Vì sao một dự luật dẫn độ hình sự có
thể tạo ra bầu không khí « tổng nổi dậy » ở Hồng Kông, một nhượng địa
sắp trở về Hoa Lục vào năm 2047 ? Gọng kềm của Bắc Kinh, từ kiểm soát
không gian chính trị, trừng phạt tù đày, hay bắt cóc hù dọa tinh thần
đều không bịt miệng được người dân Hồng Kông. Sức mạnh của tinh thần yêu
chuộng tự do bắt đầu thắng thế.
Một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông ngày 13/06/2019: "Không chấp nhận việc dẫn độ qua Trung Quốc". |
Theo
AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh
Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu
tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân
Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn « tối cao » Bernard Chan của
chủ tịch hành pháp kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ.
Dự
luật này bị đối lập xem là bẫy lừa của Bắc Kinh, can thiệp vào thẩm
quyền của tư pháp Hồng Kông, để truy bắt những người bất đồng chính
kiến, đối lập chính trị hoặc đảng viên ly khai. Nói cách khác là tước
đoạt quyền tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông, chà đạp lời hứa « một
quốc gia, hai chế độ » mà Đặng Tiểu Bình cam kết với Anh Quốc và người
dân địa phương trong khi đàm phán thỏa thuận 1997.
Từ
2014 đến nay, chính quyền Tập Cận Bình dứt khoát không cho tổ chức bầu
trưởng đặc khu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, mà phải do 1200 đại cử
tri được chỉ định và phải được Bắc Kinh cho phép. Phong trào Dù Vàng
bùng lên vào thời điểm đó, nhưng sau hai tháng làm tê liệt thành phố,
đối lập không đòi được đáp ứng nguyện vọng « bầu cử tự do ».
Phong
trào dân chủ tưởng đâu chìm xuống. Những cuộc kỷ niệm ngày ký hiệp định
01/07/1997, hàng năm, hay tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn 04/06 chỉ
huy động từ vài ngàn đến hai chục ngàn là nhiều. Một loạt các lãnh tụ
sinh viên và đối lập bị bắt, bị kết án tù.
Thế
nhưng, tình hình có vẻ đổi khác. Đêm tưởng niệm Thiên An Môn đông người
tham dự hơn. Tiếp theo là phong trào chống luật dẫn độ đã huy động mọi
tầng lớp xã hội, từ luật gia cho đến thương gia, sinh viên học sinh, thu
hút hơn một triệu người.
Sự kiện này cho thấy một thế hệ đấu tranh này chưa gục xuống, một thế hệ khác đã vùng lên cũng vì tự do.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài phóng sự :
"Tuổi
trẻ Hồng Kông đã áp dụng bài học chính trị đặc biệt là bài « bất phục
tùng dân sự », bằng cách tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014. Nhưng
lần đấu tranh này, với cuộc xuống đường ngày thứ Tư vừa qua, có một
động cơ nghiêm trọng hơn thúc đẩy họ.
Một
nhóm sinh viên giải thích : « Phong trào Dù Vàng lúc trước chỉ đòi
quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Bây giờ, chúng
tôi chỉ đòi không bị rủi ro dẫn độ sang Trung Quốc ». Một sinh viên khác
nói : « Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng
Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng
đến ». « Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có
gì cho tương lai chúng tôi ». « Tương lai chúng tôi là quyền lợi của
chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu ».
Giới
trẻ Hồng Kông ý thức giá trị của tự do, nhất là giá trị đó tương phản
với Hoa Lục láng giềng mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải hội nhập vào
năm 2047. Một sinh viên khẳng định sự khác biệt này : « Chúng tôi muốn
tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình. Các quyền này
đâu được công nhận tại Trung Quốc ».
Nhiều
người cho là cuộc tranh đấu sẽ thất bại, nhưng giới trẻ Hồng Kông, vì
bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vất bỏ thứ tương lai
áp đặt."
Chưa
biết là lãnh đạo hành pháp sẽ phản ứng ra sao trước những ý kiến trong
nội bộ thiên về giải pháp nhượng bộ dân chúng. Nhưng rõ ràng là phong
trào đường phố chống dự luật đã tác động đến "cung đình".
Nhà
nghiên cứu Eric Sautedé, quan sát viên tại chổ, thẩm định : một triệu
người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư
đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần
của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.
(RFI)
Không có nhận xét nào