Ngày Chủ nhật 14-7 đã trôi qua lặng
lẽ tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Không có một cuộc biểu tình nào của người
dân để sẻ chia với người lính hải quân Việt Nam đang đối mặt với giặc
Trung Quốc ở bãi Tư Chính.
Đã có Đảng và Nhà nước lo! |
Về mặt hành chánh, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sở dĩ không có biểu tình, vì theo nhà báo Trần Đình Thu,
“nếu còn tồn tại chủ nghĩa xã hội thì đừng bao giờ nói đến chuyện chống
Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa lắm. Chỉ nói đến chuyện chống Trung Quốc,
khi nào Việt Nam trở thành một nước dân chủ đa đảng, ký các hiệp ước
đồng minh với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…”.
Luật
sư Nguyễn Thanh Bình chua chát không kém: “Có lẽ nên xoá kỷ luật một số
tướng tá bên bộ Quốc phòng và mấy vị đô đốc, tướng lĩnh của bộ tư lệnh
hải quân. Thôi thà để nó tham nhũng còn hơn là để tổ quốc bị xâm lăng...
Tin trên làm nức lòng đám quan chức tham nhũng. Họ được ngoại bang bảo
kê chăng? Đám chính trị gia công tử, xa-lông với đám quan chức xôi thịt
có vẻ rất khoái và có vẻ đang mong đợi những gì đó đặc lợi, đặc
quyền...”.
Bản
tin trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng [http://bit.ly/2YR83T9], cho
biết (tóm lược): Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát
biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở bãi Tư Chính trong khoảng một tuần
qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư
lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Ông
Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu
tàu trong một tweet hôm 11-7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của
các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang
12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu
37111.
“And
now we have confirmed China maritime militia involvement in the escort
operation. That’s Qiongsanshayu 00114, a big boat owned by the Sansha
City unit. Probably not alone out there. @KennedyMaritime
@AndrewSErickson”.
Ông
Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War
College), trong một tin nhắn Twitter vào sáng sớm hôm chủ nhật 14-7 (giờ
Sài Gòn) cho biết như vậy kèm ảnh chụp màn hình theo dõi.
“Và
bây giờ chúng tôi đã xác nhận sự tham gia của lực lượng dân quân biển
Trung Quốc trong hoạt động hộ tống. Đó Qi Qiongsanshayu 00114, một chiếc
tàu lớn thuộc sở hữu của đơn vị thành phố Sansha [Tam Sa]. Có lẽ đây
không phải là tàu dân quân biển duy nhất. @KennedyMaritime
@AndrewSErickson”.
Trong
một diễn biến khác, theo tờ Tin Tức của Thông Tấn xã Việt Nam
[http://bit.ly/2Y7FELc], vào sáng 11-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và
các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với
cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034,
9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình
trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát
biển Việt Nam (ảnh)
Các
bản tin tương tự ở RFA, BBC, RFI chủ yếu dẫn lại nguồn từ
https://www.scmp.com kèm dự báo, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn
nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây, và có thể kích động
làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan
Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Tuy
nhiên tính đến Chủ nhật 14-7, hệ thống báo chí quốc doanh không khai
thác thông tin này. Có chăng chỉ là kiểu tường thuật ẩn dụ: “Đó có lẽ là
đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể lính
Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng
to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này...
Qua điện thoại, cả hai gia đình đã thống nhất tổ chức lễ cưới vào ngày
12 và 13-7 này. Để kịp về cưới vợ, chú rể đã xin phép đơn vị cho về phép
10 ngày. Cô dâu Ly Na nói đúng ra chú rể đã có mặt ở nhà từ ba ngày
trước ngày cưới. Nhưng gần ngày về thì thời tiết không thuận lợi. Tàu
không cập được để về đúng ngày. Cả nhà phải động viên nhau chấp nhận đám
cưới không có chú rể. Cũng không có ảnh cưới. Không cắt bánh. Không rót
rượu. Và không có luôn việc trao nhẫn cưới cho nhau”. (Báo Tuổi Trẻ,
phát hành tối 13-7, http://bit.ly/2NR9dNl).
Mạng
xã hội cũng chưa thấy bất kỳ lời kêu gọi nào về những cuộc tuần hành
biểu thị lòng dân trước đe dọa về những đụng chạm có thể bằng vũ trang
của quân đội hai quốc gia.
Vài
hôm trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công du ở
Trung Quốc, cũng chưa rõ bà có lên tiếng nói gì về vấn đề này với Tập
Cận Bình.
Có
ý kiến phân tích, các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần
qua đã mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính
(phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này hồi năm 1992, Trung
Quốc đã từng ký giấy phép cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ Creston
hoạt động.
Vụ
này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa.
Tuy nhiên nghe đâu thời hạn hợp đồng giữa Trung Quốc với phía công ty Mỹ
vẫn còn, nay, thăm dò thềm lục địa của Việt Nam là nằm trong hoạch định
tái khởi động lại hợp đồng ấy.
Lập
luận trên có cái lý, vì hôm thứ sáu, 13-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư
Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển
Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng [scmp, nguồn đã dẫn] cho biết thêm.
“Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các
cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan”, người phát ngôn này nói.
Tuy
nhiên, theo Reuters, ngày 27-6 tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã phát đi
thông báo mời thầu 8 lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Vị trí các lô dầu
khí này trùng với lộ trình thăm dò của Haiyang Dizhi 8, từ lô 130 đến lô
156.
Nhắc
lại: Tòa án Trọng tài thường trực PCA đã phán quyết bác bỏ “đường lưỡi
bò” của Trung Quốc trong một bản án tuyên ngày 12-7-2016, điều này có
nghĩa Trung Quốc không có quyền gì đối với tài nguyên biển thuộc EEZ của
quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều đó dẫn đến thỏa thuận vào năm
1992 của Trung Quốc với công ty khai thác dầu khí của Mỹ, hiện tại là
‘vô hiệu’.
Có
một nội dung ít được báo chí cũng như mạng xã hội khai thác trong
chuyến công du của Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại Trung Quốc vừa
kết thúc vào cuối tuần qua, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm công việc
‘tiền trạm’ cho sắp tới đây sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hai bộ chính trị
Trung Quốc và Việt Nam tại Hà Nội.
Bàn
luận bên lề, một số luật sư ở Sài Gòn dự báo từ chuyến công du Bắc Kinh
của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khả năng sắp tới đây nếu có chuyến thăm Hoa
Kỳ với tư cách là người đứng đầu quốc gia, thì nếu ông Nguyễn Phú Trọng
trở ngại vì sức khỏe, thì người thay thế chính là Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đứng
về mặt Luật hiến Pháp, mà người Mỹ vốn quen với nền pháp trị, hay viện
dẫn các nguyên tắc và diễn tiến hiến định, thì bà Ngân là người cao nhất
nước, vì bà là chủ tịch Quốc Hội, mà Hiến pháp Việt Nam gọi là cơ quan
quyền lực tối cao.
5
năm trước, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lắp đặt giàn khoan
thăm dò dầu khí HD-981 đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại 22 tỉnh
thành của Việt Nam trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng,
Bình Dương, Thanh Hoá. Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã
diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Hiện
tại thì họa xâm lăng cận kề, song xem ra người dân thực sự đã đặt trọn
niềm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, khi họ không còn sục sôi kêu gọi
xuống đường tuần hành ủng hộ người lính hải quân, không còn muốn tố cáo,
lên án với cộng đồng quốc tế về chuyện Trung Quốc bá đạo dẫm đạp lên
luật pháp quốc tế.
Bởi mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo rồi!
(VNTB)
Không có nhận xét nào