Header Ads

  • Breaking News

    Trân Văn - Vụ Thủ Thiêm đang vào một bước ngoặt mới?

    Thanh tra của chính phủ Việt Nam vừa công bố “Thông báo” về kết quả một cuộc thanh tra khác tại Khu Đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo tường thuật của báo giới, lần này, lực lượng thanh tra nói rõ hơn một chút về các sai phạm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại TP.HCM (1).

    Dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm. (Screenshot of Zing.vn)
    Đại loại là các viên chức hữu trách ở TP.HCM sai đủ thứ trong việc sử dụng quỹ đất lẽ ra phải dành cho tái định cư, trong việc sử dụng khoản tiền 38.000 tỉ liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất. Cũng theo “Thông báo”, việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm dù đã ngốn rất nhiều tiền, tạo ra rất nhiều hệ lụy tai hại mà tất cả các bên có liên quan cùng phải gánh chịu nhưng đến nay, hiệu quả của dự án KĐTM Thủ Thiêm vẫn chỉ bằng… 0! Chưa kể mất cân đối về tài chính.

    Sai phạm trong việc thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm được xác định là thuộc trách nhiệm của nhiều bên: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm, các sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư… Trong “Thông báo”, Thanh tra của chính phủ cho biết đã khuyến cáo giới hữu trách ở TP.HCM phải tổ chức kiểm điểm, xử lý những tập thể, cá nhân liên đới về trách nhiệm.

    Qua “Thông báo”, Thanh tra của chính phủ còn cho biết đã chuyển kết luận về đợt thanh tra mới nhất liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm này cho Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN để nơi này xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư của BCH TƯ đảng CSVN quản lý. Giống như trước, “Thông báo” không cho biết tên bất cứ tổ chức, cá nhân nào cần được UBKT của BCH TƯ đảng CSVN xem xét, quyết định kỷ luật hay không?

    Nói cách khác, tuy việc thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm đã được “chà đi, xát lại” nhiều lần trong một thời gian dài nhưng đến nay, Thanh tra của chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì trong việc bảo mật danh tính các thủ phạm gây ra thảm kịch mà hàng chục ngàn gia đình tại quận 2 đã phải mang vác suốt hai thập niên. Ở xứ sở mà đi đâu cũng thấy “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, vẫn chỉ UBKT của BCH TƯ đảng CSVN mới có quyền xác định “ai là thủ phạm” nếu đương sự thuộc nhóm do BCH TƯ đảng CSVN quản lý!

    ***

    Hôm 26 tháng 6 – thời điểm hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo rộng rãi “Thông báo” của Thanh tra chính phủ về kết quả cuộc thanh tra gần nhất về dự án KĐTM Thủ Thiêm, cô Nguyễn Thị Thùy Dương kể thêm trên trang facebook của cô vài tình tiết mới, liên quan đến buổi gặp gỡ giữa dân chúng các quận 2, 9, Thủ Đức với ba đại biểu của họ tại Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước đó đúng một tuần, vốn từng khiến dư luận xôn xao vì những chất vấn của cô (2).

    Dương cho biết, trong vòng sáu ngày, clip dài 8 phút ghi lại chất vấn mà cô đặt ra với cả ba đại biểu lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có tới hơn ba triệu lượt người xem, chưa kể số lượng người xem clip ấy trên các trang facebook, diễn đàn điện tử đã chia sẻ clip ấy. Dương đã từng đề cập đến chuyện cô tìm đủ mọi cách để tìm một tấm “vé”, cho phép cô có mặt trong Nhà Thiếu nhi quận 2 để gặp gỡ… các đại biểu của cô tại Quốc hội nhưng bất thành!?.

    5 giờ 30 sáng 19 tháng 6, lúc buổi gặp gỡ các đại biểu cho “ý chí, nguyện vọng” của cô và những nạn dân ở quận 2 sắp bắt đầu, điện thoại của Dương đổ chuông, do số điện thoại lạ lại thuộc dạng dành cho sim rác nên Dương không bắt máy. Chuông reo đến lần thứ tư, Dương mở máy… Người gọi là một phụ nữ luống tuổi, rụt rè bảo cô, bà nghe nói cô chưa có “vé” dự buổi tiếp xúc cử tri. Bởi bà giành được hai “vé” trắng, chưa đề tên nhưng bà vừa không biết nói gì, vừa sợ bị đánh nên bà muốn trao lại cho cô.

    Dương đã hẹn bà ở một khúc đường vắng. Bà đến, không phải một mình, bà đi cùng chồng. Cả hai vợ chồng mà sự lam lũ hiển hiện nơi quần áo họ mặc, chiếc xe họ đi, nhìn trước ngó sau rồi mới dám đưa cô hai tấm “vé” trắng kèm đề nghị: Cô nói giùm cho tụi tôi nghe cô!... rồi bỏ chạy.

    Vài giờ sau, tại Nhà Thiếu nhi quận 2, dù dân chúng giận dữ phản đối “qui định”, cử tri phải có “vé” mới được vào trong gặp gỡ đại biểu của họ nhưng không thành công. Dương – cô gái từng liệng dép vào mặt các đại biểu “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân, từng dồn các đại diện cho hệ thống “của dân, do dân, vì dân” đến chỗ ú ớ, thảm hại trong mắt quần chúng – đã khiến lực lượng an ninh, bảo vệ các đại biểu khi họ “tiếp xúc cử tri” chưng hửng bởi cô có một tấm “vé” đề tên cô…

    Dương cũng kể thêm rằng vài ngày sau khi cô chất vấn các đại biểu cho cư dân trong khu vực của mình ở Quốc hội, tiện thể chất vấn luôn cả đảng, hệ thống công quyền rằng, rõ ràng họ không phải đầy tớ, không phải cha mẹ, vậy họ là gì của nhân dân? Chẳng lẽ nhà nước có chủ trương “bần cùng hóa” nhân dân? Tại sao đảng luôn bảo vì dân nhưng chỉ đảng viên mới gây tổn thương cho dân?... có một người phụ nữ tật nguyền, nhếch nhác tìm tới nhà cô, ấn vào tay cô ba lon sữa Ông Thọ để cô uống cho khỏe!

    Dương đề nghị mọi người, thay vì tán thưởng cô hãy nghĩ tới những con người như cô vừa kể. Dương bảo họ không thôi yêu thương cô, sức nặng của những thứ như hai tấm vé, ba lon sữa khiến cô không thể không vì họ. Dương liên tưởng, có lẽ ngày xưa, dân cũng đối với “cách mạng” thắm thiết như vậy (3)!

    ***

    Có lẽ đó là những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, thưở Cát Lái còn hoang vu. Ông Nguyễn Văn Cát (Bảy Hạt) trôi giạt tới đó rồi trụ lại, xin “quan Tây” ở Thành Tuy Hạ bên kia sông Đồng Nai cho khai hoang. Lúc đầu, Bảy Hạt và vợ (Nguyễn Thị Siêng – Bảy Siêng) và cô con gái riêng của vợ còn ẵm ngửa chỉ ăn củ mài, sau nhờ “quan Tây” cho 20 chục giạ lúa vừa để làm giống, vừa có cơm nuôi thân, nuôi vợ con, Bảy Hạt khai hoang được mười mẫu đất.

    Mười mẫu đất ấy không chỉ thấm mồ hôi mà còn là nơi ghi dấu tích phần đời cay cực nhất, kèm với nhiều thứ mất mát nhất của Bảy Hạt, nơi ông mất cùng lúc cả hai đứa con trai vì dịch bệnh… Khi mọi thứ tạm ổn, những người là anh em chú bác của ông, đại diện cho “cách mạng” tìm tới, vận động ông chống Tây, không chống Tây là phản quốc. Bảy Hạt ít học nhưng ông hiểu đạo lý, ông không muốn phản quốc. Đó cũng là lý do dại gia đình của Bảy Hạt, cả quyến thuộc bên vợ cùng theo “cách mạng”.

    Đứa con gái riêng của bà Bảy Siêng – Nguyễn Thị Tiếu – giờ là đứa con duy nhất của Bảy Hạt cũng theo “cách mạng”. Cô Tiếu làm liên lạc cho căn cứ vùng “bưng sáu xã” (nay một phần thuộc quận 2, một phần thuộc quận 9), sau này được công nhận là di tích lịch sử. Cô Tiếu từng bị bắt, từng bị giam ở Chí Hòa vì không phản bội “cách mạng”.

    Rồi “cách mạng” thành công, lúc đó Bảy Hạt còn 5,2 mẫu ruộng. Sau khi khai hoang mười mẫu ruộng, Bảy Hạt đã nhiều lần tự cắt đất, chia cho các gia đình nghèo từ tứ xứ đến Cát Lái lập nghiệp và cuối cùng quyết định giữ 5,2 mẫu ruộng ấy cho mình và cho con cháu. Đó là lý do Bảy Hạt từ chối khi “cách mạng” muốn ông đem ruộng góp hết cho hợp tác xã. Lão nông Bảy Hạt không tin ông và vợ con, cháu chắt có thể sống được khi mỗi nhân khẩu chỉ được giao 900 thước đất để canh tác rồi nộp lại lúa cho “cách mạng”.

    Tuy nhiên cuối cùng, Bảy Hạt cũng phải đầu hàng “cách mạng” khi nhà ông liên tục bị khám xét và vì đó là giai đoạn tất cả nhu yếu phẩm đều phải dựa vào tem phiếu mà gia đình ông lại không được cấp gì cả. Giốnh như nhiều giai đình khác sau khi miền Nam được “giải phóng”, gia đình Bảy Hạt tụt dần xuống đáy, cả nhà làm việc quần quật vẫn không đủ ăn vì lúa thu hoạch được tới đâu là “cách mạng” thu mua hết tới đó.

    Cuối năm 1979, Bảy Hạt bệnh nặng. Lúc chờ chết, ông thèm một ly sữa. Cô Tiếu đi tất cả các cửa hàng của hợp tác xã trong vùng xin mua một hộp sữa đặc như một cách báo hiếu cho cha nhưng bất thành vì không ai chịu duyệt. Bốn năm sau khi “cách mạng” thành công, Bảy Hạt – thành viên của một gia tộc mà hai bên nội, ngoại thừa cả công lao lẫn… liệt sĩ, hi sinh, đóng góp đủ thứ cho “cách mạng” - nhắm mắt. Lúc ông trút hơi thở cuối cùng, con cháu vẫn không đáp ứng được mong ước nhỏ nhoi của ông: Một ly sữa!

    Ly sữa ấy chưa phải là điều đau đớn nhất. Túng bấn, con cháu Bảy Hạt phải mua chịu quan tài để táng ông. Theo đề nghị của cô, chủ trại hòm gắn thêm vào quan tài một cặp chim phụng. Ngày táng ông, họ đòi cạy ra nếu cô không chịu trả thêm tiền. Cô Tiếu xin nhận thêm một khoản nợ nữa. Vài ngày sau, tới phiên đại diện hợp tác xã tìm tới nhà, thông báo thu thu lại 900 mét vuông đất đã từng lấy của ông Bảy chia cho chính ông vì chết thì hết... tiêu chuẩn về đất!

    Cô Tiếu thường bảo, ngày xưa, cô theo “cách mạng” vì tin rằng, nếu người Việt làm chủ đất nước, cuộc sống của mọi người sẽ sung sướng hơn gấp ngàn lần. Người Việt làm chủ toàn bộ Việt Nam đã hơn bốn thập niên nhưng dường như cuộc sống của nhiều người Việt nhiều nước mắt hơn, tệ hơn, còn ngùn ngụt oán hờn vì những điều vô lý, bất công mà không trải qua, giàu trí tưởng tượng cũng có thể nghĩ ra… Cô Tiếu không lo được ly sữa cuối cùng cho cha nhưng cô quyết tâm thực hiện cho bằng được hai điều mà ông trăn trối: Chăm sóc cho má và đòi lại phần ruộng mà ông đã dành cả đời tạo lập để lo cho con cháu!

    Chẳng biết một lão nông như Bảy Hạt nhìn xa tới đâu nhưng đúng là chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp phá sản. “Cách mạng” tuyên bố “đổi mới”, giải tán các hợp tác xã. Về nguyên tắc, “cách mạng” phải giao lại cho cô Tiếu 5,2 mẫu ruộng đã lấy của gia đình cô cô, song “cách mạng” chỉ trả cho cô hơn hai mẫu. Phần còn lại, “cách mạng” để cô và những người đã được “cách mạng” chia đất khi tham gia hợp tác xã tự giải quyết. Đó cũng là lý do, thập niên 1990, khu vực Cát Lái và nhiều khu vực khác trên khắp Việt Nam xảy ra cảnh làng giềng từ nhau, dùng phảng, dùng dao, mác nói chuyện với nhau do mâu thuẫn về đất đai …

    Ở Cát Lái, chuyện tranh giành đất giữa những người cùng xóm, cùng làng phát sinh do “cách mạng”, chấm dứt cũng nhờ “cách mạng”. Năm 1998, chính quyền TP.HCM thay mặt “cách mạng” thu hồi toàn bộ ruộng trong vùng, giao cho chính quyền quận 2 quản lý. Lý do: Đất vốn do ông Bảy khai phá… công thổ mà có nên không thể thuộc về gia đình nào hết! Theo quy hoạch, phần đất gia đình cô Tiếu đang tranh chấp với hàng xóm thuộc Cụm 4 của Khu Công nghiệp Cát Lái. Trong bốn cụm, đất thuộc cụm ba, cụm bốn có giá cao nhất vì được dùng làm nơi tái định cư cho hai cụm kia. Có một điều mà đến giờ, những người chung cảnh ngộ với cô Tiếu được “cách mạng” đả hoài vẫn không thông: Đó là tại sao đối tượng có quyền sử dụng đất ở các cụm 1 và 2 (vốn rẻ như bèo) lại toàn người nhà cán bộ. Họ vui vẻ giao đất để được hoán đổi – nhận đất ở cụm ba, cụm bốn.

    Ông Bảy Hạt đã chết, bà Bảy Siêng thì sau này trở thành lẩm cẩm – ngày nào cũng dắt chắt ra đường chờ… “thằng Tám” - đứa em vốn là công chức của Pháp, theo “cách mạng”, hiến cả mạng lẫn xác cho “cách mạng”, không rõ có phải do thất vọng về “cách mạng” hay không mà cuối đời, bà Tám đột nhiên dứt khoát không tin “cách mạng”, không cho là “thằng Tám” đã chết. Bà Bảy Siêng đã chờ “thằng Tám” của bà như thế cho đến chết. Cô Tiếu giờ đã trở thành bà. Cô hay kể tại sao Bảy Hạt dùng chữ Tiếu đặt làm tên cho cô. Cứ theo đó thì vì cực khổ quá, Bảy Hạt gọi con là Tiếu “cho đời bay vui”. “Cách mạng” vẫn chưa cho bà Tiếu mỉm cười.

    ***

    Câu chuyện về ông Bảy Hạt, bà Bảy Siêng, bà Tiếu là tóm tắt bút ký năm kỳ mà Nguyễn Thị Thùy Dương kể trên facebook của cô về ông bà cố ngoại và bà ngoại của cô (4).

    Thật chua chát khi rất nhiều nạn dân của dự án KĐTM Thủ Thiêm và hàng loạt dự án đã triển khai ở quận 2, quận 9 là những thành viên của các gia đình có công với “cách mạng”. Gia đình, gia tộc của họ có vài đời đi theo “cách mạng”, không chỉ góp sức, góp của mà còn góp cả xương máu nhưng khi “cách mạng” thành công, những kẻ “bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng” đã, đang và chắc chắn sẽ còn hành xử như A.Q của Lỗ Tấn: Định nghĩa “cách mạng” là “cách” mẹ nó cái “mạng” của chúng mày! Thành ra tất cả phải tiếp tục “hi sinh, đóng góp” vô điều kiện cho “cách mạng”. Nghĩ khác, nói khác dù hợp tình, hữu lý chắc chắn vẫn là “phản cách mạng”!

    Trân Văn


    ----------------
    Chú thích:



    (Blog VOA) 

    Không có nhận xét nào