Trận cháy rừng tại Nghệ An – Hà Tĩnh
đang chìm vào quên lãng nhưng hình ảnh những người công an được đồng đội
cột chiếc bình nylon chứa nước trên lưng, trèo đồi cứu lửa vẫn đọng lại
trong tâm trí người xem khó gột cho trôi được cảm xúc trong lòng họ.
Không ít người cho rằng lực lượng công an đóng kịch nhằm mua sự thấu cảm
của người dân. Có người cười cợt vì con số công an viên mang thùng nước
trên lưng tiến vào rừng chữa cháy sao quá nhỏ nhoi tệ hại, mỗi một
người cõng một thùng nước 15 lít chữa được bao nhiêu cây rừng và tại sao
họ lại làm một công việc xem thường nhận thức người dân như vậy?
(Hình: Trích xuất từ báo Thanh Niên) |
Nhưng
cái đọng lại trong lòng hầu hết mọi người trước hình ảnh này là sự thụt
lùi của đời sống. Thụt lùi không những về khoa học kỹ thuật mà chúng
còn cho thấy tư duy chịu đựng của những người cầm quyền tại các khu vực
khó khăn. Họ không dám lên tiếng đòi hỏi những phương tiện hỗ trợ phòng
cháy chữa cháy vì họ biết chắc rằng có đòi hỏi cũng không ai nghe vì
cung cấp phương tiện cho những khu vực này sẽ không mang chút lợi lộc gì
cho người ký duyệt.
Những
thùng nước trên lưng người công an điển hình cho mặt trái của ổn định
phát triển mà Việt Nam đang rất đỗi tự hào. Những thùng xăng trên vai bộ
đội xuất hiện gần 60 năm trước trên chặng đường hành quân từ Bắc vô Nam
nay sống lại một cách bất ngờ giữa lúc biển lửa hoành hành và chính
quyền khoanh tay chịu trận. Thế nhưng những thùng nước ấy hình như đang
biến thành những ngón tay, chỉ thẳng vào những phá hoại đang thay nhau
giày xéo đất nước bằng những dự án, những công trình đậm màu đen của
chia chát và xẻ thịt ngân sách. Những công trình kêu to không khác gì
sấm sét nhưng lụi tàn cũng chẳng khác một cơn mưa. Có cái rất khác là
sau cơn mưa trời lại sáng nhưng sau cơn lên đồng nổ như súng thần công
thì những dự án, công trình ấy trở thành ảm đạm u tối như địa ngục.
63
ngàn tỉ, 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương là điển hình cho vùng tối
của ổn định phát triển vừa được Ban tuyên giáo cho phép báo chí lên
tiếng sau bao năm nằm im ắng dưới chiếc dù doanh nghiệp nhà nước.
Lần
này tới phiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hát lại điệp khúc rút kinh nghiệm
khi phát biểu: “12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu
sắc”.
Người
dân nghe quá nhàm nhưng hình như câu nói này là “kinh thánh” của đảng
cộng sản Việt Nam, chỉ cần đặt tay vào đó là mọi sự sẽ trôi tuột vào
thùng rác “rút kinh nghiệm”. Sáu mươi ba ngàn tỉ không phải là quá nhiều
nếu so với những thất thoát khác nhưng nếu đừng hoang tưởng vào tài
năng của những cái đầu trong Bộ Công thương thì bao nhiêu chiếc xe cứu
hỏa, bao nhiêu trạm cứu rừng, bao nhiêu đường dẫn nước sẽ được lấp đặt
thay thế cho những chiếc thùng nhựa nhỏ nhoi trên lưng người chiến sẽ
công an trong vụ cháy rừng vừa qua?
Trung
ương có lẽ đang ngồi nhẩm tính thiệt hại của 12 dự án thua lỗ này nhưng
chưa bao giờ Trung ương nhẩm tính trước khi những dự án thua lỗ tương
tự bắt đầu thành hình với những cái đầu từ những Bộ, những Viện những
đơn vị xin ngân sách nhà nước bằng quan hệ, bằng tham nhũng chính sách,
bằng vận động của các nhóm thân hữu, và kể cả bằng sự coi thường kiến
thức của cấp trên.
Trung
ương tiếp tục nhìn cấp dưới rút sợi giây kinh nghiệm bằng những tán
thán từ nhưng chưa bao giờ chính Trung ương lên tiếng thừa nhận sự bất
lực của mình khi gián tiếp chấp nhận những lời lẽ “nhận khuyết điểm”
ranh mãnh ấy của cấp dưới.
Không
những ranh mãnh mà còn mang đậm sự khinh nhờn khi phát biểu nó. Bằng
chứng dễ thấy nhất khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố sự đau lòng ấy
khi báo chí tường trình buổi lễ hôm 9-7, ông Trần Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ
Công thương bàn giao 11/12 dự án ngàn tỉ thua lỗ cho Ủy ban Quản lí Vốn
Nhà nước quản lí. "Siêu ủy ban" này sẽ gánh thay trách nhiệm của Bộ
công thương tìm phương án xử lí hiệu quả các dự án hoặc cho phá sản.
Đăng
kèm với bản tin là hình ảnh ông Trần Tuấn Anh và người đại diện cho
“Siêu Ủy ban” cùng cười hớn hở như đang tham dự một dự án mới mà “tiền
đồ” rộng mở trước mắt của cả hai người.
Họ
cười vì biết chắc 12 dự án này rồi sẽ đi vào quên lãng. Tiền nhà nước
trôi tuột vào túi tham của quan chỉ làm nhân dân đau lòng, chưa bao giờ
thấy ai trong số Ban tham mưu Trung ương lên tiếng tự nhận sai lầm và
đưa ra kế hoạch chấn chỉnh cho lần sau. 12 dự án này tiếp nối các dự án
trước đây thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ cũng chẳng ai quan tâm vì từ trên
xuống dưới đều đã học rất thuộc bài “rút kinh nghiệm”.
Người
dân mới đây phấn khởi ra mặt khi Bộ Kế hoạch Đầu tư trình chính phủ dự
án Cao tốc Bắc Nam với kinh phỉ chưa bằng phân nửa của kinh phí mà Bộ
GTVT đưa ra trước đây, thế nhưng ca khúc “rút kinh nghiệm” hình như vẫn
đang ám ảnh những ai theo dõi và quan tâm tới các dự án mà các Bộ trình
lên cho Thủ tướng chính phủ, kể cả dự án này khi nó được tiếng là rẻ và
khả thi nhưng ai dám đoan chắc nó không thất bại, đội vốn, kéo dài thời
gian thi công và nhất là điệp khúc rút kinh nghiệm lại được lu loa trên
báo chí?
Bởi suy cho cùng, thất bại không nằm trong dự án mà nó nằm sẵn bên dưới mặt bàn của những kẻ đặt bút ký vào nó.
Bộ
Chính trị tỏ ra thiếu khả năng phán đoán ai là kẻ thủ lợi trong từng dự
án thua lỗ và vì vậy không kịp thời chấn chỉnh nên mới tạo ra hàng loạt
sự sụp đổ liên tiếp của các doanh nghiệp nhà nước mà kết quả là hàng
trăm chiếc thùng nhựa sẽ tiếp tục nằm trên vai các công an, bộ đội trong
các đợt cháy rừng tiếp theo.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào