Công an Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thông
báo họ đã bắt thêm một người bị cho là có liên quan đến vụ giang hồ
"vây chặn" xe chở công an hôm 12/06/2019.
Cảnh sát cơ động Việt Nam - hình chỉ có tính minh họa |
Một nam thanh niên có hỗn danh là Tuấn "nhóc", sống ở địa bàn thành phố Biên Hòa đã bị bắt để điều tra.
Một người khác, có biệt danh là Giang "36" bị bắt trước đó về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngoài hai người này, công an Việt Nam cũng đang tiếp tục truy bắt các nghi phạm vụ "gây rối trật tự công cộng".
Vụ
'giang hồ' chặn xe chở công an ở Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày 12/6 đã gây
xôn xao dư luận, theo Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 17/06/2019.
Sau va chạm trong một quán ăn, ba người đàn ông mà sau được biết là cán bộ công an, lên xe hơi để đi nhưng bị chặn lại.
"Hàng
trăm thanh niên xăm trổ vây kín chiếc xe, người ngồi trong xe cũng
không dám bước ra ngoài và chiếc xe bị xịt lốp để không thể di chuyển."
Chỉ hàng trăm cảnh sát tới can thiệp thì vụ việc mới được giải tỏa sau hai giờ liền, theo các báo Việt Nam.
Các
trang mạng xã hội như Facebook ở Việt Nam cũng chia sẻ nhiều câu
chuyện về việc 'giang hồ' và các băng nhóm ngoài lề "nay hết sợ công
an".
Nhà báo Trương Huy San viết trên Facebook cá nhân hôm 17/06:
"Các
băng nhóm giang hồ, xưa kia, có "luật" không đụng công an. Khi các băng
đảng ở Đồng Nai chặn công an giữa thanh thiên, có nghĩa, công an ở đây
không còn là lực lượng mà bọn chúng kiêng nể nữa."
Ông cũng viết:
"Các
nhà báo ở một tỉnh miền Trung kể, các anh rất xấu hổ khi chứng kiến vài
sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với
sếp họ.
Chẳng
có địa phương nào mà cảnh sát không biết ai đánh bạc, ai tín dụng
đen... Chỉ là chúng ta không biết ai đã trói tay ai. Khi giang hồ không
còn nể mặt công an rất có thể bọn chúng đã cho rằng công an còn đen hơn
chúng."
Gần
đây tại Việt Nam có hiện tượng một số gương mặt tiêu biểu của giới
giang hồ hoặc người có hành vi xấu lại được một bộ phận công chúng
thán phục.
Việt Nam an toàn đến đâu?
Các
trang lữ hành nước ngoài như Lonely Planet, TripAdvisor đều cho Việt
Nam là nước "tương đối an toàn cho người nước ngoài", ít có tội ác bạo
lực dù có nạn móc túi, lừa đảo vặt.
Tuy
thế, theo Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo OSAC cho người Mỹ ở nước
ngoài, thì từ 2017, số vụ ngoại kiều bị cướp giật tại Việt Nam tăng
lên mạnh.
Một
khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh nói nếu bạn là nạn nhân của tội
phạm, báo cáo với cảnh sát Việt Nam về vụ việc "là quá trình kéo dài
và khó khăn".
Còn với người dân Việt Nam, các vấn đề của 'xã hội đen' không chỉ đơn thuần là cướp giật, trộm cắp, tệ nạn xã hội.
Theo
các bài báo ở Việt Nam, tội phạm tại nước này là một phần của nền
kinh tế ngầm và cơ chế khai thác các nguồn lợi 'ngoài luồng' như ma tuý,
mại dâm, buôn lậu tầm vóc lớn và bảo kê trong kinh doanh.
Việt
Nam cũng đang là điểm trung chuyển cho nhiều đường dây tội ác quốc tế,
buôn bán thuốc nổ, ma tuý, các loại động vật quý hiếm, mang thai hộ
phi pháp và buôn người.
Điều đã được chính bộ máy thừa nhận là có những công an hợp tác với băng đảng tội phạm.
Trước
diễn đàn Quốc hội đầu tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô
Lâm nêu ra cam kết "kiên quyết loại trừ chiến sĩ công an bảo kê tội
phạm".
Nhưng hiện tượng công an "bảo kê" không chỉ giới hạn ở cấp thấp.
Hồi cuối 2018, tòa án Việt Nam đã xử hai cựu tướng công an "bảo kê cho đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ".
Hồi
tháng 3/2017 khi đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên
phòng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã khen ngợi lực lượng này đóng
vai trò "quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm biên giới,
trong đó có tội phạm ma túy."
"Thành
tích phát hiện và xử lý các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép
hàng nghìn bánh heroin qua biên giới của Bộ đội Biên phòng là rất xuất
sắc," bà Kim Ngân nói.
Có vẻ như từ đó đến nay, việc chuyển ma tuý vào Việt Nam không giảm.
Hồi
tháng 5/2019, báo VN viết "chưa đầy hai tháng qua, hàng loạt đường dây
ma tuý bị triệt phá tại TP HCM với số lượng tang vật từ vài trăm kg đến
cả tấn".
(BBC)
Không có nhận xét nào