Header Ads

  • Breaking News

    Hàng hóa Trung Quốc giả mạo “sản xuất tại Việt Nam” để tránh thuế quan của Mỹ

    Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, một số công ty đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc Đại lục sang Việt Nam để tránh mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc. Mới đây, hàng loạt tờ báo lớn như USA Today, Reuters, Bloomberg, Daily Mail… đồng loạt ra các bài viết về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xâm nhập thị trường Mỹ, châu Âu hòng trốn thuế
    Hàng hóa Trung Quốc giả mạo “sản xuất tại Việt Nam” để tránh thuế quan của Mỹ

    Hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam và đội lốt “Made in Vietnam” để xuất khẩu có thể dẫn đến thị trường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt. (Ảnh minh họa từ Getty Images)

    Ông Tạ Điền, giáo sư tại Học viện Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina đã nói với Epoch Times: “Do áp lực của thương chiến Trung – Mỹ, các công ty hay thương nhân Trung Quốc vì để tránh thuế quan, đã chuyển địa điểm xuất khẩu. Nhiều thương nhân địa phương cũng biết đó là hàng hóa Trung Quốc, nhưng vì lợi ích của vụ làm ăn, hay là do nhận hối lộ, nên đã hợp tác với thương nhân Trung Quốc, trực tiếp làm giả nhãn mác cho sản phẩm. Tuy nhiên, những thủ thuật này đã nhanh chóng bị Hải quan Mỹ phát hiện, thông báo vấn đề với phía Việt Nam để chính phủ nước này vào cuộc.”

    Phía Việt Nam cũng đã triển khai hành động trước việc một số hãng sản xuất bất hợp pháp biến hàng hóa Trung Quốc thành hàng “Made in Vietnam”. Các chuyên gia cho rằng, được hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam phải cắt đứt quan hệ thương mại bất hợp pháp này với phía Trung Quốc. Từ quý I/2019, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gia tăng rất mạnh, trong khi lượng hàng hóa từ Trung Quốc xuất sang Mỹ ngày càng giảm.

    Hải quan Việt Nam đã phát hiện một số công ty Trung Quốc, bao gồm các ngành dệt may, hải sản, nông sản, gạch men, thép, nhôm và gỗ… đã xuất khẩu hàng sang Việt Nam, xin chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam một cách bất hợp pháp, sau đó đổi nhãn mác trên bao bì sản phẩm để xuất sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

    Bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan Việt Nam xác nhận có tới hàng chục sự cố hàng hóa có nhãn mác giả như vậy xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Hiện, phía Hải quan Việt Nam đang tiến hành xác định rõ xuất xứ hàng hóa và sẽ có biện pháp trừng phạt các công ty bất hợp pháp đó.

    Trường hợp điển hình được Tổng cục Hải quan nêu ra là việc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu INTERWYSE đã tìm biến hàng trăm ‘củ loa’ và ‘sạc điện thoại’ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc thành nhãn mác “Made in Vietnam.”


    Ông Dương, chủ một công ty xuất nhập khẩu ở Hạ Môn, Phúc Kiến cũng nói với tờ Epoch Times rằng lợi nhuận của các nhà máy xí nghiệp tại Trung Quốc ngày càng ít, nếu như còn phải chịu thuế quan của Mỹ thì sẽ khó có thể sinh tồn được. Và để giải quyết bài toán này, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển hàng hóa sang Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác, từ đó thay đổi nhãn mác xuất xứ sản phẩm để tái xuất khẩu sang Mỹ hay thị trường châu Âu.

    Rõ ràng, nếu như Việt Nam để hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt trong chính thị trường của mình, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Điều này còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Trong một phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 6/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: “Các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế.”

    Trang web của Bộ Tài chính Việt Nam cũng đưa tin: “Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; đảm bảo phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.”

    Nếu như không giải quyết được vấn đề này, theo doanh nhân Đài Loan Cao Vi Bang, Việt Nam thậm chí còn phải đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ, vì mục tiêu cuối cùng của Mỹ không gì khác ngoài thay đổi phương thức thương mại không công bằng của chính quyền Trung Quốc. Ông Cao cũng quan ngại việc Trung Quốc cũng có thể sử dụng Đài Loan làm nơi trung chuyển hàng xuất khẩu.

    Còn theo ông Tạ Điền, kể từ sau khi thương chiến Trung – Mỹ bắt đầu, Việt Nam và Đài Loan đã trở thành hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, và “Nếu họ muốn duy trì lợi ích này, nhất định phải cắt đứt quan hệ thương mại bất hợp pháp với các thương nhân tại Trung Quốc Đại Lục.”

    Minh Ngọc
     
    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào