Header Ads

  • Breaking News

    Thiên An Môn : 30 năm sau, chính quyền Trung Quốc vẫn sợ

    Cách nay 30 năm, cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp đẩm máu. Sự kiện chế độ huy động quân đội nổ súng vào thanh niên là bằng chứng đảng Cộng Sản Trung Quốc cố bám quyền lực bằng mọi giá và không dung thứ hay hoà giải với mọi khuynh hướng cải cách ở trong hay ngoài đảng. Ba mươi năm sau, họ vẫn còn nơm nớp lo sợ.
    Trên quảng trường Thiên An Môn ngày 16/05/2019.REUTERS/Thomas Peter

    Kiểm duyệt mạng xã hội, câu lưu các nhà hoạt động nhân quyền, ngăn chận tự do thông tin : chính phủ Trung Quốc áp đặt một bức màn sắt nhân 30 năm vụ đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn. Tưởng niệm nạn nhân bị quân đội đàn áp đêm mùng 03 rạng sáng mùng 04 tháng sáu năm 1989 là một điều cấm kỵ tại Trung Quốc.

    AFP đương cử hai trường hợp cụ thể xảy ra vào sáng nay : một phóng viên của hãng tin Pháp muốn đến quảng trường Thiên An Môn thu hình lễ thượng kỳ mỗi ngày đã bị công an chận lại. Một phóng viên khác thuê phòng khách sạn có cửa sổ nhìn ra quảng trường bị đổi phòng vào phút chót với lý do phải sơn sửa lại.

    Ai cũng có thể là kẻ thù

    Bầu không khí còn căng thẳng hơn vì năm 2019 không phải chỉ có sự kiện 30 năm Thiên An Môn, mà còn trùng hợp với sinh nhật 70 năm chế độ Cộng sản, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. Hàng loạt công dân bị xem là thuộc loại « nhạy cảm » bị đưa ra khỏi thủ đô. Trong số này có luật sư nhân quyền Phố Chí Cường, cựu giáo sư Đinh Từ Lâm, người phụ nữ đứng đầu hiệp hội các bà mẹ mất con trong vụ đàn áp 1989, nhà báo Cao Du, hay ông Bào Đồng, cựu thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, dù đã 86 tuổi, vẫn bị canh chừng 24 giờ trên 24 giờ.

    Tuy huy động mọi biện pháp khống chế toàn diện, chính quyền Trung Quốc vẫn không yên tâm. Các phương tiện truyền thông hoàn toàn im lặng, trừ một bài trên Hoàn Cầu Thời Báo biện minh cho cuộc thảm sát, nhưng bằng tiếng Anh. Còn tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hoà ở Singapore, cũng để biện minh cho quyết định dùng vũ lực, không được loan tải hay trích dẫn tại Hoa lục.

    Trong biến cố lịch sử phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, sinh viên và công nhân Trung Quốc hưởng ứng xu hướng cải cách trong đảng với hai nhân vật biểu tượng là tổng bí thư Hồ Diệu Bang và người kế nhiệm là Triệu Tử Dương. Cuối cùng là Hồ Diệu Bang bị cách chức và chết vì lên cơn đau tim. Triệu Tử Dương sau đó cũng bị phe Lý Bằng và Đặng Tiểu Bình cáo buộc « nhu nhược » và cách chức.

    Theo nhận định của Bào Phác, con trai của nhà ly khai Bào Đồng, mà một thời là cánh tay mặt của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, sau cuộc đàn áp đẩm máu và truy bức đó, người dân Hoa lục không còn chấp nhận rủi ro xuống đường đòi dân chủ. Nhưng chế độ vẫn luôn cảm thấy bị đe dọa và không ngừng tăng cường các biện pháp khống chế xã hội.

    Cả nước bị theo dõi

    Một nhà tranh đấu có kinh nghiệm tù đày cho biết là đảng Cộng Sản tấn công vào bất cứ người nào bị xem là mối đe dọa cho chế độ. Xu hướng này tăng tốc kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hơn 200 luật sư và nhà hoạt động bị bắt trong năm 2015 là một bằng chứng.

    Nạn nhân được quốc tế biết đến nhiều nhất là Lưu Hiểu Ba, người chủ xướng « Hiến chương 2008 », khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2010, chết vì bệnh ung thư gan vào năm 2017, vài ngày sau khi tạm ra khỏi nhà tù.

    Biện pháp khống chế mới nhất là thiết lập mạng camera nhận diện và thu âm phát hiện quan điểm « trái luồng ».

    Câu hỏi then chốt là chính sách trấn áp từ trong trứng nước có mang lại kết quả tuyệt đối hay không ? Trả lời Le Figaro, một giáo sư đại học Thanh Hoa, nguyên là sinh viên Thiên An Môn, e rằng Tập Cận Bình, với quy chế « hoàng đế mãn đời » sẽ tung ra một cuộc « cách mạng văn hóa » mới, lần này nhằm khống chế thành phần trí thức, học giả.

    Trái lại, nhà hoạt động công đoàn Hàn Đông Phương, tị nạn ở Hồng Kông, tỏ ra lạc quan. Sự kiện trong năm 2017, hơn 50 sinh viên ban triết học Mác bị bắt giam vì tội đem « kiến thức » ra giúp công nhân thành lập công đoàn là dấu hiệu cho thấy thế hệ trẻ ở Hoa lục không phải ai cũng bị khẩu hiệu « làm giàu trước đã » đánh lừa. 
     

    Tú Anh  

    Không có nhận xét nào