Header Ads

  • Breaking News

    Làm sao Mỹ biết Việt Nam lạm dụng thương mại ‘tồi tệ hơn cả Trung Quốc’?

    Tổng Thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam là nước lạm dụng chính sách thương mại của Mỹ “tồi tệ hơn cả Trung Quốc” và dọa sẽ có biện pháp trừng phạt. Nhưng làm sao chính phủ Mỹ biết được điều này?

    Công nhân của “nhà sản xuất” Asanzo lắp ráp các bộ phận của chiếc tivi nhập cảng từ Trung Quốc rồi dán hàng chữ “Made in Vietnam.” Công ty này bị tố cáo đánh lừa người tiêu thụ là “hàng Việt Nam chất lượng cao.” (Hình: Kinh Tế Tiêu Dùng)
    Hôm 26 Tháng Sáu vừa qua, Tổng Thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn Fox Business Network nói rằng ông biết: “Nhiều công ty (Trung Quốc) đang chuyển (sản xuất) sang Việt Nam (để tránh bị Mỹ đánh thuế quan trừng phạt), nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc.”

    Khi được hỏi ông có định áp đặt thuế quan trừng phạt với Việt Nam như với Trung Quốc hay không thì ông Trump không phủ nhận.

    “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất so với những nước khác.” Lời ông trong cuộc phỏng vấn.

    Dịp này, tổng thống Trump than phiền việc một số công ty Trung Quốc chuyển tới Việt Nam để tránh bị đánh thuế quan trừng phạt của Mỹ là tình trạng “đáng quan tâm.”

    Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã vượt quá $20 tỷ kể từ năm 2014, đạt $39.5 tỷ vào năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 1990, theo dữ liệu của Cục Ðiều Tra Dân Số Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn.

    Cuối Tháng Năm, 2019, Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương CSVN cho hay, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt $22.6 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109.2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58.4%; hàng dệt may tăng 9.8%.

    Nhưng làm sao các chuyên viên đảm trách mậu dịch quốc tế của Mỹ biết được hàng hóa từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ không thật sự sản xuất tại Việt Nam?

    Một trong những căn cứ để xác định là dựa vào các con số thống kê xuất nhập cảng của Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với nước Mỹ.

    Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập cảng một số lượng máy điện toán và đồ điện tử từ Trung Quốc trị giá $5.1 tỉ, gia tăng hơn 80% so với cùng thời kỳ này của năm ngoái. Cũng vào thời gian vừa kể trên, những loại hàng hóa tương tự mà Việt Nam xuất cảng sang Mỹ gia tăng gần 72%, theo báo tài chính WSJ.

    Như các con số do Tổng Cục Thống Kê CSVN đưa ra, nhờ xuất cảng tăng vọt trong 5 tháng đầu năm, ước lượng tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của Việt Nam gia tăng 7.9% nhờ gia tăng xuất cảng sang Mỹ và Trung Quốc.

    Khi tin tức về hàng Trung Quốc được tuồn sang Việt Nam với xuất xứ được in sẵn là “Made in Vietnam” rồi chuyển vận sang thị trường Mỹ đề cập trên báo chí quốc tế những tháng qua, Hà Nội đã phải thúc giục các cơ quan trong nước cũng như các công ty nội địa, tránh các trò gian lận để Việt Nam bị vạ lây vì Mỹ trừng phạt. Dù vậy, cái mối lợi ngay trước mặt khó làm giới con buôn bỏ qua.

    Hồi năm 2017, Việt Nam đã bị Mỹ phạt vì thép xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt trong khi nhập cảng thép từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng tương ứng. Cũng từ đối chiếu thống kê giữa các nước liên quan mà giới chuyên gia Mỹ nhìn thấy ngay thép Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để nhập vào Mỹ.

    Sau khi bị ông Trump đả kích, CSVN cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng “chữa cháy.”

    “Với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”

    Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN cho hay hôm 28 Tháng Sáu được các báo trong nước dẫn lại.

    Bà Hằng chống chế rằng, Việt Nam “đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Mỹ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Mỹ.”

    Đồng thời “Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác. Việt Nam và Mỹ thường xuyên trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp Ðịnh Khung về Thương Mại và Đầu Tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh,” lời bà Hằng.

    Theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ mua khối lượng lớn khí đốt hóa lỏng từ Mỹ để giảm bớt chỉ trích cũng như tránh bị trừng phạt.

    (Người Việt)

    Không có nhận xét nào