Header Ads

  • Breaking News

    Bãi Tư Chính: Việc truyền thông VN im lặng 'là bình thường'?

    Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước tin do tờ South China Morning Post của Hong Kong loan báo. Một nhà quan sát nói với BBC rằng việc chính phủ và truyền thông Việt Nam không đề cập gì về vụ bãi Tư Chính "là chuyện bình thường".

    Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 4/2018
    Theo đó, Trung Quốc và Việt Nam đang có đối đầu căng thẳng liên quan tàu 'khảo sát' của Trung Quốc triển khai tới một rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông.

    "Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tuần tại khu vực một rạn san hô ở Biển Đông, sự kiện có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong năm năm trở lại đây, tờ báo này cho biết hôm 12/7/2019 .

    Đối đầu có thể gây ra một làn sóng tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam chưa từng thấy, kể từ năm 2014, khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc (HD-981) tới khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước," tờ báo của Hong Kong tường thuật.

    Tính đến chiều 15/7, chưa thấy các báo Việt Nam đưa tin về vụ này, trong lúc một thư ký tòa soạn báo ở TP.Hồ Chí Minh đề nghị ẩn danh, xác nhận với BBC rằng "có lệnh không đưa tin về vụ bãi Tư Chính".

    'Cách tiếp cận'

    Hôm 15/7, trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói:

    "Theo phán đoán của tôi, South China Morning Post có lẽ là trích lại thông tin của ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc, trong khi bản thân ông Ryan có thông tin về vụ bế tắc này thông qua quá trình theo dõi các tàu của Trung Quốc trên các công cụ định vị tàu biển."

    "Cho nên nếu tờ báo này có trích dẫn sai sót gì đó thì cũng không phải điều gì quá lạ lẫm, quan trọng là họ có đính chính sau đó hay không. Dù sao thì South China Morning Post vẫn được xem là báo tư nhân, và là báo có trụ sở không phải ở đại lục."

    "Tuy nhiên cũng cần lưu ý, ông Ryan Martinson không phải là bên đầu tiên đánh tín hiệu là đang có chuyện xảy ra ở Biển Đông."

    "Từ theo dõi của tôi thì bên đầu tiên nói bóng gió về việc có va chạm xảy ra là một fanpage có cảm tình với quân đội Việt Nam, không loại trừ khả năng là thành phần của lực lượng 47."

    "Hiện nay tuy truyền thông dòng chính ở Việt Nam không đề cập, truyền thông mạng và các nhóm thân chính phủ trên không gian mạng vẫn được phép đề cập, dù không hay không thể, không được,đề cập quá chi tiết."

    "Việc chính phủ Việt Nam, và truyền thông dòng chính Việt Nam không đề cập gì là chuyện bình thường."

    "Đối với báo chí chính thống, họ sẽ phải chờ thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao, rồi sau đó mới đưa tin được. Còn Bộ Ngoại giao thường thì sẽ chỉ có thông báo sau khi sự việc sắp kết thúc hoặc đã kết thúc."

    "Cách tiếp cận "không xác nhận cũng không bác bỏ" sẽ là cách tiếp cận chính trong thời điểm hiện tại. Theo tôi, có mấy lý do sau:
    1. Tránh đánh động dư luận, gây ra các vụ biểu tình bạo động lớn như vụ giàn khoan HD-981 năm 2014.
    2. Nếu xảy ra bạo động thì cũng không có lợi. Thứ nhất cho kinh tế, và thứ hai cho ngoại giao, vì điều này sẽ gây sức ép lớn lên quá trình giải quyết tình hình trên thực địa.
    Chính phủ Việt Nam cho thấy họ ưu tiên ổn định đối nội. Kiểm soát thông tin là để thực hiện mục tiêu đó. Kiểm soát thông tin là một chuyện, các chính sách thực địa là một chuyện khác và không đánh đồng hai chuyện này với nhau được.

    Ông Thế Phương cũng phân tích thêm:

    "Tham vọng của Trung Quốc hiện tại và tương lai là không thay đổi: Độc chiếm Biển Đông. Vì thế, các vụ va chạm lẻ tẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển vẫn rất hay thường xuyên xảy ra. Điều này không mới, và trong tương lai cũng sẽ như thế."

    "Tuy nhiên vụ bãi Tư Chính được cho là nghiêm trọng nhất kể từ sự kiện giàn khoan HD-981, đơn giản là sự kiện này lặp lại kịch bản của vụ HD-981: Đội tàu Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và tàu khảo sát của Trung Quốc được một đội tàu hộ tống đông đảo đi kèm (gồm tàu cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu dân quân biển."

    "Vậy lý do tại sao Trung Quốc lại làm vậy? Theo tôi, có hai lý do:
    1. Phép thử: Trung Quốc muốn thử xem quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích lớn tới đâu cũng như VN triển khai lực lượng đối phó như thế nào. Việc thử nghiệm này sẽ được thực hiện thường xuyên. Tần suất thì khó có thể đoán trước được.
    2. Đẩy lửa ra bên ngoài: một số ý kiến cho rằng vụ bãi Tư Chính lần này là Trung Quốc đang đẩy sự chú ý ra bên ngoài. Chiến tranh thương mại, các khó khăn kinh tế bắt đầu nảy sinh, các áp lực đặt lên vai Tập trong bối cảnh xuất hiện chia rẽ liên quan tới các chính sách kinh tế của ông (Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa thể diễn ra kể từ tháng 11/2018. Tuy nhiên, phải theo dõi xem truyền thông Trung Quốc nói gì về sự kiện này thì mới khẳng định được lý do này chính xác hay không."
    'Bưng bít'

    Hôm 16/7, blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc nói với BBC:

    "Những ngày này, người dân sục sôi trước việc vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam tại bãi Tư Chính bị tàu hải dương Haiyang Dizhi của Trung Quốc xâm phạm cả tuần lễ, hải quân Việt Nam ngăn chặn."

    "Thông tin quan trọng vậy mà chẳng có một tờ báo chính thống nào của Việt Nam lên tiếng, trong khi dân mạng hóng lề trái và sục sôi, nhưng chỉ mỗi tờ South China Morning Post viết những dòng ngắn ngủi."

    "Bưng bít kiểu ấy đừng trách sao báo lề phải mãi mãi lẹt đẹt so với lề trái trong cuộc đua thông tin, khi hiện nay báo chí tiếng nước ngoài rất dễ tiếp cận, và khả năng ngoại ngữ cũng như thẩm thấu thông tin của người dân cao lên rất nhiều."

    "Cùng lúc ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng im bặt, không lên tiếng "quan ngại" như mọi lần. Chính sự im lặng của giới chức càng tạo điều kiện cho tin đồn có cơ hội bùng phát, khi chức năng định hướng thông tin của báo chí lề phải bị "tê liệt".

    "Chính sự im ắng hàng bao nhiêu năm mà Việt Nam đã mất ải Nam Quan, mất một phần thác Bản Giốc, mất đảo Gạc Ma, biên giới bị lấn chiếm... Là người dân, ai mà không xót xa, nóng ruột khi thấy tấc đất cha ông mất lần mất hồi. Thông tin chủ quyền quốc gia là quyền chính đáng của công dân, nay bị "mũ ni che tai", khó tránh khỏi việc dân tình đồn đoán, nghi ngờ và mất niềm tin vào chính đảng lãnh đạo."

    "Cách đây ít lâu, một thông tin xuất hiện trên báo chính thống và nhanh chóng bị xóa link, đại loại các báo "lề phải" cho rằng nếu không bị kiểm duyệt gắt gao, báo lề phải không bao giờ thua lề trái. Và họ gọi đó là thiếu "cạnh tranh công bằng". Thông tin này làm tôi rất buồn cười khi nghĩ về vụ bãi Tư Chính mà các báo "quên đưa".

    Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được báo VietnamNet hôm 12/7 dẫn lời trong lúc bà được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Bắc Kinh:

    "Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước. Hai bên cần tuân thủ nghiêm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thúc đẩy phân định và hợp tác cùng phát triển theo lộ trình đã thống nhất, cố gắng tạo đột phá trong đàm phán phân định vùng điển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2020."

    Ben Ngô 

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào