Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị cáo
buộc “vũ khí hóa” tình trạng toàn cầu hóa kinh tế. Các biện pháp trừng
phạt, thuế quan và hạn chế tiếp cận đồng đô la là những công cụ chủ chốt
trong chính sách đối ngoại của Trump, và ông ta đã không bị ràng buộc
gì bởi các đồng minh, các thể chế hoặc các quy tắc trong quá trình sử
dụng các công cụ này. Theo tờ The Economist, Mỹ có được ảnh hưởng không
chỉ nhờ quân đội và hàng không mẫu hạm, mà còn từ địa vị là trung tâm
trong mạng lưới làm bệ đỡ cho toàn cầu hóa. “Mạng lưới các công ty, ý
tưởng và các tiêu chuẩn này phản ánh và nhân rộng sức mạnh của người
Mỹ”. Nhưng cách tiếp cận của Trump có thể “gây ra một cuộc khủng hoảng,
và nó đang làm xói mòn tài sản quý giá nhất của Mỹ – đó là tính chính
danh của nó”.
Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau trong kỷ nguyên Trump |
Trump
không phải là tổng thống đầu tiên thao túng sự phụ thuộc lẫn nhau về
kinh tế, và Mỹ cũng không phải là quốc gia duy nhất làm như vậy. Chẳng
hạn, năm 1973, các quốc gia Ả Rập đã sử dụng lệnh cấm vận dầu mỏ để
trừng phạt Mỹ vì đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Không
lâu sau đó, Robert O. Keohane và tôi đã xuất bản cuốn Power and
Interdependence (Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau), một cuốn sách khám
phá nhiều cách thức mà sự phụ thuộc lẫn nhau không đối xứng có thể bị
thao túng trở thành một nguồn quyền lực. Nhưng chúng tôi cũng cảnh báo
rằng các lợi ích ngắn hạn đôi khi biến thành tổn thất dài hạn. Chẳng
hạn, trong giai đoạn đó, Tổng thống Richard M. Nixon đã hạn chế xuất
khẩu đậu nành của Mỹ với hy vọng làm giảm lạm phát. Nhưng về lâu dài,
thị trường đậu nành ở Brazil đã mở rộng nhanh chóng và cạnh tranh với
các nhà sản xuất của Mỹ.
Năm
2010, sau một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản gần quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư đang bị tranh chấp ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã trừng
phạt Nhật Bản bằng cách hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm, vốn rất
cần thiết trong ngành điện tử hiện đại. Kết quả là Nhật Bản đã cho một
công ty khai thác quặng của Australia vay tiền để phát triển một nhà máy
chế biến đất hiếm ở Malaysia, và nhà máy này ngày nay đáp ứng gần một
phần ba nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản. Ngoài ra, mỏ Mountain Pass ở
California, vốn đã đóng cửa vào đầu những năm 2000, đã được mở cửa trở
lại. Thị phần đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ mức hơn 95%
hồi năm 2010 xuống còn 70% vào năm ngoái. Năm nay, trong một phản ứng
không quá tinh tế đối với biện pháp áp thuế của Trump, Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình đã được dàn dựng chụp một bức ảnh tại một địa điểm sản
xuất đất hiếm nơi xuất khẩu những sản phẩm rất quan trọng đối với các
nhà sản xuất điện tử Mỹ.
Hoa
Kỳ (và các quốc gia khác) có quyền lên án các hành vi kinh tế của Trung
Quốc như trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp cho các công ty nhà nước,
làm méo mó sân chơi thương mại. Hơn nữa, có những lý do an ninh quan
trọng khiến Hoa Kỳ phải tránh bị phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc
như Huawei trong lĩnh vực mạng không dây 5G. Và Trung Quốc cũng đã từ
chối cho phép Facebook hoặc Google hoạt động đằng sau “Vạn lý Hỏa thành”
(Great Firewall) vì lý do an ninh liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
Nhưng hạn chế một số công nghệ và các công ty nhất định vì lý do an ninh
là một chuyện, nhưng gây ra sự gián đoạn lớn chuỗi cung ứng thương mại
để phát triển ảnh hưởng chính trị là một chuyện hoàn toàn khác. Người ta
không thể biết được ảnh hưởng như vậy sẽ kéo dài bao lâu hoặc phí tổn
dài hạn sẽ ra sao.
Ngay
cả khi các quốc gia khác không thể tự thoát khỏi các mạng lưới phụ
thuộc lẫn nhau của Hoa Kỳ trong ngắn hạn, thì các động lực khiến họ làm
như vậy sẽ gia tăng trong dài hạn. Trong khi đó, sẽ xuất hiện những
thiệt hại tốn kém cho các tổ chức quốc tế vốn có sứ mệnh hạn chế xung
đột và tạo ra các hàng hóa công toàn cầu. Như Henry Kissinger đã chỉ ra,
trật tự thế giới không chỉ phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực ổn định,
mà còn phụ thuộc vào ý thức về tính chính danh, điều mà các thể chế
giúp mang lại. Trump đã đúng khi phản ứng với hành vi kinh tế của Trung
Quốc, nhưng ông đã sai khi làm điều đó mà không quan tâm đến các chi phí
gây ra cho các đồng minh của Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế. Cũng chính
vấn đề này đã làm suy yếu chính sách của ông đối với Iran và châu Âu.
Các
liên minh như NATO giúp ổn định hóa các kỳ vọng và sự tồn tại của các
tổ chức như Liên Hợp Quốc, Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và Cơ
quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế giúp tăng cường an ninh. Thị trường mở
và toàn cầu hóa kinh tế có thể gây xáo trộn, nhưng chúng cũng tạo ra sự
thịnh vượng (dù thường không được phân chia đồng đều). Duy trì sự ổn
định tài chính là rất quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của hàng
triệu người Mỹ và người nước ngoài, mặc dù họ có thể không nhận thấy
điều đó cho đến khi sự ổn định không còn. Và bất kể những gì một phản
ứng dân túy bản địa có thể gây ra đối với toàn cầu hóa kinh tế, tình
trạng toàn cầu hóa vấn đề sinh thái là không thể tránh khỏi. Khí nhà
kính và các đại dịch không tôn trọng biên giới chính trị. Các luật lệ
của chính trị dân túy, vốn khiến Trump chối bỏ khoa học và đưa Mỹ rút
khỏi thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, đều không phù hợp
với các luật lệ của tự nhiên.
Các
quốc gia sẽ ngày càng cần một khuôn khổ để tăng cường hợp tác về sử
dụng biển cả và không gian vũ trụ, và chống lại biến đổi khí hậu và các
đại dịch. Gọi một khuôn khổ như vậy là một “trật tự quốc tế tự do” gây
nhầm lẫn các lựa chọn khi gắn việc thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do
với việc tạo ra một khuôn khổ thể chế nhằm thúc đẩy các hàng hóa công
toàn cầu. Trung Quốc và Hoa Kỳ không có chung quan điểm về vấn đề dân
chủ tự do, nhưng hai nước chia sẻ mối quan tâm trong việc phát triển một
hệ thống mở dựa trên các quy tắc để quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau về
kinh tế và sinh thái.
Một
số người bảo vệ chính quyền Trump lập luận rằng phong cách không chính
thống và sự sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và thể chế của Trump sẽ tạo ra
thắng lợi lớn cho Mỹ trong các vấn đề như vũ khí hạt nhân của Triều
Tiên, việc Trung Quốc cưỡng chế chuyển giao công nghệ, hoặc sự thay đổi
chế độ ở Iran. Nhưng mối quan hệ giữa quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau
thay đổi theo thời gian, và sự thao túng quá tay vị trí đặc quyền của
Mỹ trong mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu có thể tự gây hại cho
nước Mỹ. Như tờ The Economist lập luận, chi phí thể chế của việc sử dụng
cách tiếp cận thô bạo có thể làm giảm sức mạnh của Mỹ về lâu dài. Nếu
vậy, phương thức của Trump sẽ trở nên tốn kém đối với an ninh quốc gia,
sự thịnh vượng và lối sống của nước Mỹ.
Joseph S.Nye
Biên dịch: Phan Nguyên
*
Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng
Tình báo Quốc gia Mỹ, hiện là Giáo sư Đại học Havard. Ông là tác giả của
cuốn Is the American Century Over?
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào