Quốc hội Việt Nam bị chỉ trích nặng
nề trên mạng xã hội sau khi nhiều tờ báo trong nước đưa tin cơ quan lập
pháp không thông qua hai quy định về “đã uống rượu bia thì không lái
xe”. Tuy nhiên, một chuyên gia độc lập lên tiếng cho rằng công luận nên
thận trọng khi chưa nắm rõ bản chất của sự việc.
Quốc hội Viêt Nam lấy ý kiến về hai điều khoản liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu, 3/6/2019 |
Nhiều
báo trong đó có Lao Động, Người Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí
Minh loan tin vào hồi chiều hôm 3/6 rằng các đại biểu quốc hội “đã biểu
quyết 2 lần” về quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong
máu có nồng độ cồn “nhưng đều không quá bán”. Vì vậy, quy định này
“chưa được ghi” vào dự luật có tên “Phòng, chống tác hại của rượu, bia”.
Các
bài báo cụ thể hơn cho hay dự luật nêu ra hai phương án về cấm mọi
người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Trong đó, phương án 1 cấm điều
khiển xe cộ khi trong máu hoặc khí thở có bất kỳ nồng độ cồn nào; và
phương án 2 cấm điều khiển xe khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn
vượt quá mức quy định được nêu trong luật về an toàn giao thông.
Tin
cho hay quốc hội “biểu quyết hai lần” về phương án 1 với kết quả lần
lượt là 48,76% và 44,21% ý kiến đồng ý, đều không vượt quá bán. Phương
án 2 nhận được 49,59% số phiếu tán thành, cũng không quá bán.
Với
các kết quả nêu trên, cả hai phương án không được ghi vào dự luật. Sau
khi có kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét rằng
“Quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó
khăn”, theo các bản tin trong nước.
Diễn
biến này được báo Lao Động tường thuật dưới hàng tít “Quy định ‘đã uống
rượu bia thì không lái xe’ chưa được Quốc hội áp dụng”; báo Pháp Luật
Thành Phố Hồ Chí Minh sử dụng tiêu đề “Hai quy định về rượu, bia không
được Quốc hội thông qua”; trong khi đó, báo Thanh Niên đặt tên cho bài
viết của mình là “Quốc hội vẫn chưa quyết 'đã uống rượu bia thì không
lái xe'”. Nhiều báo, trang mạng khác cũng đặt tít với từ ngữ tương tự.
Dư
luận nhanh chóng phản ứng với phần lớn là các lời chỉ trích dành cho
quốc hội. Một loạt những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như
các nhà báo Bạch Hoàn, Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhạc sĩ Tuấn Khanh,
nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, v.v… khẳng
định họ và phần đông cử tri “thất vọng”, “choáng váng” về việc chỉ có
chưa đến 50% đại biểu quốc hội ủng hộ việc cấm lái xe sau khi uống rượu
bia, trong khi có đến 42% không đồng ý.
Nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi “Phải chăng trong quốc hội có những
người nghiện rượu?” Về phần mình, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng có
thể “suy diễn” là số 42% đại biểu nêu trên “thường xuyên nhậu nhẹt và
còn lái xe, hoặc con cái họ, hoặc chính lái xe của họ hay uống rươu bia”
cho nên họ sợ nếu biểu quyết thông qua “thì có khi chính họ bị [xử lý]
đầu tiên”. Một giả định khác ông Phong đặt ra là “số đại biểu này rất vô
trách nhiệm trước đại nạn lái xe khi đã uống rượu bia” đang làm hàng
ngàn người chết trong tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm.
“Cái
mà dân đang cần là thông điệp mạnh mẽ từ quốc hội trong việc phòng
chống tác hại của rượu bia”, nhà báo Hoàng Linh viết trên trang cá nhân.
Ông đề nghị rằng luật pháp phải khắt khe hơn, theo đó “chỉ cần có uống
rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là có thể bị xử lý hình
sự”.
Một
bài đăng trên Facebook của nhà báo Bạch Hoàn được hơn 5.300 phản ứng
yêu thích và gần 600 lời bình luận ủng hộ có đoạn “Thật kinh tởm cho cái
gọi là biểu quyết của đại biểu Quốc hội”. Tuy nhiên, nữ nhà báo có tổng
cộng hơn 195.000 người theo dõi cho hay chị “chẳng lấy gì làm bất ngờ”
vì trong quốc hội có một số đại biểu “như Nguyễn Sỹ Cương, Dương Trung
Quốc” vẫn đưa ra các “luận điệu bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh
nghiệp rượu bia bất chấp nguy cơ huỷ diệt giống nòi”.
Giữa
lúc quốc hội đang hứng chịu búa rìu dư luận với những lời lẽ hết sức
nặng nề, thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu lên tiếng cho rằng đang có một
sự hiểu nhầm.
Sử
dụng chữ in hoa với hàm ý nhấn mạnh, ông Hậu, một chuyên gia độc lập
trong lĩnh vực chính sách và nhân quyền ở Việt Nam, đặt tên cho bài viết
trên Facebook của mình là “Không đúng, Quốc hội không ủng hộ lái xe khi
đã uống rượu thoải mái”.
Luật
sư tốt nghiệp ở Đức lưu ý rằng theo quy định hiện nay của Luật Giao
thông Đường bộ 2008, ngưỡng cho phép về độ cồn là 50 miligam/100 mililít
máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy
(0.05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô, đồng nghĩa là là hiện
nay, Việt Nam “đã rất khắt khe” với người điều khiển ô tô đến mức “hễ đã
uống rượu thì không được cầm vô lăng”.
Về
ngưỡng 0.05% đối với người lái xe máy, ông Hậu cho rằng nếu so sánh với
các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn khá khắt khe.
“Như
vậy, có thể kết luận là việc cấm lái xe sau khi uống rượu là không có
gì mới”, thạc sĩ, giảng viên luật Lê Nguyễn Duy Hậu viết.
Bàn
đến cáo buộc của nhiều người cho rằng quốc hội “đã thông qua luật ‘tự
do uống rượu khi lái xe’”, ông Hậu không ngần ngại khẳng định “Điều này
là hoàn toàn sai sự thật”.
Theo
chuyên gia này, việc hai phương án được đưa ra bỏ phiếu ở quốc hội là
để lấy ý kiến từ các đại biểu, chưa phải để thông qua. Từ góc nhìn của
mình, ông Hậu đưa ra quan điểm là về cơ bản, quốc hội vẫn “cấm sử dụng
phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia”, nhưng còn chưa nhất
quán về ngưỡng nồng độ để cấm là thế nào.
Thạc
sĩ luật phân tích thêm: “Phương án 1 là cấm tuyệt đối việc uống rượu
lái xe và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0
như tài xế ô tô. Phương án 2 thì có hai cách hiểu: hoặc giữ nguyên
ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy
định cụ thể trong lần chỉnh lý tới”. Từ đó, ông Hậu đưa ra kết luận:
“Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái
xe.”
Ông
Hậu viết thêm rằng báo chí trong nước “phải chịu trách nhiệm vì đã giựt
những dòng tít gây hiểu lầm” đồng thời bày tỏ hy vọng “mọi người khách
quan và bình tĩnh hơn khi đánh giá vụ việc”.
(VOA)
Không có nhận xét nào