Header Ads

  • Breaking News

    Tin vắn Hoa Kỳ trong tuần.

    CALI CÓ LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ MỚI

    Quốc hội Cali do đảng DC nắm đa số tuyệt đối, chuẩn bị thông qua luật bảo hiểm y tế mới cho tiểu bang. Theo luật này, tất cả mọi cư dân sống tại Cali đều bắt buộc phải có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị đóng thuế phạt, tuy chưa rõ số tiền thuế phạt là bao nhiêu. Ở cấp liên bang, thuế phạt này đã bị quốc hội thu hồi từ hơn một năm nay rồi.

    Ngoài ra, luật mới cũng sẽ cung cấp bảo hiểm y tế cho một số di dân “không giấy tờ” luôn. Con số được giới hạn, coi như bước đầu thăm dò dư luận và tính chi phí. Ngân sách đầu tiên sẽ vào khoảng 100 triệu đô trong năm đầu cho khoảng 90.000 người, thuộc thành phần “thanh niên với lợi tức thấp, dưới 26 tuổi”. Nếu trôi chảy, sang năm tới có thể cứu xét nới rộng cho nhiều di dân bất hợp pháp hơn. Theo vài chuyên gia, nếu tất cả di dân lậu được bảo hiểm y tế, Cali sẽ tốn 3,4 tỷ đô một năm, là số tiền tiểu bang không thể có nếu không tăng thuế tiểu bang, hay cắt giảm MediCal cho dân hợp pháp.

    Cái mà kẻ này không hiểu là di dân “không giấy tờ” tức là di dân lậu, tức là ở lậu, đi làm lậu, làm sao lại có thể biết “có lợi tức thấp” được? Lợi tức từ đâu ra? Ai biết? Ai kiểm soát? Họ đi làm có khai báo không? Có đóng thuế không?

    Ở xứ Mỹ này, phe DC luôn hô hào “không ai có thể ngồi xổm trên luật pháp được, kể cả TT Trump”. Đúng ra, phải nói “không ai có thể ngồi xổm trên luật pháp được, ngoại trừ di dân lậu bỏ phiếu cho đảng DC, có quyền coi luật như pha”.

    Quý vị có thấy chuyện gì độc đáo không? Dân Mỹ hợp pháp bắt buộc phải bỏ tiền túi ra mua bảo hiểm y tế cho chính mình và cho cả di dân lậu, không thì sẽ bị phạt tiền. Di dân lậu không cần bỏ một xu nào ra, Nhà Nước Cali cấp bảo hiểm y tế miễn phí đầy đủ!

    Càng ngày thì di dân càng lộ rõ ra là lá bùa hộ mạng để cứu sống đảng DC, thay thế lá phiếu da trắng mà đảng DC mất ngày càng nhiều. Cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho di dân lậu là cách cổ võ hữu hiệu nhất cho thanh niên gốc Nam Mỹ tràn vào Mỹ để rồi sau đó thành cử tri của đảng DC.

    Câu hỏi cho các cụ tỵ nạn cuồng mê Dân Chủ tại Cali: quý cụ có khi nào nghĩ trích 100 triệu cho di dân lậu bây giờ, rồi sau đó có thể tăng lên tới hơn 3 tỷ sẽ có hậu quả như thế nào đến MediCal các cụ đang nhận được không?

    THÊM LÝ DO ĐÀN HẶC

    Trong bài viết tuần qua, Diễn Đàn này có viết nếu TT Trump tiếp tục thành công, phe DC sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đàn hặc ông để cản không cho ông thắng trong cuộc bầu cử năm tới.

    Bây giờ, ta lại thấy thêm một lý do để DC đàn hặc TT Trump.

    Theo ông Mark Penn, nếu TT Trump ra lệnh cho bộ trưởng Tư Pháp William Barr điều tra các ông DC như Adam Schiff (chủ tịch Ủy Ban An Ninh, Hạ Viện) và Jerrold Nadler (chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, Hạ Viện), mà điều tra cặn kẽ như công tố Mueller đã làm với ông Trump thì chắc chắn Hạ Viện đã tiến hành thủ tục đàn hặc TT Trump để cản ngay.

    Theo ông Penn, Hạ Viện đã đi quá xa, biến những cuộc điều tra chính đáng của lập pháp (legitimate legislative inquiry) thành những cuộc truy lùng đối lập được tài trợ bằng tiền của Nhà Nước (government-financed opposition research).

    Ông Penn cho rằng những truy lùng về giấy thuế cả chục năm trước của ông Trump và ngay cả của các con của ông Trump, là chuyện vô tiền khoáng hậu trong chính trường Mỹ, không thể được coi như những cuộc điều tra chính danh có mục đích làm luật gì hết.

    Cuối cùng, ông Penn kêu gọi đảng DC nên đặt tổ quốc lên trên hết, chấm dứt các cuộc điều tra phe phái quá đáng.

    Ông Penn không phải là dân ‘cuồng Trump’ đâu, mà là một chuyên gia về thăm dò dư luận của đảng DC, trước đây là phụ tá cho TT Clinton và sau đó là cố vấn cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary.

    TIN BẦU CỬ CẬP NHẬT

    Tiểu bang Iowa là tiểu bang có bầu ứng cử viên tổng thống đầu tiên trong nội bộ hai chính đảng, dự trù đầu tháng Hai năm tới. Iowa là tiểu bang nông nghiệp nhỏ, nhưng vì là tiểu bang đầu tiên có bầu sơ bộ nên vai trò của tiểu bang này lớn vô cùng. Thắng hay thua tại tiểu bang đều sẽ được truyền thông phóng đại ra thành trúng số độc đắc hay bị sét đánh chết.

    Cuối tuần qua, đảng DC của Iowa tổ chức buổi tiệc Democratic Hall of Fame Dinner, để giới thiệu các ứng cử viên tổng thống của đảng. Hai chục trong 24 ứng cử viên chính đã vội vã khăn gói đến rao hàng.

    Đặc biệt cụ Joe Biden không tham dự. Đây là lần thứ hai cụ Biden không tham gia họp mặt của đảng DC địa phương, lần trước, không tham dự đại hội đảng DC Cali tại San Francisco. Sách lược của cụ là đứng trên cuộc chạy đua của đám lau nhau ở dưới, để bảo vệ thế đứng đầu hiện nay của cụ, cũng như để tránh nói hớ hay làm hớ, nhất là sau ba cái đại họa cụ tự rước vào thân tuần qua (Xem Tin Vắn tuần rồi).

    Thăm dò mới nhất tại Iowa cho thấy cụ Biden được hậu thuẫn cao nhất với 24%, sau đó cụ Sanders (16%, thua cụ Biden có 8 điểm), bà Warrens (15%), và ông Buttigieg (14%). Bà Harris được 7%. Anh Beto tuột xuống tuốt đâu mức 2%. Còn lại gần hai chục người khác lác đác ở mức 1% hay ít hơn.





    CÂU CHUYỆN TU CHÁNH HYDE

    Chính trường bất ngờ nổi sóng vì vụ gọi là Tu Chánh Hyde –Hyde Amendment-, cấm Nhà Nước không được trả tiền phá thai cho các phụ nữ qua Medicaid, ở Cali gọi là MediCal, tức là cấm dùng tiền thuế của dân để trả tiền phá thai. Hyde là tên của dân biểu CH Henry Hyde, người chủ trì việc đàn hặc TT Clinton tại Hạ Viện năm xưa.

    Cụ Biden, là người ủng hộ tu chánh này từ hơn 40 năm qua, ra thông báo cụ tiếp tục kiên trì ủng hộ, nhưng chỉ một ngày sau bất ngờ đổi ý, cho biết bây giờ chống lại tu chánh này.

    Cái điều đáng nói trong câu chuyện là tu chánh Hyde này nằm trong luật ngân sách chung, mỗi năm đều phải duyệt lại và thông qua khi biểu quyết về ngân sách. Và tất cả dân biểu, nghị sĩ đều đã thông qua một cách máy móc, chẳng ai để ý từ 40 năm nay.

    Lần cuối cùng tu chánh được gia hạn là tháng Chín vừa qua, và tất cả các dân biểu và nghị sĩ DC đang ra tranh cử tổng thống cũng đã thông qua, như các nghị sĩ Bernie Sanders, Kamala Harris, Cory Booker, Elizabeth Warren, Amy Klobuchar, Kirsten Gillibrand, Michael Bennet, và các dân biểu Tulsi Gabbard, Tim Ryan, Seth Moulton. Mấy vị này đang bối rối tìm cách giảng giải, biện minh, để có cớ lật ngược quan điểm. Chứng minh một điều: các chính khách ồn ào tranh cãi luật này nọ, nhưng thực tế, ít khi đọc những luật đó.

    Chính trị Mỹ nhiều khi thật tiếu lâm!

    Tin mới nhất: theo một thăm dò của đại học Marist, 60% dân Mỹ chống lại việc lấy tiền thuế của dân trả chi phí phá thai, trong khi 76% muốn giới hạn phá thai trong ba tháng đầu thôi. Cả hai kết quả đều bất lợi cho đảng DC.

    PHE TA PHÊ BÌNH PHE MÌNH

    Báo Washington Post đã có bài bình luận khá lý thú.

    Bài viết mở đầu bằng câu danh ngôn của cố TT Kennedy “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”, để rồi WaPo nhận định cử tri đảng DC bây giờ đã liệng câu nói đó vào thùng rác để chỉ lo chất vấn đất nước này sẽ làm gì cho họ. Và điều đáng nói là tất cả hai tá ứng cử viên tổng thống của đảng DC đã đáp ứng bằng cách tranh nhau tặng quà, cho cử tri nghe những chuyện thần tiên không tưởng mà chính WaPo gọi là “fairy tales mà ai cũng biết sẽ không có cách nào thực hiện được hết”.

    Bảo hiểm và dịch vụ y tế miễn phí cho cả nước, giáo dục miễn phí từ tiểu đến đại học, trợ cấp tiền giữ trẻ, trợ cấp thuê nhà, tăng lương tối thiểu, lợi tức tối thiểu do Nhà Nước cấp, tiền thất nghiệp vô hạn,… Tiền đâu ra?

    Xứ Mỹ hiện đã có tới hơn 22.000 tỷ công nợ, mà tiền lãi không cũng khoảng 500 tỷ một năm rồi, lấy đâu ra 30-50.000 tỷ nữa cho các bánh vẽ đồ sộ của họ?

    Dân Mỹ càng ngày càng thích ngồi mát ăn bánh vẽ, mất hết tinh thần trách nhiệm cá nhân và tự trọng. Bị Trump lấy mất bánh vẽ, nổi cơn cuồng hết, kể cả nhiều cụ tỵ nạn.

    TRẬN CHIẾN MỸ - MỄ

    TT Trump cho biết Mỹ đã đạt được thỏa hiệp theo đó chính quyền Mễ sẽ gia tăng mạnh các biện pháp cản di dân từ Trung Mỹ tràn qua Mễ đi tới biên giới Mỹ như gửi 6.000 quân nhân tới tăng cường lực lượng cảnh sát biên giới tại 68 cửa biên giới với các nước Trung Mỹ, cứu xét lại luật di trú Mễ và giúp Mỹ trục xuất về xứ gốc các di dân bất hợp pháp, khóa trương mục ngân hàng của 26 cá nhân và tổ chức bị nghi ngờ là tài trợ cho các đoàn lữ hành di dân, nhận di dân phải tạm trú trên đất Mễ trong khi chờ đợi tòa di trú Mỹ xét đơn xin định cư,... Bù lại TT Trump hoãn việc áp đặt thuế quan trên tất cả hàng nhập cảng từ Mễ.

    Giới tài chánh đã mừng rỡ hoan nghênh quyết định hoãn thuế quan này, trong khi các chính khách CH hoan nghênh việc Mễ đã có hành động tích cực hơn.

    Nhà báo cấp tiến Hugh Hewitt viết trên báo phe ta Washington Post, đã phải nhìn nhận chiến thắng lớn của TT Trump đã khiến các đối thủ của ông phải... mắc nghẹn đâm ra cà lăm –sputtering-.

    Di dân lậu, khuyến khích bởi các luật an toàn –sanctuary laws- của vài tiểu bang và vài vùng ở Mỹ, đã tràn qua Mỹ tới mức khủng hoảng lớn nhất từ thời TT Clinton. Những biện pháp TT Trump đưa ra như giam giữ di dân bị bắt, xây tường, mang quân đội ra giúp cảnh sát biên phòng,... tất cả đều bị phe DC, nhất là các chính quyền DC địa phương, chống đối và cản trở đủ cách.

    Chặn từ phiá Mỹ không được, TT Trump tính chuyện chặn từ phiá Mễ. Ông ra lệnh tăng thuế quan trên tất cả hàng nhập cảng từ Mễ để ép chính quyền Mễ phải có biện pháp giúp Mỹ chặn làn sóng di dân này.

    Phe ta la hoảng. Bà chủ tịch Hạ Viện tố đây là việc có tính cách hù dọa và không thân thiện với một ông láng giềng thân thiện.

    Nhưng chưa ai kịp làm gì thì chính quyền Mễ đã gửi ngay một phái đoàn lớn chạy qua Hoa Thịnh Đốn, và một tuần sau, Mỹ-Mễ ra thông cáo đạt được thỏa hiệp, theo đó Mễ sẽ tăng cường cả loạt biện pháp để giúp chặn làn sóng di dân như nêu trên. Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn thi hành lệnh tăng thuế quan.

    Ngay từ đầu, Diễn Đàn Trái Chiều đã nghi ngờ biện pháp tăng thuế quan của TT Trump chỉ là cách ông ‘hét giá’ để ép Mễ làm một cái gì mạnh hơn. Và y như rằng, đúng là chuyện hét giá thật. Và TT Trump đã thành công.

    Dù vậy, phe chống đối vẫn cố loay hoay tìm chuyện bôi bác.

    Báo phe ta New York Times loan tin tất cả những thỏa thuận với Mễ đã đạt được từ lâu rồi, bây giờ TT Trump đóng tuồng, bất ngờ mang trò tăng thuế ra hù dọa để rồi sau đó thu hồi quyết định và khoe đã ép Mễ phải hành động. Nếu đã có thoả thuận từ trước rồi thì làm sao giải thích việc Mễ hấp tấp gửi ngoại trưởng qua Hoa Thịnh Đốn ngay sau đó để hai bên điều đình liên tục cả tuần liền? Chẳng lẽ Mễ tiếp tay giúp TT Trump đóng tuồng sao?

    Washington Post bác bỏ tin của NYT, cho rằng đã có cuộc chiến giữa Mỹ và Mễ thật, nhưng lại ca tụng chính Mễ đã khôn ngoan, thành công, cản không cho TT Trump tăng thuế quan!

    WaPo nghĩ ra cách giải thích này, quả là ... siêu! Làm kẻ này nghĩ đến chuyện tếu: cảnh sát dí súng vào đầu tên ăn cướp, bắt hắn phải dơ tay đầu hàng nếu không sẽ bị bắn chết. Tên ăn cướp dơ tay đầu hàng, cảnh sát không bắn. Theo WaPo, tên ăn cướp đã khôn ngoan, thành công cản không cho cảnh sát bắn chết hắn. Thật là tài!

    Trong một tin liên hệ, thống đốc CH của Florida đã ký luật cấm không được thiết lập lập ‘khu an toàn’ –sanctuary zone- trong tiểu bang.

    PHÁ THAI CÓ LỢI CHO KINH DOANH

    Một nhóm đâu 180 tổng giám đốc công ty kinh doanh đã ra tuyên cáo đăng trên nguyên một trang của báo New York Times, xác nhận “phá thai rất có lợi cho kinh doanh” trong khi “không cho phá thai sẽ cản trở việc đa dạng hoá nhân sự của công ty cũng như gây khó khăn cho việc thu dụng nhân tài”.

    Nếu quý vị không hiểu gì thì kẻ này xin phép dịch ra tiếng Nôm.

    Nôm na ra, không cho phá thai thì các nhân viên nữ sẽ phải mang bầu cả 9 tháng, công suất làm việc giảm, sẽ nghỉ làm có lương mấy tháng trước và sau khi đập bầu, tiền bảo hiểm y tế đắt, tất cả gây thiệt hại tài chánh cho công ty. Do đó công ty sẽ tránh thuê mấy bà trong tuổi dễ có bầu. Cho phá thai sẽ tránh được những chuyện rắc rối đó, đỡ tốn tiền cho công ty hơn, do đó có lợi cho kinh doanh và công ty dễ thuê nhân viên nữ hơn.

    Nghiã là đúng theo văn hoá tiến bộ của phe cấp tiến, đồng tiền đi trước sinh mạng thai nhi.

    TTDC TIẾP TỤC CUỘC CHIẾN CHỐNG TRUMP

    Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABC, trả lời một câu hỏi, TT Trump nói “nếu có một người từ một xứ nào đó, Na Uy chẳng hạn, cho tôi biết có tin gì đó về một đối thủ của tôi, tôi sẽ muốn nghe... Không có gì sai trái khi nghe”.

    Các chính khách DC và TTDC nhẩy dựng, làm rùm beng. Vài cụ tỵ nạn cũng nhanh nhảu phiên dịch ngay. Có người tố đây là “mời gọi nước ngoài can thiệp vào chính trị Mỹ”. Có người khác la hoảng “đây là vi phạm an ninh quốc gia”. Dĩ nhiên có người tố giác “đây là tội phản quốc phải đàn hặc ngay”.

    Có điều không ai nhắc: bà Hillary trả tiền cho một gián điệp Anh để mua Hồ Sơ Nga. Bà cũng gửi phụ tá qua tận Ukraine để xin chính quyền Ukraine cung cấp tin về quan hệ với Trump. Sao không nghe ai gọi bà Hillary là phản quốc nhỉ?

    Năm 2016, TT Obama được một nhà ngoại giao Úc Alexander Downer báo tin cho biết anh George Papadopoulos, một phụ tá quèn của Trump đã có liên lạc với Nga. TT Obama mau mắn cho FBI điều tra xem có liên hệ như thế nào với ứng cử viên Donald Trump. Sao không nghe ai gọi ông Obama là phản quốc nhỉ?

    DÂN BIỂU ILHAN OMAR GẶP RẮC RỐI

    Bà dân biểu Hồi giáo gốc Somalia Ilhan Omar đang gặp nhiều rắc rối lớn.

    Năm 2002, khi cô Omar 19 tuổi, cô nộp đơn xin cưới anh kép cũng là dân tỵ nạn gốc Somalia, Ahmed Hirsi. Nhưng hai người không làm đám cưới, sống với nhau 6 năm, có được ba mặt con đến năm 2008, khi hai người bỏ nhau. Cô Omar đi với một anh Somalia khác là anh Said Elmi, làm đám cưới đàng hoàng năm 2009. Chỉ hai năm sau, 2011, chị Omar bỏ chồng trở về sống với anh Hirsi, nhưng chỉ chính thức ly dị với anh chồng Elmi năm 2017. Năm 2016, chị ra tranh cử dân biểu liên bang của thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, trong một đơn vị mà hầu hết cử tri là dân đồng hương, gốc Somalia tỵ nạn, và đắc cử. Năm 2018, chị Omar chính thức làm đám cưới với anh kép lâu năm Hirsi sau khi đã chính thức ly dị anh chồng.

    Câu chuyện có gì lộn xộn?

    Thứ nhất, chị Omar trong hai năm 2014-15 đã khai thuế lợi tức liên bang chung với anh kép Hirsi, trong khi chị là vợ chính thức của anh Elmi. Chị cần khai thuế chung vì lợi tức của một cặp vợ chồng sẽ chịu thuế suất thấp hơn, nhưng chị không khai thuế chung với chồng được vì anh này là dân Anh, khai thuế bên Anh, nên khai chung với anh kép Hirsi. Luật thuế chỉ cho phép khai thuế chung nếu là vợ chồng có hôn thú đàng hoàng. Một cách gian lận thuế trắng trợn.

    Chị Omar giải thích chị đã khai thuế chung với anh kép vì tuy hai người chưa chính thức làm hôn thú, nhưng đã “lấy nhau trong niềm tin và truyền thống Hồi giáo” nên coi như đã là vợ chồng, khai chung thuế được. Chị ta mau mắn hô hoán ai chất vấn chuyện này là... kỳ thị Hồi giáo! Đọc tới đây, bảo đảm là đã có vài ông quan tòa cấp tiến rét rồi.

    Thứ nhì, năm 2016 chị Omar ra tranh cử dân biểu liên bang, thu được khá nhiều tiền yểm trợ tranh cử của đồng hương Somalia tỵ nạn. Chị tiện tay, lấy ngay ít tiền này để chi trả cho luật sư lo chuyện ly dị của chị, và một ít tiền nữa cho một công ty kế toán để ‘điều chỉnh’ lại giấy khai thuế những năm 2014-15 của chị. Lấy tiền vận động tranh cử xài vào việc riêng tư dĩ nhiên vi phạm luật tranh cử. Chưa kể không ai biết chị đã ‘điều chỉnh’ cái gì khi chị ra tranh cử. Khai gian chuyện gì, sợ bị bắt nên điều chỉnh? Hội Đồng Tài Trợ Vận Động Tranh Cử –Campaign Finance Board- của tiểu bang Minnesota không rõ vì lý do gì, không dám truy tố gì mà chỉ yêu cầu chị Omar bồi hoàn lại những số tiền ‘cầm nhầm’ này.

    Dân biểu Ilhan Omar là một trong những dân biểu trẻ theo khuynh hướng cực tả mới nổi trong đảng DC, chống TT Trump tối đa.

    Dĩ nhiên, không có một tờ báo hay đài TV phe ta nào loan tin này hết. Thử tưởng tượng TTDC tìm được giấy khai thuế của ông Trump, khai chung với một bà nào đó không phải là bà vợ chính Melania thì sao nhỉ?

    CÂU CHUYỆN KỲ THỊ DA ĐEN

    Ba sinh viên da đen của trường Đại Học Oberlin College, tại tỉnh Oberlin, thuộc tiểu bang Ohio, vào một tiệm bánh, tính ăn cướp ít bánh! Bị chủ tiệm bánh bắt, kêu cảnh sát đến bắt về bót.

    Mấy anh chị bạn của ba sinh viên tìm cách cứu giúp, hô hoán ầm ĩ là chủ tiệm bánh kỳ thị da đen, phịa tội oan ức cho ba sinh viên da đen, hô hào biểu tình, tẩy chay tiệm bánh. Bà xếp lớn –viện trưởng- của đại học vội vã hùa theo đám sinh viên vì sợ trường bị mang tiếng kỳ thị lây cũng như muốn trường làm việc ‘phải đạo chính trị’, ra thông cáo công khai miệt thị, tố cáo tiệm bánh kỳ thị da đen. Cả trường tẩy chay tiệm bánh theo.

    Chủ tiệm bánh thưa bà và cả trường ra tòa, với đầy đủ bằng chứng camera trong tiệm quay cảnh ba sinh viên toan cướp bánh!

    Tòa xử trường đại học phỉ báng mạ lỵ chủ tiệm bánh, tiếp tay hô hào tẩy chay, gây thiệt hại tài chánh hiện tại và trong tương lai cho tiệm bánh và khiến tiệm mất uy tín, và phạt trường phải bồi thường 11 triệu đô.

    Tố dân da trắng kỳ thị da màu đã trở thành một cái cớ quá dễ, bị lạm dụng quá nhiều để bao che cho những hành động phạm pháp của dân da màu. Nhưng cũng may luật pháp Mỹ chưa mù hoàn toàn.


    Vũ Linh tóm lược

    Không có nhận xét nào