Ở tuổi 75 và vẫn còn phải tập đi đứng
cho vững để tiếp khách, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng vẫn muốn Việt Nam ôm chặt Chủ nghĩa Cộng sản để tiếp tục độc tài,
độc đảng vô thời hạn.
Quan
điểm cứng nhắc, cũ rích, giáo điều và bảo thủ này đã được ông Trọng gói
trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp
tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, do Thông tấn
xã Việt Nam (TTXVN) phổ biến ngày 30/05/2019.
CHUYỆN CŨ VÀ NGƯỜI MỚI
Trước
hết về cơ bản, ông buộc lãnh đạo đảng địa phương nhiệm kỳ 2021-2016
phải: “Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ,
đường lối, chủ trương của Đảng”.
Điều
này có nghĩa Chủ nghĩa Cộng sản vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động
của đảng, và đảng phải cầm quyền và lãnh đạo toàn xã hội. Cương lĩnh
“xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội” (bổ sung
và phát triển năm 2011), Điều lệ Đảng (từ Khóa đảng XI năm 2011) và Hiến
pháp năm 2013 đều nói cùng một giọng. Chuyện cũ được ông Trọng xới lại
chỉ có mục đích bảo địa phương không được chệch hướng mà phải xếp hàng
sau lưng Trung ương.
Sở
dĩ ông Trọng phải rào đón như thế vì tại Hội nghị Trung ương 10
(15-18/05/2019), ông đã nói đến nhóm chữ “đổi mới chính trị” khiến một
số người nghĩ rằng ông có cái đầu mới muốn gợi ý thảo luận thay đổi thể
chế, sau cơn đột qụy nhẹ ở Kiên Giang ngày 14/04/2019. Nhưng ông Trọng
nói vậy mà không phải vậy.
Từ
Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI ông đã nói rằng: “Đổi mới chính
trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của
Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy,
kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công
tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng
phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các
cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã
hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc
gia”.
Đó
là nội dung rút ra từ phương châm “đổi mới nhưng không đổi mầu”, “hội
nhập mà không hòa tan” từ thời ông Nguyễn Đức Bình, một người Cộng sản
cực kỳ giáo điều làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (1996-2001).
Sau đó, đến phiên ông Trọng thay ông Bình nắm ghế Chủ tịch từ ngày 10
tháng 11 năm 2001 đến 15 tháng 3 năm 2007 thì quan điểm một chiều này
được tiếp tục cho đến bây giờ (2019).
Vì
vậy mà ta chẳng ngạc nhiên khi thấy ông Trọng không có ý gì mới trong
bài viết. Ông chỉ biết lập lại điều ông đã nói nhiều lần khi yêu cầu địa
phương phải: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm
của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Giữ
vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc
tập trung dân chủ và bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên
và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị”.
Nhưng
cũng chính ông Trọng là người đã than phiền trong qúa khứ về tình trạng
buông lỏng lãnh đạo, đã có lãnh đạo làm sai và thậm chí làm ngược với
chủ trương, đường lối của Trung ương. Ông gọi tình trạng này là “trên
nóng dưới lạnh”, hay “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều
nơi, kể cả công tác phòng và chống tham nhũng mà ông Trọng tự khoe, với
quyết tâm “đốt lò” đã đem lại kết qủa và tạo được niềm tin trong dân.
Nhưng
lòng tin vào đảng của dân lại không đo hay đếm được vì chỉ thấy lãnh
đạo nói, trong khi dân lại than van tham nhũng khắp nơi, nhất là “tham
nhũng vặt”.
Bằng
chứng đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng nói ra: “Các vụ án tham nhũng
vặt lâu nay đã nói rồi, nhưng bây giờ cũng cần chọn một vài điểm tiêu
biểu, xử một vài vụ. Nó như “ghẻ ruồi” rất khó chịu, làm cho người ta
mất lòng tin, đặc biệt là các cơ quan hành chính, xin giấy tờ, cảnh sát
giao thông phạt tiền có đáng phạt hay không, dấm dấm giúi giúi, tham
nhũng vặt gây mất lòng tin, giấy tờ ngâm lại, hẹn người ta bắt đi lại
nhiều lần khó chịu. Một điểm nữa là chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo
riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của
Ban Chỉ đạo, cũng phải xử một vài chỗ nào hẹn thời gian không làm được
bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp“. (Theo VOV (Voice
of Vietnam), ngày 10/11/2018)
Vì
vậy, ông Trọng mới thừa nhận trong bài viết: “Công tác xây dựng Đảng và
hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập; năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế”.
PHÁT HUY HAY THANH TRỪNG?
Nói
thế nhưng ông Trọng lại giấu tiệt những “yếu kém, bất cập”. Ông cũng
không dám cho dân biết các tổ chức đảng và đảng viên đã “thiếu khả năng
lãnh đạo” và “mất sức chiến đấu” đến mức độ nào?
Nhưng
ông lại hồ hởi hô hào: “Phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí
tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo sự đoàn kết, thống nhất
trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; củng cố, nâng cao niềm tin của
cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng”.
Nói
“dân chủ” mà dân “không được làm chủ” , hay khoe đảng có “trí tuệ” mà
dân lại không đồng tình với đảng như nhà nước tuyên truyền bấy lâu nay
thì những điều ông Trọng nói chỉ giá như cái xác không hồn.
Vì
vậy, khi nghe ông Trọng ra lệnh “Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên
phải xác định đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách
nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội” là
ta đã thấy rõ ông đã vẽ đường cho hươu chạy.
Kinh
nghiệm qua các kỳ Đại hội đảng, địa phương và trung ương, đều đã có
những màn chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu nhan nhản ra đấy. Những
chuyện trao đổi, giằng co tại Đại hội đảng kỳ X dưới thời Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh là một tỷ dụ điển hình khi có hàng loạt con ông cháu cha
được vào Trung ương.
Do đó, từ năm 2018, ông Trọng đã cảnh giác việc mua quan bán tước và lời ích nhóm đang lao xao đó đây.
Một
lần nữa ông bảo các đảng bộ địa phương phải: “Kiên quyết không để lọt
vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy
quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, ” “tự
chuyển hóa, ” quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu
quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống
thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
Quan
trọng hơn, ông Trọng còn ra lệnh: “Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông
tin, nắm chắc cán bộ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được
cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp
ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị
nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và nhân sự
lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh, thành phố”.
Nhưng
thế nào là “có vấn đề chính trị”? Phải chăng đó là những người từng
công khai phê bình, chỉ trích lãnh đạo cấp cao; hay họ là thành phần cán
bộ, đảng viên đã mạnh dạn chỉ trích việc đảng tiếp tục sai lầm đi theo
Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh; hoặc là thành phần
đòi phải “đổi mới chính trị” để dân được tự do bầu ra một chính phủ
thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Hay là, có cả những người đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo độc quyền của đảng trong Điều 4 Hiến pháp?
CÁI KHÓ TRƯỚC MẮT
Nghi
vấn thì nhiều, nhưng khó mà biết được thâm ý của ông Nguyễn Phú Trọng
khi ông đặt ra tiêu chuẩn “có vấn đề chính trị”, ngay cả với cấp địa
phương. Vậy đối với cấp Trung ương thì sao?
Hãy
đọc những dòng sau đây của ông để đoán xem ông định “vặn cổ” những ai
trong đảng: “Thực tế thời gian qua, nhiều cấp ủy đã thể hiện tinh thần
quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đổi mới,
tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt, đời sống vật chất, tinh
thần của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn cấp ủy chưa khẳng
định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ
lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; có biểu hiện
“trên nóng dưới lạnh, ” “trên có chính sách, dưới có đối sách;” dù có
điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được
tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí còn để xảy ra
tiêu cực, vi phạm pháp luật”.
Nói
mạnh như thấy, nhưng người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN lại không quên
chơi bài đổ tội để che cái yếu kém của chính mình mà không cần bằng
chứng.
Ông
Trọng viết: “Kinh nghiệm cho thấy quá trình chuẩn bị đại hội cũng là
thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất
mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết
liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự.
Báo
chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy
mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và
những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội,
Internet, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của
Đảng. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân
tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tích cực,
có hiệu quả vào thành công của đại hội”.
Tóm
lại, chỉ thị và lập luận của ông Trọng dành cho các Đại hội đảng địa
phương cũng chẳng mới mẻ gì. Toàn là những chuyện của bản cũ sao lại từ
một lãnh đạo có tư duy đất sét ở thế kỷ 21.
Vậy
viễn ảnh của thành phần nhân sự đảng khóa XIII có hy vọng tốt hơn các
khóa trước không, hay cũng chỉ cá đối bằng đầu mà thôi?
Phạm Trần
(Dân Làm Báo)
Không có nhận xét nào