Header Ads

  • Breaking News

    Hồng Kông: Bắc Kinh không cho phép bà Carrie Lam từ chức

    Một quan chức cấp cao gần gũi với trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh không cho phép bà Lam từ chức thậm chí nếu bà ta muốn làm như vậy, trong bối cảnh làn sóng bất bình với lãnh đạo Hồng Kông dâng cao hơn bao giờ hết.

    Bắc Kinh không cho phép bà Carrie Lam từ chức

    Hôm Chủ nhật 16/6, khoảng 2 triệu người Hồng Kông đã tràn ra đường, yêu cầu chính phủ Hồng Kông hủy bỏ dự luật dẫn độ và bà Carrie Lam phải từ chức. Sự phản kháng của cư dân thành phố đối với dự luật dẫn độ cho phép Bắc Kinh bắt nghi phạm từ Hồng Kông về đại lục xét xử, đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn nhất và bạo lực nhất trong lịch sử của thành phố này.

    Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã phải lùi bước khi thông báo hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ, tuy nhiên không làm cho người biểu tình hài lòng. Họ muốn bà phải từ chức.

    Những người tổ chức biểu tình nói rằng hơn 2 triệu người đã tràn ra đường, mặc đồ đen và hô vang yêu cầu đòi bà Lam phải ra đi.

    Nhưng bất chấp áp lực và tín nhiệm không còn, bà Lam dường như sẽ vẫn tại vị, một quan chức Hồng Kông giấu tên nói với Reuters.

    “Điều đó sẽ không xảy ra”, nguồn tin thân cận với các cuộc họp của lãnh đạo Hồng Kông nói.

    “Bà ta được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương, vì thế để bà ta được từ chức phải có sự thảo luận cân nhắc từ một cấp rất cao và ý kiến từ đại lục”.

    Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông nổ ra trong bối cảnh công luận thành phố vẫn âm ỉ sục sôi vì ý đồ can thiệp ngày càng sâu của Bắc Kinh và các hành vi phá hoại nền tự trị quý giá của đặc khu này, bất chấp lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” năm 1997. Phong trào Ô Dù 2014 đòi quyền lựa chọn lãnh đạo của người Hồng Kông đã thất bại, Bắc Kinh đã có thể đưa những người thân cận của nó như bà Carrie Lam lên cầm quyền. Nay nếu đạo luật dẫn độ được thông qua, Bắc Kinh sẽ có thể nhắm tới bất kỳ một tiếng nói phản kháng nào ở Hồng Kông bằng cách vu cho họ các tội phạm nghiêm trọng khác, như cách mà nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn làm với người bất đồng chính kiến ở đại lục.

    Các cuộc biểu tình ngày càng lớn ở Hồng Kông đang trở thành một cơn đau đầu mới cho giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn đang căng thẳng với cuộc chiến thương mại ngột ngạt với Mỹ và hao tâm tổn trí ở biển Đông, nơi Trung Quốc quyết tâm biến thành “ao nhà”.

    Bà Lam được dựng lên bởi một ủy ban bầu cử mà trong đó các đại diện đều được Bắc Kinh lựa chọn từ trước, sau khi tước đoạt quyền phổ thông đầu phiếu của người Hồng Kông. Reuters nhận định rằng nếu bà Lam từ chức bây giờ, thậm chí nếu được Bắc Kinh đồng ý, thì việc tìm một lãnh đạo mới cũng sẽ ngay lập tức khuấy động cuộc tranh luận về dân chủ trong công luận Hồng Kông, vốn là điều mà Bắc Kinh không mong muốn nhất trong bối cảnh căng thẳng này.

    “Nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn những gì nó giải quyết được, ở mọi cấp độ khác nhau”, nguồn tin của Reuters nói về khả năng Bắc Kinh yêu cầu bà Lam từ chức.

    Trong sự bất tín của người Hồng Kông và một đám đông lớn bằng ⅓ số dân đòi bà từ chức, bà Lam đã chính thức xin lỗi, thừa nhận rằng “sự thiếu sót trong công tác của chính phủ đã dẫn đến tranh cãi và xung khắc to lớn trong xã hội”.

    Nguồn tin của Reuters nói rằng quyết định hoãn lại dự luật dẫn độ đã được đưa ra sau khi được Bắc Kinh đồng ý và khiến nhiều quan chức trong chính phủ Hồng Kông thở phào. Nhưng các nhà phân tích cho rằng động thái lùi bước như vậy sẽ làm suy yếu hình ảnh của ông Tập như một lãnh đạo cứng rắn, mạnh mẽ, người đã chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng đả hổ khét tiếng sau khi cầm quyền năm 2012.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về số phận của bà Lam, đã nhắc lại một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy, khi đó văn phòng Macau và Hồng Kông nói rằng chính phủ trung ương “luôn luôn khẳng định” công tác của bà Lam và “sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ trưởng đặc khu này”.

    Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc can thiệp vào chính trị Hồng Kông và truyền thông nhà nước Trung Quốc tố cáo “các thế lực nước ngoài” đang âm mưu phá hoại Trung Quốc bằng cách tạo ra hỗn loạn về dự luật này.

    Nguồn tin của Reuters cho rằng dự luật bị hoãn là một cách nói tránh, bởi nó cơ bản là đã chết.

    “Hoãn dự luật thực ra có nghĩa là hủy bỏ nó. Sẽ là tự sát chính trị nếu cố gắng đưa nó ra lại lần nữa”, người này nói.

    Vị quan chức này nói thêm rằng các cuộc biểu tình đã phá vỡ hình ảnh chính trị của bà Lam trong mắt Bắc Kinh và “không chắc” bà sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ 2.

    Regina Ip, thành viên của Hội đồng Quản lý thành phố và cố vấn của bà Lam nói với Reuters rằng bà không nghĩ bà Lam sẽ từ chức, bất chấp áp lực liên tục từ người biểu tình.

    Nhưng nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập James To khẳng định bà Lam phải ra đi.

    “Bà ta đã đánh mất cơ hội vàng để thể hiện sự hối hận và vãn hồi tổn thất, nay bà ta đã mất hết tín nhiệm để có thể lãnh đạo”, ông nói.

    Trọng Đức

    Không có nhận xét nào