Cho đến hôm nay 24/07/2019, các tàu
Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện gần giàn khoan ở phía tây bãi Tư Chính
của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh, Viện nghiên cứu
Chiến lược Quốc phòng thuộc trường đại học Nanyang, Singapore nhận định,
sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính dường như không
có hồi kết.
Với
việc yêu cầu Bắc Kinh rút hết các tàu, trong đó có Hải Dương Địa Chất
8, ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, lần này Việt Nam tỏ ra
cứng rắn. Thêm vào đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí chỉ
trích việc Trung Quốc cưỡng bức, gây phương hại đến hoạt động khai thác
dầu khí của các nước khác.
Hội
nghị các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) mới đây không hề đề cập
đến việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Có vẻ như Trung Quốc
đã thành công trong việc khẳng định lập luận của mình là đang có hòa
bình và ổn định tại Biển Đông, không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài.
Phải chăng cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính đã đập tan luận điệu của Bắc Kinh ?
Muốn
hiểu được hành động của Trung Quốc, trước hết cần xem lại cơ sở yêu
sách của họ. Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của
Việt Nam, nhưng cũng trong khu vực « đường lưỡi bò » mà Trung Quốc tự
vẽ. Rõ ràng là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye (PCA)
ngày 12/07/2016, khẳng định đường 9 đoạn này là bất hợp pháp, không có
tác động đối với những tính toán của Bắc Kinh. Chính sách bành trướng
của Trung Quốc không hề thay đổi, và Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận hay
tuân thủ phán quyết của PCA.
« Đường lưỡi bò » vẫn hiện diện
Theo
cách lý sự của Trung Quốc, tất cả các hoạt động liên quan đến dầu khí
trong đường 9 đoạn, kể cả bãi Tư Chính của Việt Nam và bãi cạn Luconia
của Malaysia, đều là bất hợp pháp vì trong « vùng biển tranh chấp », bất
chấp yêu sách đường lưỡi bò này đã bị khẳng định là vô căn cứ, cách đây
ba năm.
Tuy
nhiên, theo UNCLOS – vốn là cơ sở cho trật tự quốc tế trên biển, mà Bắc
Kinh liên tục cho rằng mình tuân thủ - thì các quốc gia ven biển như
Việt Nam đang thực thi các quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền
kinh tế của mình.
Rõ
ràng là bất kỳ nhượng bộ nào theo phán quyết PCA sẽ làm phương hại cho
tính chính danh của của giới chóp bu Bắc Kinh, nhất là Tập Cận Bình, vốn
dùng đường lưỡi bò làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên
Biển Đông. Nếu lùi bước, thì không chỉ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng Sản
Trung Quốc cũng phải trả một cái giá chính trị, lâu nay vẫn lớn tiếng
trên các diễn đàn và kích thích tinh thần dân tộc.
Nhưng
đằng sau các hành động quấy nhiễu việc khai thác dầu của Việt Nam tại
bãi Tư Chính còn có một ttông điệp: không ai có thể thăm dò và khai thác
dầu khí tại « vùng biển tranh chấp » nếu không có sự đồng ý của Trung
Quốc. Nói một cách đơn giản : cho dù Bắc Kinh không thò tay được vào
nguồn năng lượng này, thì cũng không ai được đụng tới.
Những thay đổi trên thực địa
Thái
độ này không có gì mới. Cuộc xung đột dữ dội với Việt Nam năm 2014
trước đây, khi Trung Quốc tự tiện kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du
(HYSY) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, là phản ứng của Bắc Kinh trước hoạt
động dầu khí của Hà Nội, hợp tác với công ty Ấn Độ ONGC Videsh Limited.
Cả
Trung Quốc lẫn Việt Nam đều rút ra những bài học từ vụ đối đầu kéo dài
nhiều tháng trời này, và sau đó đã thỏa thuận « xử lý đúng đắn các vấn
đề trên biển », hàm ý là đôi bên sẽ tìm cách kềm chế tình cảm dân tộc
chủ nghĩa, âm thầm giải quyết.
Đó
là một sự thay đổi kể từ năm 2014. Nhưng còn có một thay đổi quan trọng
khác, mà người ta có thể thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : chương trình
xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo đã mang lại kết quả. Các tàu
Trung Quốc, đặc biệt là tàu tuần duyên và dân quân biển, có thể duy trì
sự hiện diện ở bãi Tư Chính nhờ được tiếp liệu tại các đảo nhân tạo này,
thay vì quay lại các căn cứ xa tắp ở đại lục.
Báo chí Việt Nam bắt đầu lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, sau khi được cởi trói. |
Bắc Kinh tính toán những gì ?
Bắc
Kinh có thể đã đánh giá nhiều yếu tố cho phép họ dùng đến biện pháp
cưỡng bức để đạt được mục tiêu tại Biển Đông. Trước hết là các « tiền
đồn » ở Trường Sa, thứ hai là nhận định các đối thủ Đông Nam Á không
dám công khai các vụ bị bức hiếp, vì sợ sự việc sẽ trở nên nguy hiểm.
Nhất là ASEAN và Bắc Kinh gần đây đang có những tiến triển về bộ quy tắc
ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như đã có cuộc tập trận chung đầu
tiên hồi năm ngoái.
Cuối
cùng, Trung Quốc tin rằng có thể tiếp tục luận điệu xưa nay là chỉ phản
ứng trước những khiêu khích, tố ngược lại các nước khác đã gây phương
hại cho tiến trình hòa bình trên Biển Đông.
Ban
đầu Bắc Kinh cho rằng nhận định trên là đúng, sau khi phá rối giàn
khoan Sapura Esperanza của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Luconia mà báo
chí chính thức nước này không đưa tin, chỉ có mạng xã hội Malaysia lên
tiếng. Hà Nội cũng đã buộc báo chí trong nước phải im lặng, cho đến tuần
trước. Đây là nỗ lực của hai chính phủ Đông Nam Á để không làm bùng nổ
tình hình, âm thầm giải quyết sự cố.
Nhưng
tất cả đã thay đổi, với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Việt Nam và việc
tháo gỡ những cấm đoán đối với báo chí về sự kiện trên, chứng tỏ Hà Nội
không còn chịu đựng nổi việc Trung Quốc cứ lì lợm, bám riết bãi Tư Chính
để quấy nhiễu.
Như
vậy, tiếp đến Bắc Kinh sẽ phải thay đổi chăng ? Theo tác giả, có lẽ là
không. Trung Quốc sẽ không rút nhóm tàu ra khỏi bãi Tư Chính, trừ phi có
cách thức nào đó để giữ thể diện. Nhưng ít nhất, giờ đây đã phức tạp
hơn cho Bắc Kinh : tình cảm dân tộc trỗi dậy khiến Trung Quốc phải dè
chừng nguy cơ leo thang.
Điều
này có nghĩa là các tàu Trung Quốc có thể vẫn ở lại bãi Tư Chính, nhưng
có những chỉ thị rõ ràng nhằm tránh mọi hành động gây căng thẳng tình
hình. Đồng thời, cũng giống như hồi năm 2014, sẽ có những hoạt động
ngoại giao hậu trường, đặc biệt là giữa hai đảng.
Quốc tế hóa tranh chấp ?
Một
nhận xét thú vị : thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Việt Nam bày tỏ
mong muốn « các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp
nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích chung này ». Điều này có ý nghĩa quan
trọng, là Hà Nội dường như rất muốn quốc tế hóa vụ xung đột ở bãi Tư
Chính, và như vậy sẽ tác động đến toàn bộ những tranh chấp ở Biển Đông.
Động
thái này đi ngược lại chủ trương lâu nay của Trung Quốc là chống lại
mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Bất kỳ diễn biến xấu nào ở bãi Tư Chính
cũng có thể khiến một bên thứ ba có thể can thiệp, nhân danh an toàn và
tự do hàng hải. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể hiểu thông cáo của Việt
Nam là lời mời gọi bên ngoài vào can thiệp.
Hành
động này có thể không làm cho Bắc Kinh rút ngay khỏi bãi Tư Chính,
nhưng ít nhất cũng khiến Trung Quốc phải chùn tay, không dám đi xa hơn
việc duy trì đội tàu tại vùng biển này. Tuy nhiên rõ ràng là vẫn chưa
đủ. Chừng nào Bắc Kinh còn ý thức được là không từ đe dọa tiến đến sử
dụng sức mạnh quân sự, thì vẫn còn có thể bảo đảm là không có hành động
nào từ bên ngoài để đuổi tàu của họ ra khỏi bãi Tư Chính.
Thúc giục Trung Quốc thối lui ?
Điều
gì có thể buộc Bắc Kinh kêu gọi đình chiến và rút khỏi bãi Tư Chính ?
Ít nhất, trước hết ASEAN cần phải có quan điểm thống nhất và rõ ràng
trong vấn đề này. Theo Nikkei, dự thảo tuyên bố của ASEAN có ghi hành
động của Trung Quốc tại Biển Đông làm « xói mòn lòng tin ». Từ ngữ này
là mạnh mẽ và trực tiếp hướng về phía Bắc Kinh, nhưng nếu không được
thống nhất, có thể làm loãng đi tác động.
ASEAN
cần phải cảnh báo Bắc Kinh là mọi hành động bức hiếp như ở bãi Tư Chính
là đi ngược lại các tiêu chuẩn và quy định quốc tế hiện có, làm phương
hại đến những tiến bộ đã đạt được trong hai năm qua, trong đó có tiến
trình đàm phán COC. Vụ Tư Chính phải là phép thử cho khả năng của ASEAN
trong vấn đề an ninh khu vực, và bây giờ là lúc để chứng tỏ, sau thất
bại hồi tháng 7/2012.
Các
cường quốc và định chế quốc tế chủ chốt như Liên Hiệp Châu Âu chẳng
hạn, vốn lâu nay cổ vũ cho một trật tự trên cơ sở luật pháp, cũng có thể
tác động vào. Hoa Kỳ là cường quốc đầu tiên phản ứng trước các hành vi
mới đây của Trung Quốc. Dự luật của Thượng Viện Mỹ về việc trừng phạt
các hành động liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019, được
đưa ra vào cuối tháng Năm, có thể « ra đòn » về sự kiện này. Một khi
được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể khiến Trung Quốc phải
trả giá và buộc lòng phải thay đổi.
Chống lại hành động cưỡng bức
Chuyên
gia Swee Lean Collin Koh kết luận, đã đến lúc cộng đồng quốc tế và đặc
biệt là các quốc gia thành viên ASEAN phải nhìn nhận, sau nhiều lần cố
gắng, là việc vận động Trung Quốc không mang lại kết quả nào. Một mặt tỏ
ra muốn thương lượng về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mặt khác Bắc
Kinh tiếp tục sử dụng biện pháp cưỡng bức để đạt cho được mục tiêu, bất
chấp các quyền hợp pháp của nước khác. Những cơ sở mà Trung Quốc dựng
lên tại Biển Đông đã tạo điều kiện chưa từng thấy cho việc bắt nạt các
láng giềng.
Trừ
phi cộng đồng quốc tế có hành động cứng rắn trước những quấy nhiễu của
Trung Quốc tại bãi Tư Chính, những hành vi tương tự sẽ còn lặp đi lặp
lại trong những năm tới. Đơn giản là Bắc Kinh nhận ra, cưỡng ép sẽ mang
lại kết quả. Tình trạng này sẽ khiến không chỉ Trung Quốc, mà cả một số
nước khác trong hoặc ngoài khu vực, bình thường hóa việc cưỡng bức.
Tác
giả nhấn mạnh, như lịch sử đã chứng minh, sự nhường nhịn chỉ làm kẻ tấn
công thêm hung hăng, nếu kẻ ấy không biết giới hạn của tham vọng là
gì.
Thụy My
(RFI)
Không có nhận xét nào