Header Ads

  • Breaking News

    Trân Văn - Trước thềm đại hội đảng, “tổ chức” lại sanh chuyện

    Cuối tháng trước, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở toàn đảng chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp vào năm tới, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo các tổ chức đảng địa phương trong nhiệm kỳ tới để tiến hành Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13.

    Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
    Riêng với nhân sự, ông Trọng nhấn mạnh: Phải “kết hợp hài hòa” giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển. Phải “xử lý hài hòa” mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Lựa chọn, sắp đặt nhân sự phải thận trọng, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan. Gia tăng kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo, nghiêm cấm vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ (1).

    Đầu tháng này có ngay hai scandal minh họa thế nào là “kết hợp hài hòa”, “xử lý hài hòa” khi hệ thống đảng các cấp chuẩn bị cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo các tổ chức đảng địa phương…

    ***

    Câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải từ chức ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, một doanh nghiệp của chính quyền TP.HCM, bùng lên hồi tuần trước, tuần này, vẫn chưa lắng xuống…

    Vừa có hai cựu Thứ trưởng Nội vụ, qua báo giới, khẳng định, không thể kiểm điểm ông Hải vì nhân vật này đã làm “đúng qui trình”: Nhận quyết định bổ nhiệm rồi mới từ chức, thành ra không thể xem là “không tôn trọng tổ chức” (1).

    Trước đó vài ngày, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM), bà Trần Kim Yến (Bí thư Quận 1, TP.HCM) cùng phê phán chuyện ông Hải từ chức vì hành động này biểu lộ sự thiếu tôn trọng “tổ chức”. Cả hai bà không chấp nhận lý do ông Hải nại ra: Nhiệm vụ mới trái với chuyên môn, sở trường. Sự sắp xếp của “tổ chức” trái với nguyện vọng cá nhân và là bằng chứng về sự tùy tiện trong sắp đặt nhân sự khiến đương sự bị tổn thương (2).

    Ông Hải không phải là nhân vật xa lạ với công chúng Việt Nam. Ông đã từng “nổi đình, nổi đám” khi dọn dẹp vỉa hè ở quận 1. Đầu năm ngoái, từng xin từ chức vì “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” - không lập lại được trật tự trong sử dụng vỉa hè ở quận 1 nhưng bốn tháng sau lại xin rút đơn từ chức vì được lãnh đạo động viên, thuyết phục. Ngoài những ý kiến tán dương ông Hải dám dọn dẹp vỉa hè, đụng đến các thế lực ngầm, có cả những ý kiến cảnh báo đừng tưởng vậy.

    Kết luận cuộc thanh tra nhằm phòng - chống tham nhũng trong việc cấp giấy phép xây dựng tại Phòng Quản lý đô thị quận 1 đã xác định ông Hải – Phó Chủ tịch phụ trách đô thị tại quận 1 – chính là người phải chịu trách nhiệm về hàng loạt thiếu sót, sai phạm trong việc cho phép xây dựng nhiều biệt thự, khách sạn sai với các qui định pháp luật hiện hành và hết sức chậm chạp trong việc xử lý các thiếu sót, sai phạm khi chúng bị phát hiện (3).

    ***

    Tuần vừa rồi, “tổ chức” không chỉ xuất hiện như nguyên nhân tạo ra scandal Đoàn Ngọc Hải được phân công – nhận nhiệm vụ và ngay sau đó nộp đơn xin từ chức. Ngoài TP.HCM, “tổ chức” còn gây lùm xùm ở Hậu Giang.

    Ông Nguyễn Thành Nhơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang dứt khoát không nhận quyết định điều chuyển về Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang để giới thiệu bầu làm Phó Chủ tịch hội này. Giống như ông Hải, ông Nhơn giải thích, ông không chấp hành sự phân công của “tổ chức” vì nhiệm vụ mới trái với chuyên môn, sở trường của ông – người mà 27 năm vừa qua chỉ làm việc trong lĩnh vực tư pháp và chưa bao giờ bị kỷ luật.

    Theo báo giới, lãnh đạo chính quyền tỉnh Hậu Giang đã mời ông Nhơn lên làm việc, vận động ông chấp hành sự phân công của “tổ chức” nhưng ông lắc đầu một cách dứt khoát và sắp tới, sau khi xem xét, Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ kết luận về trường hợp ông Nhơn: Có đáp ứng nguyện vọng của ông (được tiếp tục làm việc trong lĩnh vực tư pháp), có kỷ luật ông vì không tôn trọng “tổ chức” hay không. Trước mắt, ông Nhơn dù không còn là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang nhưng vẫn là Bí thư Đảng ủy của sở này (4).

    ***

    Trung tuần tháng ba vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN giới thiệu tiêu chí quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau cam kết đổi mới việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ địa phương đến trung ương của giới lãnh đạo đảng CSVN, quy hoạch vừa kể được ca ngợi là một tiến trình chặt chẽ, khách quan trong việc lựa chọn cán bộ chủ chốt, cán bộ chiến lược (6).

    Muốn biết qui hoạch – qui trình nhân sự được khẳng định là tiến bộ ấy, có nâng được chất lượng nhân sự lên cao hơn, có sàng lọc, loại bỏ được những người bất xứng, có thể xem như bằng chứng về sự thận trọng, bài bản hay không thì cứ ngắm nghía, ngẫm nghĩ kỹ về hai scandal vừa kể và chờ xem những scandal khác chắc chắn sẽ rộ lên như nấm sau mưa. Hai chữ “hài hòa” mà ông Trọng dùng trong cả bài viết lẫn chỉ thị được giới thiệu rộng rãi cuối tháng trước có nghĩa riêng, muốn hiểu phải xem các ví dụ minh họa.

    Trân Văn


    ---------------
    Chú thích:



    (Blog VOA) 

    Không có nhận xét nào