Thứ năm 13/06/2019, một tàu dầu của
Na Uy và một chiếc tàu chở khí đốt của Nhật Bản bị tấn công trong biển
Oman, tuyến đường hàng hải chiến lược. Theo các nhân chứng, một chiếc
tàu bị trúng ngư lôi, chiếc còn lại bị hai tên lửa. Washington lên án
Teheran và gây sức ép tại Hội Đồng Bảo An. Reuters và AFP tổng hợp các
chi tiết.
Một chiếc tàu dầu bị cháy sau khi bị tấn công trên biển Oman, nằm giữa các nước Ả Rập vùng Vịnh và Iran. Ảnh chụp ngày 13/06/2019. |
Chiếc
tàu dầu Front Altair, của Na Uy, đăng ký ở Marshall và tàu chở khí đốt
Kokuka Courageous của Nhật Bản, treo cờ Panama, bị tấn công vào trưa thứ
Năm giờ địa phương.
Thuyền
trưởng, thủy thủ tàu Nhật Bản báo cáo chính mắt trông thấy "hai vật
thể" từ xa bay đến đâm vào vỏ tàu và rồi có tiếng nổ lớn gây hỏa hoạn ở
hầm máy. Tầu bị tấn công hai lần cách nhau ba tiếng đồng hồ, trong khi
chạy trốn thì bị đánh trúng lần thứ hai.
Sợ
nổ tàu, thủy thủ đoàn đã di tản, nhưng sau đó quay trở lại xem xét
thiệt hại với sự trợ giúp của Hải Quân Mỹ và tàu được yểm trợ đưa về một
bến cảng của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Chủ tàu người Nhật
Yutaka Katada khẳng định có một tàu quân sự Iran hoạt động không xa,
nhưng ông loại trừ giả thuyết vũ khí tấn công là ngư lôi.
Còn
chiếc Front Altair, tàu dầu của Na Uy, dường như bị trúng thủy lôi và
được Hải Quân Iran trợ cứu. Theo một đoạn phim video do hải quân Mỹ công
bố vào buổi chiều cùng ngày, một tàu tuần tra của lực lượng Vệ Binh
Cách Mạng Iran đã áp sát chiếc tàu Na Uy để tháo gỡ một quả mìn không
nổ.
Trước
đó, chủ tàu người Đài loan thông báo tàu bị trúng ngư lôi vào lúc 04
giờ, giờ quốc tế. Toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 12 người Nga, 12 người
Philippines và một người Gruzia được một tàu Iran đưa về cảng Bandar
Abbas.
Trong
vòng một tháng, đã xảy ra 5 vụ tấn công tàu dầu trong khu vực nhạy cảm
này. Mỹ và Ả Rập Xê Út đồng lên án Iran khiêu khích.
Teheran phản ứng tức khắc và một lần nữa phủ nhận các cáo buộc đó.
Teheran phản bác tố cáo của Mỹ
Lãnh
đạo chính trị cũng như quân sự Iran chưa phản ứng chính thức và trực
tiếp về video của Mỹ, nhưng lớn tiếng khẳng định rằng lời tố cáo của Mỹ,
cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công, là vô căn cứ. Trên Twitter, ngoại
trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích rất gay gắt và xác định
rằng đã dự kiến trước được một kịch bản như thế.
Thông tín viên RFI tại Teheran, Siavosh Ghazi tường thuật :
Lãnh
đạo ngoại giao Iran đã lên án trên Twitter âm mưu của nhóm « B », ám
chỉ John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, thủ tướng Israel
Benyamin Netanyahu, thái tử Ả Rập Xê Út Ben Salmane và Cheikh Bin Zayed
của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Đối
với ngoại trưởng Iran, « việc Mỹ vội vàng tố cáo Iran cho thấy rõ là
nhóm B đi đến một kế hoạch B nhằm phá hoại về ngoại giao, kể cả nỗ lực
của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, để bao che cho hành vi khủng bố kinh tế
nhắm vào Iran ».
Từ
nhiều tháng qua, Teheran tố cáo Mỹ và Ả Rập Xê Út, Israel và Các Tiểu
Vương Quốc Ẩ Rập liên minh với nhau để đối đầu quân sự với Iran.
Ông Mohammad Javad Zarif còn khẳng định trong một tin nhắn thứ 2 là ông đã dự kiến một kịch bản như thế từ mấy tháng qua.
Trước mắt lãnh đạo chính trị và quân sự Iran chưa có phản ứng trực tiếp về đoạn video mà Lầu Năm Góc công bố.
Washington
khẳng định là đoạn video này đã cho thấy một chiếc tàu Iran cố gắng gỡ
một quả mìn chưa nổ trên một trong hai tàu chở dầu.
Mỹ cáo buộc Iran tại Liên Hiệp Quốc, nhiều nước đòi mở điều tra
Về
phía cộng đồng quốc tế, trong cuộc họp kín hôm qua 13/06/2019 tại Hội
Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc theo yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ, Hoa Kỳ đã
nêu đích danh Iran là thủ phạm tấn công hai chiếc tàu dầu ở vịnh Oman.
Đại sứ Mỹ đề nghị quốc tế phải có động thái để ngăn trở những vụ tấn
công mới.
Thông tín viên Marie Bourreau tại New York tường trình :
«
Toàn thể các nước thành viên đều lo ngại trước nguy cơ leo thang ở
Trung Đông, nhưng về phản ứng thì ý kiến có khác nhau. Về phía Mỹ, đại
sứ Jonathan Cohen thẳng thừng lên án Iran.
Ông
Cohen nói : « Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh đến hàng loạt sự cố mà
tôi cũng đã chia sẻ với Hội Đồng Bảo An, chứng tỏ mối đe dọa thực sự từ
Iran đối với hòa bình và an ninh trên thế giới. Tôi yêu cầu Hội Đồng Bảo
An xem xét vấn đề này, và hy vọng chúng ta sẽ có những cuộc thảo luận
mới về đề tài trên, cũng như về cách phản ứng trong những ngày tới ».
Nhưng
đối mặt với ông là 14 nước thành viên đòi hỏi phải có bằng cớ trước khi
quy trách nhiệm. Đại sứ Koweit, hiện là chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong
tháng Sáu, muốn biết ai đứng phía sau vụ tấn công này.
Các
nhà ngoại giao nêu ra khả năng mở một cuộc điều tra quốc tế, có thể do
Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Pháp cho biết sẵn sàng tham gia cuộc điều tra ».
(RFI)
Không có nhận xét nào