ghi nhận một cách rất kỹ lưỡng, đôi khi ông cũng hỏi lại một vài điểm mà ông cần nắm rõ hơn. Tôi thấy ông quan tâm đến từng hồ sơ của những nạn nhân trình bày.

    Thanh Trúc: Được biết buổi chiều ngày 17 tháng Bảy 2019 cả hai ông cùng một phái đoàn vào Nhà Trắng, được gặp vị tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Đặc biệt là hình như tổng thống đã trò chuyện với ông Dương Xuân Lương, xin cho biết tổng thống đã nói điều gì với ông?

    Ông Dương Xuân Lương: Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt. Tôi đến đó cùng với hơn 20 người nữa cũng đồng là nạn nhân tôn giáo cả. Tổng thống đã lắng nghe một số vị trình bày, những vị đó rất giỏi tiếng Anh nên trình bày câu chuyện rất lưu loát và tổng thống cũng có hỏi đi hỏi lại một vài chi tiết.

    Riêng tôi vì mới đến Hoa Kỳ và không có vốn liếng tiếng Anh là mấy nhưng tôi thấy trong hoàn cảnh bức xúc như vậy tôi phải nói lên tiếng nói của dân tộc tôi, nói lên cái khó khăn mà đồng bào tôi phải chịu. Tôi đến nói với tổng thống rất ngắn gọn rằng “Thưa tổng thống Việt Nam không có tự do tôn giáo, tôi muốn tổng thống giúp cho Việt Nam có tự do tôn giáo, Việt Nam cần đưa vào danh sách CPC”. Tổng thống hỏi lại tôi là “Vietnam?” Tôi trả lời “Vâng thưa tổng thống, cám ơn tổng thống” và ông đã bắt tay tôi. Đó là giây phút mà tôi nghĩ đã làm nên một phần lịch sử của đạo Cao Đài trong bước đường tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo.

    Thanh Trúc: Mục sư A Ga có muốn bổ túc thêm điều gì không?

    Mục sư A Ga: Tôi vào được Phòng Bầu Dục đã là điều vinh hạnh và may mắn, tạ ơn Chúa. Đương nhiên mình đã đến đó thì họ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo trong nước, họ mới mời mình qua đó. Chỉ có điều bất đồng ngôn ngữ nên mình không có nói được, nhưng vào đó thì cảm thấy rất vinh hạnh.

    Thanh Trúc: Thưa mục sư A Ga, theo ông hiểu hiện thời ở Tây Nguyên có bao nhiêu tín hữu Tin Lành bị bắt và bị nhốt ?

    Mục sư A Ga: Bị bắt, bị nhốt và bị bắt ép từ bỏ hoạt động tôn giáo với Hội Thánh độc lập như của chúng tôi, đặc biệt tháng Mười 2017 thì chính quyền đã đem một lực lượng từ Gia Lai phối hợp với Kon Tum cả hàng trăm, đến giải tán tất cả những Hội Thánh mà chúng tôi đang quản nhiệm ở Kon Tum. Khoảng hơn 500 người phải từ bỏ niềm tin vào tôn giáo của mình.

    Thanh Trúc: Còn tại Thái Lan, hiện ông có biết bao nhiêu người Tin Lành còn trốn bên đó?

    Mục sư A Ga: Cũng khoảng 500 người kể cả người H’mong và người Tây Nguyên đang trốn tại Thái Lan. Tôi muốn nói thêm là hiện nay thì ngay cả nhân sự dưới cấp của tôi cũng đang ở trong tù 4 năm nay rồi mà chưa được thả, cũng vì lý do là bất đồng về quan điểm, bởi vì với cộng sản Việt Nam họ muốn gì mình phải làm theo thì mình mới có một chút tự do.

    Thanh Trúc: Thưa đạo hữu Dương Xuân Lương, cho tới giờ phút này ông thấy sự áp đặt và sự kiểm soát của chính quyền có được nới ra chút nào hay vẫn như lúc ông bỏ trốn?

    Ông Dương Xuân Lương: Tôi hoạt động cho tự do tôn giáo của đạo Cao Đài từ năm 1996 tôi ghi nhận rất rõ Nhà Nước Việt Nam không hề nới rộng. Chúng tôi mạnh hơn nên chúng tôi đẫy lùi họ thôi chứ họ không hế nới rộng gì hết. Sự hành đạo của chúng tôi được hơn là do nội lực của chúng tôi phát triển lên buộc họ phải kiêng dè. Trước kia chúng tôi không nối kết mình ra với quốc tế được, chúng tôi như những nạn nhân trong phòng kín mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn hành hạ như thế nào là quyền của họ. Từ năm 2014 chúng tôi bắt liên lạc được với BPSOS, nhờ những cuộc huấn luyện của tổ chức BPSOS nên chúng tôi biết cách thu thập bằng chứng những vi phạm, biết cách viết báo cáo gởi lên Liên Hiệp Quốc, nghĩa là nội lực của chúng tôi mạnh lên. Từ những báo cáo đó chúng tôi đẫy lùi sự vi phạm của họ đi, cho nên ngày nay chúng tôi được hành đạo một cách rộng rãi hơn, đó là do nội lực của chúng tôi mạnh hơn chứ nhà cầm quyền Việt Nam không hề nới tay, họ vẫn tìm những kẽ hở của chúng tôi để áp đặt điều họ muốn.

    Thanh Trúc: Quí ông đã tới đây từ ngày 11 tháng Bảy, vào Quốc Hội trong phiên họp khoáng đại vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Sau đó từ ngày 16 đến ngày 18 là 3 ngày Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo của Bộ Ngoại Giao, tiếp đến được gặp tổng thống Hoa Kỳ. Thưa mục sư A Ga, sau những trải nghiệm đó thì điều gì ông muốn trình bày với chính phủ Việt Nam?

    Mục sư A Ga: Đối với chúng tôi là dân tộc thiểu số ít có thông tin ra ngoài nhưng đặc biệt 3 ngày qua là điều quan trọng. Thứ nhất mình thấy chính phủ Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế đều chú tâm đến vấn đề tự do tôn giáo. Như vậy tôi có nguyện vọng là trong tương lai gần chính quyền Việt Nam không nên dối trá, phải có chính sách thay đổi để cho người dân, đặc biêt đồng bào ở Tây Nguyên, có quyền tự do tôn giáo. Khi có tự do tôn giáo rồi thì họ không bao giờ phải chạy trốn qua Thài Lan mà họ rất đau khổ. Hy vọng chính phủ Việt Nam không thể che dấu được nữa.

    Ông Dương Xuân Lương: được tham dự Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Về Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo tôi nhận thấy những nạn nhân đến kể câu chuyện của mình ai cũng có lòng tha thứ cho thủ phạm cả.

    Trong hoàn cảnh của Việt Nam tôi nghĩ con đường tự do tôn giáo là xu thế tất yếu nếu Việt Nam muốn phát triển bền vững, muốn quan hệ một cách bền vững với những quốc gia khác. Việt Nam phải biết không thể vì quyền lợi của đảng mà hy sinh quyền lợi của dân tôc. Tôi muốn chính phủ Việt Nam nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh những Công Ước quốc tế chẳng hạn Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền hay là Điều 18 của Công Ước Dân Sự về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

    Xin cảm ơn mục sư A Ga và đạo hữu Dương Xuân Lương về bài phỏng vấn này.
    (RFA)

    Không có nhận xét nào