Ngày 28 và 29/06/2019 tại thượng đỉnh
khối G20 ở Osaka, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ dự kiến gặp
nhau. Tranh chấp thương mại là hồ sơ trọng tâm. Chỉ ít ngày trước cuộc
gặp quan trọng này, Bắc Kinh thông báo ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều
Tiên trong hai ngày, 20 và 21/06/2019.
Truyền hình Trung Quốc CCTV chiếu cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. |
Đây
lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ 14 năm
nay. Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Bắc
Triều Tiên ?
Truyền
thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi, được cho là
mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán
đảo Triều Tiên. Trong giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều tiếng nói
khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối
thoại Mỹ - Bắc Triều Tiên.
Theo
nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời
điểm đặc biệt nhạy cảm này là để khẳng định vị thế đối tác không thể
thay thế trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang rơi vào bế tắc,
kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội, cuối tháng
02/2019. Việc chủ tịch Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến
hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng
tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và phong
trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông buộc Bắc Kinh rút vào thế
phòng ngự tạm thời.
Theo
ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học
Bucknell, Pennsylvania, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, Bắc Kinh
muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng : Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt
tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo
gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên đều vô ích.
Ông
Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trung tâm
Carnegie – Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh, cuộc hội kiến Tập – Kim
tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng
tác động đến chế độ Bắc Triều Tiên, với tư cách người bảo trợ, đồng minh
thân cận nhất. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến
Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu
vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung
Quốc.
Ông
Triệu Thông phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp
khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong đàm phán về
phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ « mềm mại » hơn với Bắc Kinh
trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), Đại
học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông
qua chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến tổng thống Mỹ, đề nghị
ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn
về các lo ngại của chế độ Bắc Triều Tiên, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.
Theo
ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á của viện tư vấn
Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ - Bắc Triều Tiên có
tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm
trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có
thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm
kiểm soát.
Tuy
nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán
Mỹ - Bắc Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho
đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Việc ông Tập Cận Bình tới Bình
Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bắc Triều Tiên, kèm theo
đó là nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến
chính quyền Kim Jong Un thêm vững tâm, khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi
của Mỹ, như nhận định của ông James Schoff, một chuyên gia về Đông Á của
bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Trọng Thành
(RFI)
Không có nhận xét nào