Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ cảnh báo 'Việt Nam phải có biện pháp giảm thâm hụt thương mại'

    Không lâu sau khi Tổng thống Trump tố cáo Việt Nam “lạm dụng” thương mại với Hoa Kỳ còn tệ hơn cả Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cảnh báo Hà nội phải có biện pháp cắt giảm thặng dư thương mại của Việt Nam trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục tăng áp lực lên quốc gia Đông Nam Á trong các trao đổi thương mại với Mỹ.

    Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bắt tay Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh tại một buổi đón tiếp Tổng thống Donald Trump ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Ông Lighthizer vừa cảnh báo Việt Nam cần tiến hành các biện pháp để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
    Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng tăng và chính quyền TT Trump “đã nói rõ với Việt Nam rằng họ phải có biện pháp để giảm mức thâm hụt thương mại ‘không bền vững’ này”, Bloomberg và Politico dẫn lời ông Lighthizer nói hôm 29/7.

    Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra cảnh báo vừa kể hơn 1 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump gọi Việt Nam là nước “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox hôm 26/6.

    Việt Nam ngày càng trở thành mục tiêu bị chính quyền Trump nhắm tới vì mức thặng dư thương mại gia tăng nhanh chóng với Hoa Kỳ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với Mỹ đạt gần 40 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gần gấp đôi so với mức thặng dư năm 2014, theo số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Trong vòng 5 tháng qua, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng 43% so với mức 21,6 tỷ USD một năm trước đó.

    Trong phần trả lời bằng văn bản cho Ủy ban Tài chính của Thượng viện Mỹ được Politico trích dẫn, ông Lighthizer nói “các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với một loạt các rào cản thương mại ở Việt Nam.”

    Nhận định về nguy cơ thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ ngày càng tăng, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) nói với VOA rằng: “Chỉ số thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể rơi vào nhóm các nước thao túng tiền tệ đối với Mỹ. Việt Nam cần phải để ý rất nhiều đối với thị trường Mỹ.”

    Hồi tháng 5, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần giám sát về thao túng tiền tệ khi Việt Nam nằm trong số các nước có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt trên 40 tỷ USD.

    “Tăng cường nhập hàng Mỹ”

    Các biện pháp mà ông Lighthizer đề xuất đối với Việt Nam để giảm thặng dư thương mại bao gồm tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, các sản phẩm nông nghiệp, và sở hữu trí tuệ.”

    “Những giải pháp mà Việt Nam đang thực hiện là cố gắng đảm bảo thương mại cân bằng với Mỹ hơn như tăng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam và tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của xuất khẩu hơn là tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ,” TS Thắng, trưởng ban kinh tế thế giới của NCIF, nói.

    Sau khi bị Tổng thống Trump cáo buộc là lạm dụng thương mại, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói với VOA tháng trước rằng Việt Nam đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”

    Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu hàng từ Mỹ, từ máy bay Boeing cho tới các sản phẩm dầu khí.

    Tuy nhiên vào tháng trước, ông Trump lại cáo buộc Việt Nam lạm dụng thương mại còn tệ hơn cả Trung Quốc, và điều này gây lên những lo ngại rằng Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo, sau Trung Quốc, bị Mỹ áp thuế lên hàng hóa.

    Nhận định về việc này, TS Thắng – cựu thành viên của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: "Vai trò của Việt Nam đối với Mỹ về mặt địa chính trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trong khu vực Đông Nam Á có những yếu tố mà chính quyền Trump phải cân nhắc trước khi đưa ra những quyết định đánh thuế hàng hóa như kiểu chiến tranh thương mại với Trung Quốc.”

    Việt Nam và Mỹ cùng có chung mối quan ngại về hành vi đòi chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và đã tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào