Dân Biểu Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy
Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, hôm 26 Tháng Bảy bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt
Nam và lên án Trung Quốc “can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm
soát.”
Dân Biểu Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ. (Hình: AFP) |
Tuyên
bố của ông Eliot L. Engel được đăng tải trong một thông cáo báo chí
trên trang nhà của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ. Báo Thanh Niên trong
nước hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, 2019 đã “trang trọng” đưa tin này lên
trang nhất.
Mở
đầu bản thông cáo báo chí, ông nói sự hung hăng khiêu khích của Trung
Quốc gần đây ở Biển Đông là “một minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia
công khai xem thường luật pháp quốc tế.”
Ông
khẳng định là theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động
của Trung Quốc “cấu thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền
hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).”
Bên
cạnh đó, ông cũng lưu ý điều quan trọng không kém là hành vi của Trung
Quốc “đe dọa lợi ích của các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực.”
Trước
các động thái quấy rối của Trung Quốc thực hiện ở Bãi Tư Chính từ đầu
Tháng Bảy đến nay, ông Eliot L. Engel nói là “mối đe dọa đối với Việt
Nam,” đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc “sẵn sàng bắt nạt
các nước láng giềng.”
Ông nhấn mạnh thêm rằng những điều này chứng tỏ Trung Quốc “ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế.”
Dân Biểu Eliot L. Engel không phải là người đầu tiên bày tỏ quan điểm bênh vực Việt Nam và lên án Trung Quốc.
Tuyên bố của Dân Biểu Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ. (Hình: engel.house.gov)
Hôm
22 Tháng Bảy, 2019, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, viết
trên Twitter: “Thái độ cưỡng ép của Trung Quốc đối với các quốc gia láng
giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa tới hòa bình cũng như ổn
định ở khu vực.”
Ông
James Kraska, chủ tịch Trung Tâm Stockton về Luật Hàng Hải Quốc Tế
thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang hành động “bất
hợp pháp” trên Biển Đông và vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.
Ông
nói: “Bằng việc làm như vậy, Trung Quốc đang tìm cách làm cho Việt Nam
phải chấp nhận một cách từ từ quyền bá chủ và thế thống trị của Trung
Quốc trong khu vực.”
Ông Kraska cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định: “Việt Nam hầu như là sẽ thắng.”
Một
người khác nữa, ông Jonathan Odom, giáo sư Luật Quốc Tế của Trung Tâm
Nghiên Cứu An Ninh Marshall của Mỹ, cũng đăng tải trên Twitter, nhận
định rằng Hà Nội “có thể dùng hầu hết phần biện hộ” của Manila trong vụ
kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cách đây ba năm và có khả năng “chiến
thắng” về mặt pháp lý.
“Vì vậy, chỉ là câu hỏi liệu Hà Nội có đủ quyết tâm chính trị để làm việc đó hay không thôi,” ông nói thêm.
Thế
nhưng, cũng cần phải nhắc lại về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa
quốc tế. Ba năm trước, Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye đã kết luận rằng
không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối
với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong công ước, tại các
vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn.” Thêm vào đó, tòa La Haye bác
bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Tuy
nhiên, ngay sau khi phán quyết được đưa ra, tờ Apple Daily dẫn lời phát
ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng phán quyết
của tòa là “vô hiệu” và “không có sự ràng buộc” với Trung Quốc. Ông cáo
buộc phán quyết về “đường lưỡi bò” gây “gia tăng căng thẳng” trong khu
vực, làm “tổn hại nghiêm trọng” đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển
Đông.
Còn
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó nói Trung Quốc “cống hiến cho
duy trì hòa bình và ổn định” ở Biển Đông nhưng sẽ “không chấp nhận những
quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến
tranh chấp.”
(Người Việt)
Không có nhận xét nào