Ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư
đảng Cộng Sản Việt Nam, kiêm chủ tịch nước – đột ngột xuất hiện đợt hai,
sau hơn một tháng vắng mặt trên truyền thông. Lần này để chủ trì một
hội nghị đặc biệt bàn về nhân sự của Đại hội 13, dự kiến diễn ra năm
tới. Đáng chú ý trong đợt xuất hiện ngày 21/06/2019 này là hình ảnh ông
Trọng dắt tay ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, nhân vật số
hai của Đảng.
Ông Nguyễn Phú Trọng (giữa) cùng một số thành viên lãnh đạo Việt Nam, bên lề cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản, Hà Nội, ngày 21/06/2019. Ông Trần Quốc Vượng (thứ hai phải qua). |
Lãnh
đạo Việt Nam đột nhiên biến mất ngày 14/04/2019 sau một chuyến công tác
tại một tỉnh miền nam, với lý do sức khỏe. Một số thông tin không chính
thống khẳng định ông Trọng bị liệt nửa người. Nguyễn Phú Trọng đã không
thể làm trưởng ban lễ quốc tang cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, ngày
03/05, như thông lệ. Đúng một tháng sau, ông Trọng trở lại chủ trì liên
tục ba cuộc họp quan trọng của Đảng, nhưng rồi lại biệt tăm.
Điểm
nổi bật trong đợt tái xuất lần hai của Nguyễn Phú Trọng là hình ông
Trọng nắm tay ông Vượng, nằm ở trung tâm bức ảnh, hoàn toàn tương phản
với hình ảnh ông Vượng gần như đơn độc trong ngày quốc tang Lê Đức Anh.
Nhiều người phỏng đoán bức ảnh nói trên là một bằng chứng nữa cho thấy
Nguyễn Phú Trọng có thể chọn Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm. Từ Nhà
Trang, nhà báo Võ Văn Tạo trả lời phỏng vấn RFI về một số điểm đáng lưu ý
của đợt xuất hiện lần thứ hai của Nguyễn Phú Trọng, kể từ ngày
14/04/2019.
***
Trước hết, theo ông, sức khỏe ông Trọng ra sao với đợt tái xuất hiện thứ hai này ?
Theo
clip thì thấy ông ấy đang đi cùng một số thành viên Bộ Chính Trị. Tay
thì lần trước nhiều người cho là bị liệt một bên, tức bên vung vẩy ít.
Lần này tay vung liên tục. Xem clip thấy có thể nói phục hồi khá tốt.
Người
ta phải cố tình đưa ra các hình ảnh để khẳng định sức khỏe của ông ấy
tốt. Nếu không phải vì lý do sức khỏe, trên mạng đồn đoán…, thì với
những cuộc họp như thế này, họ chỉ cần một cái ảnh thôi. Một cái ảnh
chụp tĩnh tại ngồi với Bộ Chính Trị, của Thông tấn xã, là xong rồi. Việc
họ làm cái clip này là hơi bất thường. Kỳ này thì rõ ràng là có ý đồ.
Anh em phóng viên họ cũng muốn như thế, và những người thân cận với ông
ấy cũng muốn tạo điều kiện cho phóng viên thu được hình.
Sức
khỏe của ông ấy là một việc thôi, nhưng điều quan trọng là các hoạt
động của bộ máy chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay để chuẩn bị
cho kỳ Đại hội thứ 13. Kỳ họp Bộ Chính Trị ngày 21/06, theo những gì
được họ công bố, có hai nội dung tương đối lớn. Thứ nhất là Bộ Chính Trị
đã phê duyệt nội dung quy hoạch (Ban Chấp Hành Trung ương khóa tới)
khoảng 250 người. Và thứ hai là phổ biến kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn
Hiến, cựu đô đốc, cựu tư lệnh Hải Quân.
Ông nhận xét gì về nội dung thứ nhất ?
Cách
đây nhiều năm rồi, có nhiều ý kiến trong cán bộ, đảng viên cao cấp
không tán thành việc nhân sự của kỳ Đại hội sau, nhiệm kỳ sau, lại do
ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước sắp đặt. Tôi đọc được khá nhiều thông tin
trên mạng, kể cả bằng chữ viết tay, hoặc đánh máy, có ký tên. Họ cho
rằng nhiệm kỳ nào phải chịu trách nhiệm trước Đảng, cũng như trước dân
nhiệm kỳ đó.
Muốn
hay không họ cũng nằm trong ban lãnh đạo của Đảng, mà Đảng thì dẫn dắt
công việc của đất nước. Mọi thành công hay thất bại, nên hay là hư, thì
họ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng mà, vì nhân sự do nhiệm kỳ trước
chuẩn bị và quy hoạch, cho nên nếu thất bại, thì rõ ràng là những người
(trong ban lãnh đạo) của nhiệm kỳ đó, họ phải chịu hậu quả của nhiệm kỳ
trước. Họ cho như thế là « bất công ».
Họ
cho rằng cái đó nên để Đại hội mở đầu nhiệm kỳ đó, họ tự xây dựng, quy
hoạch cái đội ngũ cán bộ. Mà cái chuyện cán bộ là mấu chốt của việc
thành công hay không của mọi công việc thì tôi không biết ở các nước
khác như thế nào, nhưng ở Việt Nam, thì đảng Cộng Sản Việt Nam luôn nhấn
mạnh vai trò cán bộ : Cán bộ là quyết định.
Lý do phản đối việc lãnh đạo Đảng khóa trước chỉ định lãnh đạo khóa sau ?
Tôi
nhớ có Quyết định 244 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản, cách
nay vài năm rồi (2014), lúc ông Nguyễn Phú Trọng đã là tổng bí thư. Tự
nhiên có quyết định là những người ủy viên Trung ương Đảng của nhiệm kỳ
này, khi ra trước Đại hội nhiệm kỳ sau, không được phép tự đứng ra ứng
cử, hoặc giới thiệu người khác, mà phải tuân thủ quy hoạch của nhiệm kỳ
trước (điều 13 – Quyết định 244).
Có
nhiều ý kiến phản đối. Có những người lão thành, về hưu, vốn nằm trong
Tứ trụ (tức bốn cương vị lãnh đạo cao nhất : tổng bí thư, chủ tịch nước,
thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội) cũng không tán thành. Có đơn thư phản đối
hẳn hoi, đưa lên mạng. Phản đối là đã vi phạm Điều lệ Đảng, ghi rất rõ
là bất cứ đảng viên nào, không vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng, thì đều
có quyền ứng cử và bầu cử một cách tự do.
Nhưng
nhìn chung, việc nhân sự khóa trước sắp xếp cho khóa sau là chuyện bất
biến, (riêng về trường hợp Quyết định 244) họ sợ thế này : Quy hoạch
nhân sự cho kỳ sau, của tiểu ban tổ chức, không được lòng tất cả mọi
người, có những đại biểu không đồng ý, cho nên họ phải ra nghị quyết để
ngăn chặn. Nói một cách dân dã là để « bịt mồm nhau ».
Những
người phản ứng họ cũng có lý. Họ căn cứ vào Điều lệ, họ tin vào hàng
nghìn người đi dự Đại hội Đảng. Họ tin là hàng nghìn người vẫn sáng suốt
hơn là một tiểu ban nhân sự nào đó, chỉ gồm vài chục người.
Từ
lâu đã có sự phản đối này rồi. Từ năm 1982, đại tướng Võ Nguyên Giáp
đứng lên giữa hội trường Đại hội V, chính xác từng lời tôi không nhớ,
nhưng đại ý là đề nghị từ nay Đại hội Đảng phải làm theo đúng nghĩa của «
Đại hội », chứ không phải làm theo kiểu « Tiểu hội ». Tại sao lại có sự
phản đối này ?
Từ
suốt những nhiệm kỳ xa xưa cho đến Đại hội V, vẫn có truyền thống là
ban lãnh đạo khóa trước, thường nhân danh Bộ Chính Trị hay tổng bí thư,
đi làm việc với từng tổ đảng, phái đoàn của các địa phương, bộ ngành….
Họ sắp xếp đâu đấy rồi, khi ra trước Đại hội rồi chỉ là hình thức thôi,
mọi chuyện đã được giải quyết bằng các cuộc họp trù bị giữa ban lãnh đạo
nhiệm kỳ trước với từng đoàn đại biểu đi dự Đại hội nhiệm kỳ sau. Cái
nếp đó cho đến nay không có gì thay đổi.
Còn về việc tước các chức vụ trong quá khứ của cựu tư lệnh Hải Quân ?
Việc
cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Hiến, cách hết mọi chức vụ từ hồi ông
ấy còn làm tư lệnh (2009-2016) là điều rất dở. Tôi theo dõi cũng không
thấy có việc cách các chức vụ trước đó ở các nước « xã hội chủ nghĩa ».
Đã về hưu rồi lại cách các chức trước đó. Trước đó, đã có một số trường
hợp. Tôi thấy điều này cũng lạ.
Cách
chức là xử lý về mặt hành chính, còn các kỷ luật trong nội bộ Đảng là
về mặt Đảng, tức đảng phái. Nếu một quốc gia thượng tôn pháp luật, thì
cứ căn cứ vào pháp luật mà làm. Anh về hưu rồi, nhưng nếu phát hiện ra
các việc vi phạm pháp luật, thì tôi vẫn lôi anh ra vành móng ngựa xử lý
như thường. Không hiểu vì sao từ một vài năm trở lại đây, lại có các
hình thức cách các « tư cách » từ trước.
Có
một số lý do thế này… Ở Việt Nam, thì có thể một số người sống ở nước
ngoài không nắm vững, chúng tôi ở trong nước biết là những ông cán bộ về
hưu có cỡ, đều có chế độ kèm theo (một năm nghỉ mát bao nhiều ngày,
công vụ thế nào, phụ cấp ra sao, có lính cận vệ, ô tô hay không…). Có
thể họ xử lý như thế, thì những quyền lợi nói trên sẽ bị mất. Và về một
góc độ nào đó, cũng giống với thời phong kiến, khi một quan lại cấp cao
bị một cái phốt, khuyết điểm nặng nề, thì cũng bị xử lý những hàm tước
đã phong rồi. Cách làm hiện nay cũng có thể bị ảnh hưởng cả từ phong
kiến.
Bức ảnh chụp nói lên điều gì ?
Trong
hình ảnh họp Bộ Chính Trị vừa rồi, có khoảng gần chục người đang đi bộ.
Trong bức ảnh này, ông Nguyễn Phú Trọng dắt tay ông thường trực Ban Bí
Thư Trần Quốc Vượng, phía sau lấp ló gương mặt của ông Nguyễn Xuân Phúc
(thủ tướng). Mà những ai để ý, trong đám tang ông Lê Đức Anh rơi vào
ngày 3/5, tại đám tang đó, ông Trọng không xuất hiện với tư cách trưởng
ban lễ tang, mà đại diện cho Trung ương Đảng là ông Nguyễn Xuân Phúc
(thủ tướng) (đồng thời làm nhiệm vụ của trưởng ban lễ tang), chứ không
phải ông Trần Quốc Vượng.
Theo
đánh giá của tôi, nếu ông Trọng không muốn làm nữa (hoặc do sức khỏe
không cho phép), ông sẽ chọn người kế vị là ông Trần Quốc Vượng. Lý do
là hai người có nhiều nét giống nhau, xuất thân từ… giáo điều, say sưa
chủ nghĩa xã hội, lý thuyết Mác Lê. Còn những người khác, thì lúc này,
lúc khác nói để chứng tỏ là mình là cán bộ của Đảng, nhưng thực tế không
phải nặng nề về cái đó lắm.
Có
thể ông Trọng quan niệm là, bây giờ muốn cứu cái Đảng này thì phải trị
nạn tham nhũng quá nặng nề, ông Vượng có thể sẽ làm tốt điều này… Đặc
biệt từ khi ông Vượng phụ trách Ủy Ban Kiểm Tra, rồi thường trực Ban Bí
Thư, thì các đảng viên cao cấp tham nhũng bị xử lý rất nhiều. Tôi tin là
trong những việc này, ông Vượng là người làm chủ yếu, chứ không phải
ông Trọng. Có lẽ bức ảnh nói trên nói lên ý đồ của ông Trọng. Thực tế
thế nào còn phải theo dõi tiếp.
Nếu ông Trần Quốc Vượng trở thành người kế nhiệm thì sao ?
Nếu
ai quan tâm đến lợi ích của đất nước, thì có thể thấy là ban lãnh đạo
đảng Cộng Sản Việt Nam đã bất chấp thực tiễn diễn ra trong khối các nước
cộng sản. Rõ ràng là khối các nước « xã hội chủ nghĩa » do thiết kế
chính trị rất sai lầm, cho nên Liên Xô, quê hương cách mạng tháng 10
1917, đã hơn 100 năm, cách nay gần một phần ba thế kỷ đã quăng « chủ
nghĩa xã hội » vào sọt rác, cùng hàng loạt các nước Đông Âu. Còn những
anh ở châu Á, châu Mỹ, mang cái chữ là « xã hội chủ nghĩa », hoặc ban
lãnh đạo còn mang chữ « cộng sản », nhưng thực tế, để tồn tại được họ đã
xa lánh rất nhiều lý thuyết cộng sản. Hầu hết các nước như Trung Quốc,
Việt Nam đều từ bỏ. Những anh nào quyến luyến bám chặt lấy những nguyên
tắc đó, như Bắc Hàn chẳng hạn, thì còn nghèo nữa. Nếu như ông Vượng vẫn
đi theo đường lối đó, vẫn say sưa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng, thì
cơ hội cho đất nước mình chuyển biến, cất cánh là rất khó. Bị xiềng
xích, bị mang cái vòng kim cô Mác Lê, thì rất mệt, chỉ để lại những điều
không hay ho gì cho đất nước mình, dân mình.
Các
nước mang danh « chủ nghĩa xã hội » (1) càng bỏ xa các nguyên tắc của
chủ nghĩa xã hội thì càng đỡ khổ bấy nhiêu, về kinh tế cũng như xã hội
bớt căng thẳng. Trước đây ai cũng biết Việt Nam đã có xuất khẩu nông sản
tuy không nhiều lắm. Rõ ràng khi bắt đầu hợp tác hóa nông nghiệp, lấy
toàn bộ đất đai cho Nhà nước nắm, trước hết là hợp tác hóa giống như mô
hình Staline, thì Việt Nam đói. Cứ mỗi năm phải nhập vài triệu tấn lương
thực. Thế nhưng khi ông Kim Ngọc, tỉnh Vĩnh Phú, bí mật cho khoán hộ
gia đình, không phải ăn chung làm chung nữa, thì bắt đầu khá lên. Ban
đầu ông bị kỷ luật, sau này, ban lãnh đạo Đảng mới nhận ra là mấy chục
năm trời hợp tác hóa là việc rất ngu dại, mới thừa nhận ông Kim Ngọc, và
sau này trả lại ruộng đất cho nông dân. Rõ ràng anh đã bỏ các nguyên
tắc của chủ nghĩa xã hội do Matxcơva áp đặt.
Tương
tự, từ 15 đến 20 năm trở lại đây, có xu thế cổ phần hóa. Đầu tiên trong
thương nghiệp, một số ngành không quan trọng, rồi tiến tới các nhà máy
làm ăn không hiệu quả. Tức là càng xa rời nguyên tắc các tư liệu sản
xuất phải do Nhà nước nắm hoàn toàn, thì… khá hơn. Cổ phần hóa xong, nhà
máy làm ăn khá lên… Việt Nam, Trung Quốc không sụp đổ ngay vì đã biết
xa rời các nguyên tắc « rất ngu xuẩn ». Tôi nói chính xác là các nguyên
tắc vốn được cho là khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa xã hội, của chủ
nghĩa cộng sản, những năm 1950-1960 ấy, là « ngu xuẩn »…
Việt
Nam trong những năm gần đây đã có những bài học bằng máu, những tổng
công ty 91, tập đoàn kinh tế của Nhà nước, đụng đến ông nào ông ấy thua
lỗ hàng mấy trăm ngàn đô la. Bây giờ, các ông vẫn còn cố gắng níu kéo
cái đó. Tôi cho rằng ông Trọng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết cổ
xưa. Có khả năng ông Vượng cũng bị ảnh hưởng bởi cái đó, níu giữ cái
đó.
Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo
Ghi chú
1-
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm : Khối « xã hội chủ nghĩa » do Liên Xô
lãnh đạo cũng dùng từ « xã hội chủ nghĩa », nhưng họ cho rằng « xã hội
chủ nghĩa » chẳng qua chỉ là giai đoạn ban đầu, sau này phải tiến lên «
chủ nghĩa cộng sản ». Với những nước đó, cả xã hội giống như trại lính,
tự do cá nhân bị thủ tiêu, tất cả đều ghép vào ý chí tập thể, tức ý chí
của người lãnh đạo. Với các nước trong khối này, tên của đảng lãnh đạo
có thể khác nhau (đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng xã hội chủ nghĩa
thống nhất…), nhưng phải lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm lý tưởng, phải công
hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất chính, và đa số nền kinh tế phải là
công nghiệp nặng. Cái chủ nghĩa xã hội này rất khác với lập trường của
các đảng phái cũng mang tên là « xã hội chủ nghĩa » ở các nước châu Âu
(ví dụ Liên đảng xã hội chủ nghĩa châu Âu - The Party of European
Socialists / PES, gồm hơn 30 chính đảng thành viên theo lập trường xã
hội – dân chủ, hiện kiểm soát 191 ghế dân biểu Nghị Viện Châu Âu).
(Phỏng vấn do Trọng Thành thực hiện)
(RFI)
Không có nhận xét nào