Hai bộ của Việt Nam đưa ra dự toán
riêng rẽ về đường sắt cao tốc và đường sắt tốc độ cao với mức chênh lệch
tới 32 tỷ đôla, theo báo chí trong nước hôm 9/7. Một chuyên gia kỳ cựu
về kinh tế và đầu tư bình luận với VOA rằng ở mức độ phát triển hiện
nay, Việt Nam “hơi hoang tưởng” khi nghĩ đến việc làm đường sắt cao tốc.
Một đoàn tàu chạy qua trung tâm Hà Nội, tháng 12/2011 |
Các
báo trong đó có Tuổi Trẻ, Tiền Phong và VNExpress cho hay Bộ Kế hoạch
và Đầu tư mới báo cáo với thủ tướng rằng có thể đầu tư cho dự án đường
sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ cần đến 26 tỷ đôla, tức là chưa đến một nửa
so với đề xuất về đường sắt cao tốc của Bộ Giao thông - Vận tải.
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư dẫn phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho
rằng với chiều dài hàng nghìn kilômet, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc -
Nam khoảng 200km/h là đạt “hiệu quả kinh tế”, theo các bản tin.
Trước
đây, Bộ Giao thông - Vận tải từng trình thủ tướng phương án đầu tư mới
tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ chạy tàu 320km/h, cần đến tổng vốn
xây dựng lên tới khoảng 58,7 tỷ đôla. Nếu được duyệt, thời gian dự kiến
bắt đầu xây dựng là vào năm sau, 2020, và hoàn thành vào năm 2050.
Giáo
sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương,
bình luận với VOA rằng các con số dự toán ở Việt Nam “chẳng bao giờ
chính xác cả” và thông thường số tiền phải chi trên thực tế sẽ “cao gấp
rưỡi” so với dự toán.
Bên
cạnh mối quan ngại về chi phí thi công, vị giáo sư cũng từng giữ chức
Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng với quy mô và
tốc độ tăng trưởng như hiện nay, “trong 5-10 năm nữa Việt Nam chưa nên
làm đường sắt cao tốc”.
Việt
Nam cần thận trọng tham khảo bài học của các nước phát triển hơn, nhất
là các nước ở châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc, về đường sắt cao tốc,
giáo sư Võ Đại Lược nói.
Theo
lời ông, Nhật Bản là nước phát triển có Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP)
lẫn thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều lần, song đường
sắt cao tốc của họ vẫn “không thu lợi được mà chỉ hòa vốn, thậm chí nhà
nước phải bù lỗ”.
Còn
tại Trung Quốc, tình hình “không khá hơn gì”, giáo sư Lược nói, mặc dù
về mặt chính thức, nước này chưa công bố báo cáo về lời, lỗ.
Ông
Lược cho biết thêm rằng trong các cuộc tham vấn cách đây 4, 5 năm, do
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, với sự có mặt của ông và
nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, khoa học giao thông, kể cả
tâm linh v.v…, hầu hết các chuyên gia “đều không đồng ý” với ý định xây
đường sắt cao tốc.
Tiếp
đó, cách đây hơn 1 năm, Bộ Giao thông - Vận tải lại tham vấn với các
chuyên gia, trong đó có giáo sư Võ Đại Lược, nhưng vẫn không nhận được
sự đồng ý, vị giáo sư cho biết.
Ngoài
các lý do về không hiệu quả khi kinh doanh chở khách và chở hàng, các
chuyên gia cảnh báo về việc dự án sẽ chiếm nhiều diện tích đất, dẫn đến
những vấn đề xã hội lớn ở đất nước lâu nay luôn có những bức xúc từ các
nhóm người dân bị mất đất cho các dự án.
Cá
nhân ông Lược, một cựu thành viên của Tổ Tư vấn cho Thủ tướng Võ Văn
Kiệt, có lý do riêng theo góc nhìn của ông khi phản đối dự án:
“Với
cái trình độ phát triển còn đang thấp của Việt Nam, tổng GDP mới có 240
tỷ đôla, mà lại dự kiến làm con đường sắt 58 tỷ đô la, nhưng đến lúc
thực hiện thì nó gấp rưỡi. Hiện nay nợ công của Việt Nam đã rất cao rồi,
mà lao vào con đường sắt ấy thì hoàn toàn không ổn. Việt Nam mới vừa
thoát khỏi kém phát triển đã nghĩ đến đường sắt cao tốc thì đấy gọi là
suy nghĩ hơi hoang tưởng”.
Từ
góc nhìn của một nhà hoạt động, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng Giám đốc tổ chức
Người Bảo vệ Nhân quyền, cũng phản đối dự án do mối lo về nạn tham nhũng
ở Việt Nam. Ông Ngữ bày tỏ quan điểm với VOA:
“Trong
tình trạng tham nhũng có hệ thống ở Việt Nam hiện nay, mọi đại dự án về
hạ tầng sẽ là gánh nặng cho thế hệ mai sau. Nhiều dự án đã và đang hoàn
thành bị đội vốn lên rất nhiều lần so với dự toán ban đầu, đắt hơn so
với mặt bằng chung của thế giới rất nhiều lần, phẩm cấp của công trình
không đảm bảo, tuổi thọ của công trình rất là ngắn”.
Nhận
xét về việc Bộ Giao thông - Vận tải tỏ ra “tâm huyết” với dự án đường
sắt cao tốc đòi hỏi số vốn hơn gấp đôi so với tính toán của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, ông Ngữ nói:
“Tôi
nghĩ rằng trong tình trạng tham nhũng thế này, họ càng muốn làm nhiều
dự án và với dự toán ngân sách càng nhiều càng tốt để họ tham nhũng. Tôi
nghĩ rằng đấy là nguyên nhân chính để họ cổ súy cho những dự án nhiều
tiền, không cần biết hiệu quả như thế nào”.
Các
chuyên gia không rõ danh tính được một bài báo của VietnamNet hôm 9/7
trích dẫn nêu ra quan ngại rằng kiến thức và thực tiễn kinh nghiệm của
Việt Nam “chưa có sự chuẩn bị đầy đủ” để triển khai một tuyến đường sắt
tốc độ cao nên “sẽ mất chủ động, bị lệ thuộc công nghệ nước khác, không
bảo vệ được quyền lợi và khả năng tự chủ của Việt Nam”.
Dự án đường sắt cao tốc sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải trình lên quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.
(VOA)
Không có nhận xét nào