Header Ads

  • Breaking News

    Dương Tự Lập - Vẫn chỉ là báo quốc doanh và nhà báo quốc doanh mà thôi

    Chân dung cha tôi, Dương Quân, trên trang báo Lao Động gần 30 năm trước.
    Vẫn chỉ là báo quốc doanh và nhà báo quốc doanh mà thôi

    Vào dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019, tác giả, nhà báo Hoàng Hưng có bài trên báo Tiếng Dân: “30 năm trước, Lao Động Chủ Nhật đã làm cuộc cách mạng báo chí Cách mạng“. Đại để vẫn là giọng của một nhà báo Xã hội Chủ nghĩa, nhà báo quốc doanh làm báo quốc doanh không trộn lẫn vào đâu được.

    Theo tác giả thì, năm 1989, Hoàng Hưng mới được mời vào làm cho tờ “Lao Động Chủ Nhật”. Đọc cả bài từ đầu chí cuối người ta thấy ngay Hưng rất tự hào như thế này, xin trích: “Tờ báo gây ấn tượng rất mạnh ở Sài Gòn: lần đầu tiên một tờ báo chính trị xã hội in mầu đẹp, nội dung khá mạnh bạo…”. Đã có người bình luận dưới bài, rằng câu này là “phát biểu của ‘thằng mù’. Tác giả sống với Việt cộng nên thấy mới, chứ Sài Gòn trước 1975 tờ Sóng Thần đã in offset màu đẹp…”

    Thật ra chẳng riêng gì báo Sóng Thần mà nhiều tờ báo thời Việt Nam Cộng hòa in cũng rất đẹp, mà tôi được nghe kể qua, không dám bình thêm. Vấn đề không phải in cho thật đẹp mà tờ báo có dám nói sự thật, đứng về phía người dân, nói đúng lòng dân, như một số tờ báo mạng “không lề”? Hay chỉ xu nịnh nói đẹp cho đảng, cho Tuyên giáo, ma giáo mà thôi.

    Hưng tiếp tục hồ hởi: Khôi phục các tên tuổi “Nhân văn-Giai phẩm” và “Xét lại”, kèm ảnh đang cùng nhà báo Hữu Tính xốc nách ông nhạc sĩ Văn Cao (đã có Mạc Văn Trang bình ở dưới: “Ối giời ôi! Nhìn tấm hình tưởng 2 CA xốc nách về đồn”).

    Hưng phấn khởi nói: Tôi đã viết bài: “Thơ VN đang chờ phiên đổi gác” đề cao thơ trẻ, gây dư luận trái chiều om sòm một thời… “lăng xê” các tác giả trẻ và văn nghệ “tiên phong”, “nhạy cảm”…

    Hưng tuôn trào: Thuận Thiên là bút danh của tôi xài cho mục “Gặp gỡ cuối tuần”. Có mục độc đáo (hình như không báo nào có) mà tôi trực tiếp viết “Mỗi tuần một tác phẩm mỹ thuật”, sau tôi nghỉ hưu thì không còn duy trì được… (có ảnh Hoàng Hưng đang ngồi viết bài mà tôi thấy giống như Trần Phú ngồi viết Luận cương Chính trị cho đảng Cộng sản Việt Nam).

    Đọc đến đây, tôi tưởng Hoàng Hưng nghỉ hưu thì báo Lao Động Chủ Nhật cũng chết ngóm, giống như Nam Phong Tạp chí khi Phạm Quỳnh chủ bút ra đi thì Nam Phong cũng đứt luôn. Chứ Hưng nghỉ mà báo vẫn ra thì Hưng xoàng quá anh Hưng ạ.

    Bỗng nhớ tới chuyện xảy ra giữa cha tôi với Lê Vân, Tổng biên tập báo Lao Động gần năm mươi năm về trước. Tờ báo đảng to vật vã, quyền lực vật vưỡng mà Hoàng Hưng là thế hệ sau được mời vào từ 1989 để vật “lộn”, làm cuộc “cách mạng” long trời “lở loét” cho tờ báo có… màu đẹp.

    Chú nhà thơ Thái Giang của báo khi về hưu năm 1988 ngả bàn ngồi bán nước trà chén, rượu lậu, trước cổng trường Công đoàn trên đường phố Tây Sơn, đối diện gò Đống Đa, có kể lại câu chuyện cho thằng cháu là tôi nghe, như sau:

    Đầu năm 1973, báo Lao Động, trụ sở chính ở số 51 phố Hàng Bồ, Hà Nội, có cuộc họp đông đủ để chia tay phó Tổng biên tập Trần Bá Đa đi nhận nhiệm vụ mới làm Đại sứ quán của ta tại Tiệp Khắc cũ. Ông Tổng biên tập Lê Vân chủ trì đứng lên nói rất xúc động về công lao thành tích của Trần Bá Đa đối với tờ báo những năm Bá Đa làm việc. Nào là đồng chí Đa ra đi, báo ta như mất một cánh tay phải, nào là khó ai có thể thay thế vị trí và hoàn thành công việc một cách xuất sắc như đồng chí Đa, nào là tiếc biết bao… nào là thiệt hại bao nhiêu cho báo… khác Hưng ở chỗ, Hưng tự “lăng xê” bản thân mình, chứ Lê Vân cao thủ hơn Hưng cả một cái đầu là tâng bốc lăng xê “đồng chí” Trần Bá Đa lên tận mây xanh.

    Thực ra, Vân không ưa gì Đa nên mới đẩy Đa đi, chỉ có bọn chú trong tòa soạn mới biết điều đó. Ngồi gần dưới cùng của phòng họp, có lẽ nghe ngứa tai nên anh Dương Quân văng ra: “Cứt ỉa”! (“Cứt ỉa” là cụm từ anh Dương Quân hay nói mỗi khi tức giận điều gì). Tổng thống Mỹ ghê gớm của thế giới chết còn có Tổng thống khác thay, huống hồ mấy ông nói phét. Nổi máu nóng anh đọc toẹt cho mọi người nghe:

    “Bá Đa dứt áo mà đi
    Thì báo Lao Động hai kỳ vẫn ra
    Lê Vân dẫu có hóa ma
    Thì báo Lao Động vẫn ra hai kỳ”.

    Chả là thời đó báo Lao Động mỗi tuần chỉ ra có hai số vào thứ ba thứ sáu, giấy đen và xấu. Đọc xong Dương Quân bỏ đi ra ngoài. Bây giờ các ông ấy hóa ma hết rồi, báo Lao Động ra hàng ngày, giấy trắng khá hơn. Ở cõi ma, Dương Quân có gặp lại bọn Lê Vân, Bá Đa, những cái loa ngoa ngôn của lũ Tuyên giáo đào tạo để chửi nữa hay không?

    Hãy nghe Hoàng Hưng tiếp tục “lăng xê” cho mình: Rất tâm đắc những năm làm việc cùng với Tổng biên tập Tống Văn Công. Lôi kéo được “những tên tuổi lớn trong văn học như Hoàng Cầm, Sơn Nam, Nguyễn Khải… và các giáo sư văn học gửi gắm bài vở vào trong tay tôi đều hầu như mặc định ở con dao biên tập của tôi (thậm chí cắt xén gần 1/2 bài cho… hợp khuôn khổ báo) mà họ không cần xem lại… các chuyên gia về Mỹ thuật (Dương Tường) và âm nhạc (Nguyễn Thụy Kha) mà tôi mời về làm cộng tác viên ruột”… “Tôi đặc biệt quan tâm việc Chóe cũng đi tù về như tôi, mà tù những hai lần, mười năm, được Lao Động Chủ Nhật tin dùng”…

    Hưng kể rằng, năm 2000 sang Đức, Hưng đã gợi hứng cho Phạm Thị Hoài ra tờ talawas lẫy lừng… Ghê không? Công nhọc lòng lao tâm khổ tứ của Hưng đấy, đừng tưởng bở. Cái hay là Hưng có chụp được hình mình với các bậc soái ca, là nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Văn Cao… tung lên để chứng minh với mọi người cho hùng hồn hơn. Cái chứng chỉ mà Hưng tự hào trước mọi người là mình đã từng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” hơn một năm vì can tội truyền bá: Về Kinh Bắc, tập thơ của thi sĩ Hoàng Cầm.

    Lướt qua mấy gương mặt mà Hưng tâm đắc và lôi kéo về báo của Hưng xem sao? Tổng biên tập báo Lao Động Tống Văn Công năm 2014 bỏ đảng rông qua Mỹ viết: “Đến già mới chợt tỉnh”, đái ỉa vào mặt đảng cộng sản Việt Nam. Cái đảng mà Tống đi theo từ thời còn trẻ mỏ rồi ngồi tót sỗ sàng ghế Tổng biên tập để ngoa ngôn theo luận điệu của bọn Tuyên giáo, ma giáo, bao năm trời đến cuối đời Tống bỗng trở giáo, lộn mác, như trò ảo thuật.

    Đại tá “biệt kích” văn nghệ cầm bút Nguyễn Khải, tôi dùng đúng từ cộng sản Bắc Việt chửi các văn sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khải có tiếng là người thức thời ở tạp chí Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế. Với Khải thì trên đội mà dưới đạp. Càng về sau Khải càng lộ mặt của kẻ cầm bút cơ hội, hãnh tiến. Năm 1958 Khải ít tuổi nhất đám, cũng hùa theo dính máu ăn phần, nỏ mồm chửi “Nhân văn – Giai phẩm” khi viết “Những bài học của đấu tranh cách mạng” trên Văn nghệ Quân đội, số 5, tháng 5/1958, trang 49-53 chửi nhà thơ đàn anh Trần Dần, Lê Đạt là thằng nọ, thằng kia, như bọn hàng tôm hàng cá ngoài chợ. Sau này con trai Khải bị chết đuối ngoài sông Hồng gần chân cầu Long Biên có nhiều người bảo: Giời quả báo. Khi sắp ngáp chết, Khải sám hối viết: “Đi tìm cái tôi đã mất”. Hay ho gì? Chẳng ai đọc. Khải nằm xuống trong cảnh buồn của tuổi già ít bạn bè đưa tiễn.

    Nguyễn Thụy Kha là ai? À, gã này có phải nhà âm nhạc khôn vặt chuyên đi viết về chân dung mấy ông nhạc sĩ máu mặt trong làng nhạc Việt Nam. Đó cũng là cách đánh bóng tên tuổi cho mình của Kha. Kha nghiên cứu âm nhạc nhiều đến nỗi đầu loạn như…gì. Bỗng một ngày Kha công bố bài hát “Nỗi lòng người đi”, một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa Anh Bằng (Trần Anh Bường) ai ai cũng biết. Đó là khi chàng thanh niên Anh Bằng ở tuổi 28, tay xách va ly, vai khoác đàn, cùng một triệu người Bắc bỏ ông Hồ cộng sản hoang dã, vượt vĩ tuyến 17 vào Nam, năm 1954 theo cụ Ngô Đình Diệm để lại sau lưng “Tôi xa Hà Nội” với bao nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ. Cho tới lúc nằm xuống Anh Bằng đã để lại đời vài trăm ca khúc của mình sáng tác. Kha sổ toẹt và nói bài hát này của ông Khúc Ngọc Chân nào đó (chắc bạn vong niên thân thiết của Kha) chơi trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam viết nhịp 3/4. Còn nhạc Anh Bằng viết nhịp 4/4 không thích hợp với bài hát này. Làm như Kha sành điệu nhạc hơn người, Kha chỉ lòe bịp vớ vẩn mấy thằng cha vơ chú váo, trôi dạt tầu chợ sông nước mà thôi. Sau bài ngâm cứu này Kha bị công chúng chửi thậm tệ vuốt mặt không xuể, đã không tỏ lời xin lỗi tác giả và công chúng rồi Kha cũng câm họng luôn. Kha có chiêu viết “khốn” lắm, những ai đọc tinh sẽ nhận ra điều ấy.

    Có một sự thật ai cũng biết, ai cũng hiểu, nếu đã là báo cộng sản “lề phải”, cho dù bất cứ tờ báo nào đi nữa như Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Phụ Nữ, Pháp Luật, Tuổi Trẻ… thì muốn hay không cũng nằm trong tay túm giữ của đảng cộng sản độc quyền và uốn lưỡi theo ban Tuyên giáo chỉ đạo, kèm theo con mắt cú vọ của mật vụ công an văn hóa giám sát. Vậy Hoàng Hưng chỉ là cá nhân nhỏ xíu xìu xiu, không số má, không quyền lực, thì có cước gì, tuổi gì, để làm cuộc cách mạng cải cách tờ Lao Động Chủ Nhật như Hưng nói? Có chăng Hưng chỉ là kẻ đến sau để góp phần vào công cuộc cải táng cho tờ báo cộng sản này mà thôi.

    Mạo muội đưa ra thiển ý của kẻ nghèo trí, neo mưu, có may mắn được đọc bài viết của Hưng. Mong bậc trượng phu trí túc đa mưu Hoàng Hưng đừng để bụng, nổi cơn cuồng phong thịnh nộ. Mong lắm, mong lắm.

    Dương Tự Lập – Con trai người viết báo Lao Động

    (baotiengdan.com)

    Không có nhận xét nào