Ngày 2-7, Công an tỉnh Khánh Hòa đã
ra quyết định khởi tố bị can đối với luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô
Tuyết Phương để điều tra về tội trốn thuế.
Ảnh: Luật sư Trần Vũ Hải (áo thun đỏ) cùng bè bạn tại Khánh Hòa, ngày 1-7. |
Luật
sư Trần Vũ Hải bị câu lưu tại thành phố Nha Trang hôm 1-7, và đến sáng
2-7 thì thực hiện lệnh khám xét văn phòng của luật sư Hải tại Hà Nội.
Chưa thể nói gì về vấn đề này, tuy nhiên công luận ngờ vực đây có thể là
đòn thù của phe nhóm lợi ích nào đó, khi luật sư Trần Vũ Hải tham gia
nhiều vụ án liên quan đến dân oan, và cả tranh chấp làm ăn của doanh
nghiệp. Luật sư Trần Vũ Hải từng hỗ trợ pháp lý cho người dân Thủ Thiêm,
và mới đây là vụ vườn rau Lộc Hưng.
Bốn
năm trước, vào tháng 11-2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật
tự xã hội (PC45) - Công an Hà Nội tình nghi luật sư Trần Vũ Hải nhận hỗ
trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho nhiều người dân tại các địa phương như
Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình và nhận tiền nhưng không thực hiện
việc tư vấn pháp luật. Tuy nhiên luật sư Hải phủ nhận và cho rằng mình
không làm gì sai.
Luật
sư Trần Vũ Hải tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, từng tu nghiệp tại Cộng
hòa dân chủ Đức. Luật sư Hải từng công tác tại Toà án Nhân dân tối cao,
và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Luật sư Hải từng là cố vấn pháp lý
cho Liên đoàn bóng đá khoá III, tham gia xây dựng quy chế bóng đá chuyên
nghiệp, đàm phán với nhà tài trợ Strata, bảo vệ cho cầu thủ Việt Thắng,
đề xuất việc giải quyết khiếu nại trong bóng đá theo trình tự hai cấp
như của FIFA, đề xuất quỹ chống bán độ...
Luật
sư Trần Vũ Hải cùng cộng sự từng giúp giáo dân xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi,
huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong việc tập họp chứng cứ, hồ sơ gửi Chính
phủ và Quốc hội, yêu cầu Chính phủ trích 2.000 tỷ đồng từ khoản đền bù
thiệt hại 11 ngàn 500 tỷ của Fomosa để hỗ trợ riêng cho giáo dân xứ Đông
Yên.
Ghi
nhận chung từ một số đồng nghiệp luật sư ở Sài Gòn, thì luật sư Trần Vũ
Hải rất mạnh miệng trong hầu hết các trường hợp đối mặt làm việc với
nhà chức trách. Luật sư Trần Vũ Hải có chút ngang tàng, và ông rất giỏi
trong việc quản trị, cũng như nhanh nhạy phát hiện các tình huống pháp
lý.
Đánh
giá ban đầu với tất cả sự dè dặt, luật sư Trần Thành ở Đoàn Luật sư tại
Sài Gòn nói rằng ‘trốn thuế’ chỉ là ‘đôi khi cái cớ này phục vụ cho mục
đích kia’. “Trước đây, hồi khởi tố vụ án trốn thuế đối với ông Nguyễn
Văn Hải – tức Hải Điếu Cày, người ta cũng hăm he ‘thịt’ luôn vợ của ông
là bà Dương Thị Tân”, luật sư Trần Thành kể.
Theo
cáo trạng, ông Nguyễn Văn Hải và vợ là bà Dương Thị Tân đã không kê
khai trung thực việc cho thuê hai căn nhà, nhằm trốn thuế hơn 400 triệu
đồng. Tuy nhiên, thể hiện trên hợp đồng thuê nhà, đã thoả thuận giao cho
bên thuê nhà nộp thuế. Ông Nguyễn Văn Hải được dự định phóng thích vào
ngày 20-10-2010, nhưng vào ngày này thì ông bị an ninh điều tra PA-24
bắt ngay cửa trại giam K3 Xuân Lộc đưa về số 4 Phan Đăng Lưu ‘để điều
tra thêm’.
Ngày
24-9-2012, ông Hải bị tòa án xét xử thêm về tội “tuyên truyền chống nhà
nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự cùng với các blogger Tạ Phong Tần
(bà Tần là cựu sĩ quan an ninh, khi bị bắt, bà đang là luật sư) và Phan
Thanh Hải (ông là giám đốc một công ty luật). Hiện tại chỉ còn mỗi ông
Phan Thanh Hải là ở tại Việt Nam.
Danh
sách thân chủ là doanh nghiệp của luật sư Trần Vũ Hải trong thời gian
qua có những tên tuổi như gia đình Phạm Nhật Vượng – Phạm Nhật Vũ, nhà
xe Thành Bưởi… “Nguồn tin hành lang cho hay luật sư Trần Vũ Hải có dính
đến nhà Nhật Cường Mobile. Chuyện thuế nhà đất ở Khánh Hòa chỉ là ban
đầu cho phép thử với cấp điều tra của tỉnh. Trong hồ sơ vụ án liên quan
Hội Anh em dân chủ, cũng từng thấy có tên nhiều luật sư, tuy nhiên chỉ
là chuyện dọa dẫm nhau. Liệu lần này có phải là đòn thù của phe nhóm nào
đó?”. Biên tập viên M.T của một kênh truyền hình tại Sài Gòn, cho biết.
Một
lưu ý, trong vụ luật sư Trần Vũ Hải, thì hình ảnh trên báo chí cho thấy
tuy “nhân danh” công an tỉnh Khánh Hoà, nhưng xe pháo dọc ngang toàn
mang biển số 80 của cấp bộ.
(VNTB)
Không có nhận xét nào