Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao Việt Nam có nguy cơ trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ?

    Thương chiến Mỹ - Trung đang làm thay đổi các cách thức trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và châu Á. Việc Hoa Kỳ tăng mức áp thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc làm gia tăng hiện tượng di dời nhà xưởng sang Việt Nam. Hệ quả là hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt và thâm thủng mậu dịch của Mỹ với nước này cũng tăng theo.

    Vì sao Việt Nam có nguy cơ trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ ?
    Ông Jean-Raphaël Chaponnière, chuyên gia kinh tế Trung Tâm Châu Á, trên trang mạng Asialyst, lưu ý, bộ Tài Chính Mỹ đang theo dõi sát mọi biến chuyển tại Việt Nam.

    Làn sóng di dời nhà xưởng

    Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị sụt giảm. Thâm hụt mậu dịch giữa Washington với Bắc Kinh giảm 8% tức khoảng 113 tỷ đô la, trong khi mà bản thân tổng mức thâm hụt hầu như không thay đổi – nằm trong khoảng 347 và 349 tỷ đô la.

    Theo giải thích của ông Chaponnière, mức giảm thâm thủng của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã được bù bằng mức tăng thâm hụt của Mỹ với các nước châu Á khác. Với 16,8 tỷ đô la trong giai đoạn từ tháng Giêng cho đến tháng Tư 2019, thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đứng hàng thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc và đứng hàng thứ 6 trên thế giới. Nếu như Hoa Kỳ thực thi các đe dọa áp thuế chống Trung Quốc, nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam trong năm 2019 này rất có thể vượt quá 50 tỷ đô la.

    Xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa làn sóng di dời nhà xưởng, được khởi động do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều chọn lựa. Hoặc họ tiến hành tự động hóa ; hoặc họ đến lập doanh nghiệp tại các tỉnh phía tây đất nước, ở đó, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện và có mức lương thấp hơn ; hoặc họ di dời sang các nước khác.

    Theo một điều tra được thực hiện cuối năm 2017 tại 640 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ ở phía nam Quảng Đông, phần đông các doanh nghiệp này dự kiến tự động hóa dây chuyền sản xuất, một số ít (6% trong ngành may mặc và 12% trong ngành đóng giày) là nghĩ đến việc ra khỏi vùng duyên hải, và một nửa trong nhóm thiểu số này nhắm đến di dời nhà xưởng ra nước ngoài.

    Đương nhiên, làn sóng di chuyển nhà xưởng đã tăng nhanh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% nhắm vào 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm một phần lớn hàng hóa do hãng Wall Mart phân phối tại Mỹ.

    Việt Nam : Quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến ?

    Việt Nam là quốc gia thu hút các doanh nghiệp rời Trung Quốc nhiều nhất. Dòng di chuyển nhà xưởng giải thích vì sao xuất khẩu Việt Nam tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2010 – 2018. Hiện tại, xuất khẩu Việt Nam tương đương 110% tổng sản phẩm nội địa.

    Làn sóng này bắt đầu trong những năm 2000 khi xảy ra căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo. Sự kiện khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi ấy buộc phải áp dụng một chiến lược mà hãng tài chính lớn của Nhật Nomuara đặt tên là « China one plus ». Nghĩa là đầu tư ở Trung Quốc và tại một nước khác, tránh tình trạng « để tất cả trứng trong cùng một rổ ». Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam và họ đôi khi dựng xí nghiệp ở miền Bắc để dễ bề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

    Theo chân Nhật Bản là Hàn Quốc. Năm 2019, hơn 7000 doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động Việt Nam. Mức lương trung bình của nhân công Việt Nam là 3800 đô la/năm, rẻ hơn ba lần so với tại Trung Quốc. Những doanh nghiệp này chiếm đến gần 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam.

    Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Tập đoàn này cho lắp ráp tại Việt Nam đến một nửa trong số 300 triệu chiếc điện thoại Galaxy bán ra trên thế giới và thu hút nhiều nhà thầu phụ khác. Tương tự, hãng LG cũng đang đóng cửa nhà xưởng ở Pyeongtaek và mở rộng khu xưởng ở Hải Phòng, nơi này lắp ráp 11 triệu chiếc điện thoại thông minh.

    Có thể nói từ năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, trước Nhật Bản và bỏ xa cả Trung Quốc. Dù vậy, trong khoảng từ tháng Giêng và tháng 5/2019, đầu tư của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần và họ đã qua mặt Hàn Quốc bằng cách gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.

    Phân tích các số liệu nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ cho thấy là các sản phẩm bị liên lụy bởi thông báo tăng thuế hải quan đã tăng thêm 34%, tăng nhanh hơn các sản phẩm thuộc những chủng loại khác đến ba lần. Hậu quả : Thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã tăng vọt và kể từ giờ hàm chứa một rủi ro cho Hà Nội.

    Trong tầm ngắm của bộ Tài chính Mỹ

    Từ những năm 1990, cứ mỗi sáu tháng, bộ Tài Chính Mỹ công bố một báo cáo về chính sách trao đổi của những đối tác thương mại chủ yếu của Mỹ. Mục đích là để xác định xem những nước này có thao túng tỷ giá hối đoái hay không để củng cố tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ vào thị trường Mỹ.

    Tài liệu này phân tích những nước nào có được thặng dư mậu dịch ít nhất là 20 tỷ đô la đối với Mỹ. Nhất là, bộ Tài Chính giám sát những nước nào mà cán cân tài khoản vãng lai vượt quá 3% GDP của họ và đồng tiền bị giảm giá so với đồng đô la Mỹ.

    Đối với những quốc gia này, bộ Tài Chính xem xét đến chính sách can thiệp của các ngân hàng trung ương để thu mua đô la nhằm tránh cho đồng tiền nội tệ bị tăng giá so với đồng đô la. Nếu như số tiền tích trữ được trong năm nhờ vào những biện pháp can thiệp từ các ngân hàng trung ương của những nước có liên quan vượt quá 2% GDP của những nước đó, bộ Tài chính Mỹ có thể suy ra rằng có nhiều xác suất thao túng đồng tiền. Cuối cùng, nếu như báo cáo đi đến kết luận này, hành pháp của Mỹ được phép đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại quốc gia bị cáo buộc thao túng tiền tệ.

    Trung Quốc từ lâu là mục tiêu chính trong những báo cáo của bộ Tài Chính. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama chưa bao giờ kết luận Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ. Bất chấp các cáo buộc của ứng viên Donald Trump, không một báo cáo nào được công bố kể từ khi ông Donald Trump đắc cử đi đến một kết luận như vậy, kể cả trong báo cáo hồi tháng 5/2019 mới đây.

    Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từng bị trượt giá đến 10% so với đồng đô la năm 2018, xóa tan tác động của việc tăng thuế nhập khẩu. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm nay đến mức ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi lấy một đô la rất có thể bị vượt qua.

    Thế nhưng, báo cáo mới nhất của bộ Tài Chính đã đưa thêm nhiều nước châu Á mới : Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Khi ghi nhận cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng lên và có khả năng vượt 5% PIB trong năm 2018, báo cáo lưu ý rằng mặc dù đã áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trong năm 2016, nhưng tỉ giá của đồng Việt Nam so với đô la thay đổi rất ít bởi vì Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã nhiều lần can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm giữ cho đồng nội tệ không tăng giá.

    Nếu như Việt Nam nằm trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ, nước này vẫn chưa làm cho ông Donald Trump nổi dóa. Tuy nhiên, trong một dòng tweet, tổng thống Mỹ lưu ý : « Rất nhiều doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam hay nhiều nước khác. Chính vì thế Trung Quốc muốn có một thỏa thuận ».

    Tác giả cảnh báo : Nếu như những trông đợi của tổng thống Mỹ không đạt được tại thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka trong hai ngày 28 và 29 tháng 6/2019, chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ đổi ý đối với Việt Nam !

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào