Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 15 tháng 6 năm 2019

    Chính quyền Hồng Kông có thể sẽ phải nhượng bộ người biểu tình

    Một số quan chức Hồng Kông, hôm thứ Sáu (14/6), đã đề nghị chính quyền đặc khu nên hoãn thảo luận về dự luật dẫn độ, nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ trong tuần này, theo Nikkei.

    Bernard Chan, một thành viên chủ chốt của chính quyền đặc khu, nói rằng “không thể” tiến hành thảo luận về dự luật. Ông Chan nói với đài truyền hình RTHK rằng giới chức của hòn đảo cần phải suy nghĩ về những việc cần làm tiếp theo.

    “Ý kiến cá nhân của tôi là không thể tiếp tục thảo luận về dự luật khi phe đối lập quá quyết liệt”, ông Chan nói. “Chính quyền không được làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với phe đối lập trong những ngày này. Tôi thực sự không muốn thấy nhiều cuộc đụng độ”.

    SCMP cho hay, một số cố vấn uy tín đã nói với đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam, rằng không nhất thiết phải thông qua dự luật này vào tháng Bảy, như kế hoạch ban đầu.


    Người Mỹ vẫn tăng chi tiêu, bất chấp thương chiến với Trung Quốc

    Bất chấp thương chiến căng thẳng, người dân Hoa Kỳ vẫn tăng cường chi tiêu vào tháng Năm, một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, theo WSJ.

    Doanh số bán lẻ, tại các cửa hàng, nhà hàng và thông qua internet, đã tăng 0,5% trong tháng 5 so với một tháng trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu.

    Tổng doanh thu cũng tăng 0,3% trong tháng 4, trái ngược với ước tính trước đó của Bộ Thương mại, dự đoán con số này sẽ giảm 0,2%, điều này cho thấy dấu hiệu chi tiêu theo hộ gia đình ở Mỹ rất mạnh vào mùa xuân.

    Mexico sẽ đề nghị G-20 để mắt tới vấn đề người di cư

    Ngoại trưởng Mexico, Marcelo Ebrard, cho biết hôm thứ Sáu rằng ông sẽ có phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tháng này để yêu cầu các quốc gia thành viên lưu ý về số lượng lớn người di cư từ Trung Mỹ đi qua Mexico, theo Reuters.

    “Chúng tôi sẽ trình bày một tài liệu cho nhóm xem xét … về cơ bản, yêu cầu họ lưu tâm đối với cuộc khủng hoảng [di cư] chúng tôi gặp phải ở Trung Mỹ”, ông Ebrard nói tại một phiên điều trần tại Thượng viện Mexico.

    Mexico tuần trước đã đồng ý với Hoa Kỳ về việc thực thi các biện pháp kiểm soát người di cư Trung Mỹ chặt chẽ hơn nhằm tránh bị Mỹ đánh thuế cao đối với hàng xuất khẩu của họ.


    Mỹ tiếp tục khẳng định Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu

    Hoa Kỳ hôm thứ Sáu tiếp tục khẳng định Iran là thủ phạm tấn công hai tàu chở dầu ở vịnh Oman hôm thứ Năm, và cho biết họ đang tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế về mối đe dọa đối với việc vận chuyển dầu, theo Reuters.

    “Iran đã làm điều đó và bạn biết đấy họ đã làm vì bạn nhìn thấy một chiếc thuyền”, Tổng thống Trump nói với hãng tin Fox New, đề cập tới một video được công bố hôm thứ Năm bởi quân đội Hoa Kỳ cho thấy Vệ binh Iran xuất hiện trên một chiếc thuyền gần vụ tấn công hai chiếc tàu chở dầu ở vịnh Oman.

    Trong khi đó Iran phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nói rằng video mà Lầu Năm Góc cho công bố không chứng minh được điều gì.


    Người tị nạn Venezuela dồn tới biên giới Peru


    Hàng ngàn người Venezuela đã đổ xô đến biên giới phía bắc của Peru vào thứ Sáu với hi vọng được chấp nhận tị nạn, trước khi nước này áp các quy định khắt khe hơn đối với người nhập cư vào rạng sáng hôm sau, theo Reuters.

    Nền kinh tế của Venezuela sụp đổ dưới thời Nicolas Maduro đã tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latinh trong những năm qua, buộc các quốc gia như Peru – một quốc gia đang phát triển với 32 triệu dân – phải vật lộn với vấn đề người nhập cư chưa từng thấy.

    Reuters cho hay, đoàn người di cư Venezuela mệt mỏi, trong đó có nhiều trẻ em, đã đến thị trấn biên giới Tumbes của Peru từ Ecuador vào thứ Sáu, trước khi chính quyền Peru đặt ra yêu cầu mới, bắt đầu vào ngày 15/6, người di cư Venezuela phải có thị thực và hộ chiếu hợp lệ mới được nhập cảnh.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào