Hồ Chí Minh để lại di chúc mong muốn
được hoả táng sau khi qua đời. Nhưng thực tế hiện nay là người dân đang
phải đóng thuế để nhà nước… làm trái di nguyện này, với một khoản kinh
phí tương đương ít nhất một bộ.
Ngân sách vận hành Lăng Hồ Chí Minh tương đương ít nhất một Bộ |
Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tức là
bốn năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời, và khánh thành ngày 29/8/1975. Lăng
được đặt tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi chứng
kiến nhiều sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Kinh phí để vận hành quần thể này, cho đến nay, vẫn không thực sự rõ ràng, nhưng chúng ta có ít nhất một con số để ước đoán.
Ngân sách duy trì bộ máy quản lý lăng là bao nhiêu?
Những
gì công chúng biết hiện nay là có một cơ quan hỗn hợp vận hành quần thể
lăng Hồ Chí Minh. Đó là Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BQL
Lăng), một cơ quan thuộc chính phủ (nghĩa là tương đương cấp bộ), phối
hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng của Bộ Quốc phòng và Trung đoàn 375, Bộ
Tư lệnh Cảnh vệ K10 của Bộ Công an.
Hai
đơn vị vũ trang của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an này được gọi là “cơ
quan chuyên trách phối thuộc”, nằm trong cơ cấu BQL Lăng. Nghĩa là Bộ
Quốc phòng và Bộ Công an cho BQL Lăng mượn hai đơn vị này. Không rõ cách
thức tổ chức bộ máy này dựa trên cơ sở nào và cơ chế làm việc của họ ra
sao. Nghị định 18/2018/NĐ-CP là văn bản quy định về BQL Lăng nhưng cũng
rất vắn tắt, không cung cấp chi tiết nào để lý giải được chuyện này.
Theo
số liệu dự toán ngân sách nhà nước do chính phủ công bố, ngân sách cho
BQL Lăng đã tăng từ 157,300 tỷ đồng năm 2010 lên tới 318,730 tỷ đồng cho
năm 2016.
Đây
cũng là hai năm công khai thống kê về BQL Lăng trong dự toán chi Ngân
sách Trung ương, trong chuỗi 13 năm thực hiện công khai dự toán chi Ngân
sách trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Như
vậy, khoản tiền hơn 318 tỷ đồng này cao hơn ngân sách cùng năm 2016 của
Uỷ ban Dân tộc (209,920 tỷ), Thanh tra Chính phủ (214,795 tỷ), Đài
Truyền hình Việt Nam (299,970) và Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc
Việt Nam (92,435 tỷ).
Việc
hai bộ Quốc phòng và Công an có chi cho công tác duy trì các lực lượng
vũ trang trong BQL Lăng hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Con số chi
tiêu ngân sách của hai bộ này hiếm khi được công khai. Số liệu gần nhất
có thể tìm được trong việc sử dụng ngân sách của Lăng, là thông tin từ
Cổng Thông tin của Thanh tra Bộ Tài chính, nêu “gương sáng” giải ngân
vốn đầu tư công nhanh chóng của BQL Lăng với tỷ lệ trên 57% trong bốn
tháng đầu năm 2019, tuy nhiên vẫn không có con số chi tiết.
Đương kiêm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Ban quản lý lăng hồi năm 2017. Có thể thấy dàn lãnh đạo của BQL đều là sĩ quan quân đội – công an. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Ban quản lý lăng hoạt động ra sao?
Ban
quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có chức năng giữ gìn lâu dài, bảo vệ
tuyệt đối an toàn thi hài Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, nghi
lễ, tổ chức các hoạt động tại lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm
các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ
Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội (còn gọi là Khu Di
tích K9) và các công trình, kiến trúc có liên quan; tổ chức thực hiện
các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
Trưởng
BQL Lăng chính là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng do Thủ tướng Chính phủ
bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ và pháp luật về mọi mặt hoạt động của BQL.
Bộ
Tư lệnh Bảo vệ Lăng được thành lập theo Quyết định số 109/QĐ-QP ngày
14/5/1976 của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền
thân là Đoàn 69).
Theo
Nghị định 18/2018 Chính phủ và Thông tư 52/2017/TT-BQP của Bộ Quốc
Phòng, đây là đơn vị có trách nhiệm tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng và BQL Lăng về chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ
giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
bảo đảm an ninh trật tự và tổ chức đón tiếp nhân dân, khách quốc tế đến
viếng, tưởng niệm tại các địa danh thuộc cụm di tích.
Đồng
thời, đây là cơ quan chuyên trách phối thuộc giúp BQL Lăng trong việc
chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt và tổ chức các sinh hoạt
chính trị, văn hóa nhằm tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa
của công trình lăng; xây dựng, quản lý, chỉ huy các cơ quan, đơn vị
thuộc quyền.
Vị
trí trưởng và hai phó BQL Lăng đều là các sĩ quan cấp cao (Đại tá và
Thiếu tướng) thuộc Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an, đồng thời là ủy viên
thường vụ đảng ủy của các cơ quan này.
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng hiện có 12 cơ quan trực thuộc và năm đơn vị cơ sở trực thuộc.
Hoàn toàn trái luật
Ngày
18/6/1973 tại buổi lễ tháo dỡ lễ đài cũ để xây dựng lăng, Chủ tịch Quốc
hội Trường Chinh đã phát biểu: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời
đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch (..) kiên quyết thực hiện Di chúc thiêng liêng
của Người và tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.”
Có
lẽ ông Chinh đã quên đi một điều, lúc sinh thời Hồ Chí Minh đã có di
chúc mong muốn được hỏa thiêu sau khi mất, và tro cốt được chia ra ở ba
miền. Tuy nhiên, bản di chúc do Bộ Chính trị công bố năm 1969 chỉ lấy
nguyên văn đoạn Hồ Chí Minh viết về bản thân, trừ đoạn nói về hỏa táng.
Đảng đã tự ý làm trái di chúc của Hồ Chí Minh và theo lời Trường Chinh,
đã “quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng Bác
tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để mọi người có thể đến viếng và chiêm
ngưỡng…”.
Quyết
tâm này của Bộ Chính trị nhằm phục vụ mục tiêu tuyên truyền và truyền
bá các tư tưởng của vị lãnh tụ. Nếu nói việc hiểu biết, học tập và vận
động theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được nhân rộng, thì nhân dân
cũng cần được biết về những thông tin khác liên quan đến việc trưng bày
di thể của ông, bao gồm cả việc vận hành một bộ máy đồ sộ để bảo quản
một thi hài suốt 50 năm qua và nhiều năm tới.
Mặt
khác, việc tự ý làm trái di chúc, xâm phạm thi thể người đã chết là
hành vi trái pháp luật Việt Nam hiện hành. Việc tự ý dùng tiền thuế của
người dân để làm một việc trái pháp luật như vậy cần phải chấm dứt và
cần truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan.
(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào