Quốc hội Việt Nam vừa chính thức
thông qua Luật quản lý thuế sửa đối với tỉ lệ tán thành 91,32%, trong đó
có quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chưa hoàn thành nghĩa
vụ nộp thuế, theo báo Tuổi Trẻ.
Sân bay Nội Bài, Hà Nội. |
Theo
luật mới này, người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài, người
Việt xuất cảnh để đi định cư ở nước ngoài, người đang bị cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu
chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trước
đó, theo tờ Lao Động, tại phiên thảo luận ngày 12/6 ở Quốc hội, đại
biểu Dương Minh Tuấn của đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Quốc hội “xem xét
kỹ lưỡng” quy định cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế, vì theo ông,
trên thực tế nhiều người không biết mình nợ thuế, mà chỉ phát hiện ra
khi làm thủ tục xuất cảnh, và đôi khi số tiền nợ thuế rất thấp, chỉ vài
trăm ngàn đồng, nhưng gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho người xuất
cảnh.
Báo
Tuổi Trẻ cho rằng những bất cập trên được cho là vì có sự khác nhau
trong quy định về việc dừng xuất cảnh đối với người nợ thuế, và thẩm
quyền đề nghị dừng xuất cảnh thuộc về cơ quan thuế. Tờ báo này cũng dẫn
lời Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng không
nên giao thẩm quyền đề nghị cấm xuất cảnh cho cơ quan thuế vì “dễ phát
sinh tiêu cực và bị lạm dụng, gây khó cho người dân”, mà “nên giao cho
chủ tịch UBND cấp tỉnh”.
Trước
khi biểu quyết thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi, Quốc hội Việt Nam
đã biểu quyết và thông qua một số quy định về xóa nợ thuế.
Theo
đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỉ đồng,
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan có thẩm
quyền quyết định xóa nợ thuế từ 5-10 tỉ đồng, Bộ trưởng Tài chính quyết
định từ 10-15 tỉ đồng và mức nợ thuế trên 15 tỉ đồng sẽ do Thủ tướng
chính phủ quyết định.
Việc
xóa nợ thuể chỉ dành cho 4 trường hợp: được tòa án tuyên bố phá sản mà
không còn tài sản để nộp thuế; cá nhân đã chết hoặc mất năng lực hành vi
dân sự mà không có tài sản, bao gồm tài sản thừa kế, để nộp thuế; khoản
nợ thuế đã quá 10 năm, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không
thu hồi được; và trường hợp bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, không có
khả năng nộp thuế.
(VOA)
Không có nhận xét nào