Hôm 18/7, Đô đốc Philip Davidson, Chỉ
huy lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói hành
động thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông "gửi một thông điệp
đe dọa tới Hoa Kỳ," theo tờ Washington Free Beacon.
Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương |
Vào
cuối tháng 6, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một tên lửa đạn đạo
chống hạm mới, bắn một loạt sáu tên lửa xuống Biển Đông.
Thêm
vào đó, Trung Quốc cũng tiến hành thử tên lửa đạn đạo hạt nhân sau bài
phát biểu "đe dọa" của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa
tại hội nghị an ninh ở Singapore hồi đầu tháng Sáu.
Đây là hai động thái riêng lẻ của Trung Quốc cũng trong tháng 6 và 7, không liên quan đến vụ việc diễn ra tại Bãi Tư Chính.
Tướng Davidson mô tả bài phát biểu này của Tướng Ngụy là "lạnh người".
"[Ngụy]
không chỉ nói rõ rằng châu Á và Tây Thái Bình Dương không phải là nơi
dành cho Mỹ, mà ông ta còn nói châu Á thậm chí cũng không phải dành cho
người châu Á, châu Á là dành cho người Trung Quốc,"
"Trong vòng 24 giờ sau đó, họ đã thử một tên lửa đạn đạo hạt nhân mới, không ở chế độ hạt nhân," ông Davidson nói thêm.
Theo
Rick Fisher, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh
giá Quốc tế (AISC), cho biết Davidson nói về việc Trung Quốc bắn sáu tên
lửa từ đại lục vào các khu vực mục tiêu phía bắc và phía nam của quần
đảo Hoàng Sa, ở phía bắc Biển Đông.
"Khu
vực thử nghiệm ở phía nam của nhóm đảo Hoàng Sa gần với các tuyến đường
biển lớn rất quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc",
ông Fisher nói.
"Đây
là cuộc thử nghiệm ASBM của Quân đội Giải phóng Nhân dân đầu tiên được
công nhận bởi một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ," ông lưu ý.
TQ là 'mối đe dọa chiến lược dài hạn'
Theo
Davidson, Trung Quốc là một "mối đe dọa chiến lược dài hạn" khi Bắc
Kinh tham gia vào một loạt các hoạt động nguy hiểm ở châu Á và trên thế
giới.
Vẫn
theo Washington Free Beacon, hôm 8/7, ông Ngụy đã nói trước các bộ
trưởng quốc phòng từ các quốc gia châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương
rằng: "Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thực sự là một
nền tảng cho việc mở rộng quân sự trong tương lai".
Trong
khi đó, các quan chức Trung Quốc trước đây khẳng định không có yếu tố
quân sự nào trong sáng kiến trị giá hàng tỷ đô la này.
Davidson
cho biết, chỉ huy quốc phòng Trung Quốc đã nói rõ sáng kiến "thực sự
là một cách để [TQ] đặt một chỗ đứng quân sự ở những nơi khác trên toàn
cầu."
"Trong
vòng vài giờ sau đó, họ đã bắn sáu tên lửa đạn đạo chống hạm, những tên
lửa mới mà họ đã phát triển vào Biển Đông," Davidson nói và cho biết
đây là lần đầu tiên tên lửa được thử nghiệm trên biển.
"Một
[cuộc thử nghiệm] thì có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đã
xảy ra hai lần thì thực sự là một thông điệp không chỉ với Hoa Kỳ mà còn
thực sự cho toàn cầu," Davidson nói.
Mỹ cần khẩn trương nâng cấp vũ khí
Davidson cảnh báo rằng quân đội Hoa Kỳ cần khẩn trương nâng cấp vũ khí và khả năng của mình để tránh bị vượt qua bởi Trung Quốc.
"Và
những khả năng ở lĩnh vực - hàng không, hàng hải, đất liền, không gian,
điện tử, chúng ta sẽ gặp rủi ro nếu không chủ động và Trung Quốc thực
sự sẽ vượt qua chúng ta vào giữa thập kỷ tới."
Việc triển khai toàn cầu của lực lượng Trung Quốc cũng đang gia tăng.
Còn
theo ông Fisher, các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm của
Trung Quốc trên Biển Đông "biểu thị rằng những thách thức lâu nay về
việc kiểm soát vùng biển đã bước sang một kỷ nguyên mới; nhóm tác chiến
tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân không còn là lực lượng quân sự
thống trị trên biển."
"Trung
Quốc rõ ràng đã lắp ráp các hệ thống, tên lửa đạn đạo chống hạm cộng
với bộ sưu tập các cảm biến vệ tinh, radar và máy bay cần thiết để nhắm
vào chúng, để đe dọa tàu sân bay rằng nó có thể không thể đánh bại."
Ngoài
ra, ông Fisher khuyên Hoa Kỳ có thể chế tạo tên lửa đạn đạo chống hạm
của riêng mình và triển khai chúng trên các tàu và tàu ngầm của Hải
quân.
Và với đủ tên lửa, "có thể ngăn chặn Trung Quốc sử dụng chúng chống lại tàu của Hoa Kỳ".
Về
mặt tích cực, Davidson cho Washington Beacon biết Hoa Kỳ đang nỗ lực
làm nổi bật những hành vi của Trung Quốc để lấy thêm sự hỗ trợ để thúc
đẩy một Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương "tự do và cởi mở" không bị kiểm
soát bởi Trung Quốc.
Các
quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Úc, Canada, Anh và Pháp cũng đã hợp
tác hoặc tiến hành các hoạt động tự do độc lập trên Biển Đông để đẩy lùi
yêu sách của Trung Quốc về việc sở hữu tới 90% khu vực biển theo Đường
Chín đoạn mơ hồ.
Davidson
cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc và không tìm
kiếm sự đối đầu hay ngăn chặn. Những ngôn từ này "đến từ phía Trung
Quốc", ông nói.
"Cạnh tranh không có nghĩa là chúng tôi không tiếp cận", ông nói.
(BBC)
Không có nhận xét nào