Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao Donald Trump châm ngòi chiến tranh thương mại ở khắp nơi nhưng có thể với Việt Nam sẽ khác?

    “Mỹ vẫn đang ưu tiên Việt Nam về một số khía cạnh. Như trong thương mại, khi trừng phạt Trung Quốc, Mỹ vẫn cần những nguồn hàng hoá nhập khẩu thay thế với mức giá hợp lý”, TS. Lê Hồng Hiệp nhận định.
    Tại sao Donald Trump châm ngòi chiến tranh thương mại ở khắp nơi nhưng có thể với Việt Nam sẽ khác?

    Ấn Độ là quốc gia tiếp theo bị Tổng thống Donald Trump "sờ gáy" khi quyết định xoá bỏ ưu đãi thương mại dành cho nước này. "Tôi đã đi đến kết luận rằng Ấn Độ không đảm bảo với Mỹ về việc sẽ cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận công bằng và hợp lý với thị trường Ấn Độ. Vì thế, sẽ là phù hợp khi xoá bỏ tư cách của quốc gia này như là một nước đang phát triển thụ hưởng kể từ ngày 5/6/2019", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố hôm 31/5.

    Động thái của Trump được cho là đang mở ra một mặt trận tiềm năng mới cho cuộc chiến thương mại mà ông đã phát động kể từ khi nhậm chức. Điều này cũng tạo ra những lo ngại lớn trên toàn cầu, bởi Mỹ là thị trường lớn, mà hầu hết các quốc gia đều có quan hệ làm ăn.

    Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore về câu chuyện chiến tranh thương mại cũng như những tác động có thể xảy đến của nó.



    Khi chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều người đã đề cập đến thế lưỡng nan của nhiều nước khi ở giữa hai cường quốc về lâu dài. Ông có bình luận gì về điều này?

    Ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA) này thì tất cả các nước đều đang phải đối mặt với thế lưỡng nan đó. Một bên là Trung Quốc một bên là Mỹ, làm thế nào có thể cân bằng được quan hệ với hai nước vì đối với các nước ĐNA trong đó có Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc đều có vai trò quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn an ninh.

    Trung Quốc ảnh hưởng kinh tế rất lớn vì họ là đối tác thương mại hàng đầu của đa số nước trong khu vực. Nguồn đầu tư từ Trung Quốc cũng ngày càng quan trọng với nhiều quốc gia. Trong khi đấy Mỹ cũng là một thị trường quan trọng của các nước trong khu vực.

    Ngoài ra, người ta hay nói đến nguồn vốn của Trung Quốc tại ĐNA, nhưng dường như lại quên đi Mỹ mới là nhà đầu tư lớn nhất ở khu vực này. Tổng vốn đầu tư của Mỹ vào ĐNA là 1.300 tỷ USD, lớn hơn số lượng vốn của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cộng lại.

    Đặc biệt về an ninh, Mỹ được coi là người đảm bảo cân bằng quyền lực trong khu vực, giúp duy trì sự ổn định, trật tự khu vực. Chính vì vậy các quốc gia đều không muốn phải chọn giữa hai cường quốc này. Tuy nhiên, với căng thẳng Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, thế lưỡng nan đó càng đặt ra nhiều khó khăn hơn cho chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực.



    Vậy theo ông, giữ sự cân bằng đấy như thế nào?

    Họ không nên nghiêng về bên nào, mặc dù như đã nói, điều đó ngày càng khó khăn. Các nước cần phải giữ được quan hệ tốt với cả hai bên để tận dụng được những lợi ích mà quan hệ với mỗi cường quốc mang lại.

    Như Việt Nam chẳng hạn, chúng ta cần khéo léo để duy trì được sự cân bằng này, có những lúc có thể có những điều chỉnh chiến thuật, dịch về bên này hơn bên kia một tí, để phù hợp với tình huống và vấn đề cụ thể.

    Nhưng về tổng thể chiến lược dài hạn, Việt Nam cần phải kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, không phụ thuộc vào bất cứ một cường quốc nào, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ.



    Ấn Độ là đối tượng tiếp theo chịu tấn công thương mại của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Bloomberg đưa tin Việt Nam có khả năng trở thành nước xuất nhiều hàng hoá thứ 7 vào Mỹ. Liệu rằng có khả năng rủi ro nào với Việt Nam không?

    Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ, và Tổng thống Trump đã lần lượt "sờ gáy", gây áp lực lên các đối tác thương mại có thặng dư lớn. Việt Nam có thể bị tác động bởi chính sách này trong tương lai. Tuy nhiên, liệu Mỹ có áp dụng các biện pháp với Việt Nam hay không thì phải chờ xem vì bên cạnh lợi ích kinh tế, còn có lợi ích về chính trị, chiến lược.

    Theo tôi nghĩ khả năng Việt Nam bị Mỹ áp dụng biện pháp vẫn chưa xảy ra trong ngắn hạn. Mỹ vẫn đang ưu tiên Việt Nam về một số khía cạnh. Như trong thương mại, khi trừng phạt Trung Quốc, Mỹ vẫn cần những nguồn hàng hoá nhập khẩu thay thế với mức giá hợp lý.

    Việt Nam có thể là nguồn hàng hoá bổ sung trong trường hợp hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Áp thuế đồng loạt với hàng hoá Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực với người Mỹ, không tốt cho vị thế chính trị của chính quyền Trump.

    Về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm đồng minh trong bối cảnh cạnh tranh, trong khu vực này Việt Nam cũng được Mỹ xem là đối tác mới nổi có tầm quan trọng. Tuy nhiên, cần lưu ý là Mỹ có thể sử dụng các biện pháp với Việt Nam như là đòn bẩy để Việt Nam đưa ra sự nhượng bộ khi cần thiết.

    Nghĩa là với Việt Nam, Mỹ sẽ không đưa ra những biện pháp cứng rắn, thay vào đó là mềm mỏng, nhưng giảm được thâm hụt thương mại và điều khiển được cuộc chơi theo ý mình?

    Cũng có thể là như vậy. Họ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố hơn.



    Ông có bình luận gì về việc Trump ra đòn trừng phạt rất nặng với Huawei?

    Cái này phải nhìn vào cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Huawei không phải là vấn đề về công nghệ hay là ứng xử với công ty, mà ứng xử với sức mạnh đang càng ngày càng lớn của Trung Quốc đặc biệt trong trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm, trọng yếu như công nghệ viễn thông 5G.

    Mỹ muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, một trong cách họ thực hiện là làm suy yếu các công ty có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Trung Quốc. Chính vì vậy biện pháp trừng phạt với Huawei chỉ là một trong những mũi tên mà Trump sử dụng để đạt được mục tiêu rộng lớn hơn đối với Trung Quốc.

    Tuy nhiên nó cũng mở ra rủi ro là Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ. Có lẽ trước khi tiến hành cuộc đối đầu này, chính quyền Trump đã tính toán được mất và thấy rằng thiệt hại của Trung Quốc sẽ lớn hơn thiệt hại mà phía Mỹ phải gánh chịu, nên họ chấp nhận cuộc chơi. Cái giá kinh tế họ phải trả theo tôi nghĩ là chấp nhận được so với lợi ích chiến lược mà họ thu được: Đó là ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy khi quốc gia này đang thách thức vị thế của Mỹ không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới.

    Với bối cảnh đó, chúng ta đã có thể nói đến một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ hay chưa?

    Khả năng đó có thể xảy ra. Thực tế thì nó đang ngày một hiện hữu. Ta có thể gọi nó là Chiến tranh lạnh 2.0. Thời kỳ giữa Mỹ và Liên Xô, thế giới lúc đó cũng chia làm hai khối tách biệt, trong bối cảnh hiện tại cũng vậy.

    Khi Mỹ - Trung đối đầu, không có được sự hợp tác cần thiết, hai quốc gia này sẽ dần đi theo hướng dẫn dắt các khối quốc gia biệt lập hoặc ít tương tác, trong đó có lĩnh vực công nghệ, và điều đó sẽ gây ra những phí tổn đáng kể với nền kinh tế thế giới. Các quốc gia khác sẽ buộc phải chọn một trong hai khối để tham gia vào sự phát triển về mặt công nghệ bên cạnh các vấn đề thương mại và đầu tư.

    Trong bối cảnh chiến tranh lạnh 2.0 có thể xảy ra, thế lưỡng nan của Việt Nam về công nghệ sẽ ra sao?

    Tới một thời điểm nào đấy có thể Việt Nam phải lựa chọn nếu như cuộc chiến tranh lạnh tiếp diễn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thì phải lựa chọn một tiêu chuẩn công nghệ nào đó, hoặc do Mỹ xác lập hoặc Trung Quốc xác lập, chúng ta không thể đầu tư hai hệ thống được. Việt Nam và các nước khác muốn tránh tình trạng đó nhưng có lẽ không quyết định được xu thế cuộc chơi.

    Cảm ơn ông!

    Bài: Phương Ánh

    Thiết kế: Hương Xuân

    Theo Trí Thức Trẻ

    Không có nhận xét nào