Header Ads

  • Breaking News

    Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Người Hồng Kông đang phản kháng điều gì?

    Trong vài ngày qua, hơn một triệu người dân Hồng Kông đã tràn xuống đường phố phản kháng một đề xuất dự luật sẽ cho phép chính phủ bán độc lập này chuyển các công dân bị cáo buộc phạm tội tại Trung Quốc Đại lục cho các nhà chức trách cộng sản tại Bắc Kinh.
    Nhiều người dân Hồng Kông biểu tình bị cảnh sát đánh đập. (Ảnh cắt từ Facebook)

    Những người ủng hộ dự luật cho rằng nó sẽ ngăn chặn tội phạm nghiêm trọng lẩn trốn tại Hồng Kông, trốn tránh công lý. Nhưng nhiều người khác (trong đó có cá nhân tôi) nhận thấy luật này là cách để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giới hạn hơn nữa nền tự trị đang ngày càng bị thu hẹp của Hồng Kông và làm câm lặng những tiếng nói chống cộng sản tại thành phố dân chủ này.

    Cuộc biểu tình này được cho là đông đảo hơn các cuộc biểu tình của phong trào ô dù năm 2014 – khi đó có hàng trăm nghìn người Hồng Kông thỉnh nguyện ôn hòa để có thể bầu ra người lãnh đạo họ. (Những cuộc biểu tình đó cuối cùng đã thất bại. Trưởng Đặc khu Hồng Kông được chỉ định bởi một ủy ban bầu cử khoảng 1.200 người và được chỉ định bởi hội đồng nhà nước do Bắc Kinh kiểm soát.)

    Phản ứng trước các cuộc biểu tình hiện tại, cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay, đạn cao su và khí ga vào đám đông. Họ đã dùng dùi cui đánh đập vô số công dân không vũ trang và bắt giữ nhiều người biểu tình. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã hủy một phiên thảo luận dự luận, nhưng lãnh đạo của cơ quan này không thể hiện dấu hiệu rằng họ sẽ hủy bỏ kế hoạch thông qua dự luật.

    Thực tế, tờ New York Times đã báo cáo rằng Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) – đồng minh của ĐCSTQ – “đã so sánh những người biểu tình với những đứa trẻ hư hỏng và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh cho luật dẫn độ.”

    Với những người chưa từng nghiên cứu về thành phố năng động, quan trọng mang tính lịch sử này, nên biết Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh Quốc, nơi đây đã có một hệ thống dân chủ. Điều này không kéo dài. Hồng Kông đã được chuyển về cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng nó duy trì độc lập một phần với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo hiến pháp của thành phố này, Hồng Kông sẽ vẫn duy trì chế độ bán độc lập cho tới năm 2047, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đang làm việc để đẩy nhanh thời gian biểu này.

    Trên hết, Hồng Kông là một pháo đài của nền tự do và dân chủ tương đối nằm ngay ngoài khơi bờ biển của một chế độ độc tài cộng sản, toàn trị. Ở Hồng Kông, internet không bị kiểm duyệt, báo chí được tự do tương đối và doanh nghiệp không do nhà nước kiểm soát. ĐCSTQ không đánh giá cao báo chí Hồng Kông (những tờ báo chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc), và nó cũng không đánh giá cao hàng trăm nghìn – nếu không muốn nói là hàng triệu – người ủng hộ dân chủ (những người đại diện cho một mối đe dọa chết người đối với chủ nghĩa cộng sản).

    Phản ứng trước những cuộc biểu tình này cho thấy ĐCSTQ đã kiểm soát được bao nhiêu tại Hồng Kông. Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẵn sàng thực hiện các bước quyết liệt để dập tắt bất đồng chính kiến và củng cố quyền lực hơn nữa của ĐCSTQ. Đây là một phần quan trọng của ông Tập và chế độ Trung Quốc mà phương Tây đã hiểu sai.

    Những người ở Hồng Kông, chống lại luật dẫn độ, đang làm vậy vì lý do rất tốt. Bên trong Trung Quốc Đại lục, ông Tập đã tăng cường kiểm duyệt internet, bỏ tù các nhà báo làm Đảng tức giận – và thực tế đang bắt giữ hầu hết những ai không trung thành hoàn toàn.


    Giống như nhiều kẻ độc tài khác, ông Tập cũng đã thiết lập một chiến dịch chống tham nhũng. Trong ngắn hạn, điều này có thể sẽ giúp ông Tập đảm bảo rất nhiều quyền lực. Tuy nhiên, trong dài hạn, tôi ngờ rằng nó sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng.

    Một chiến dịch chống tham nhũng không giống với một chiến dịch ủng hộ sự trung thực. Những nỗ lực chống tham nhũng cưỡng chế được áp đặt bởi một hệ thống toàn trị sẽ tạo ra sự phá hoại. Chiến dịch nhà nước cảnh sát cưỡng chế của ông Tập dạy mọi người nói dối và nói với ĐCSTQ (cũng là chính quyền Trung Quốc) bất cứ điều gì mà lãnh đạo đảng muốn nghe.

    Điều này (cùng với nhiều khía cạnh khác của Trung Quốc hiện đại) phản ánh những gì mà nhà văn George Orwell viết trong cuốn 1984 – thậm chí khả năng công nghệ và giám sát hiện đại đã vượt quá tưởng tượng của ông Orwell. Trong hệ thống này, sự thật bị xóa bỏ bởi nỗi sợ hãi. Lòng trung thành trở thành cái gì đó phải được chứng minh hàng ngày với mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Tôi có thể nói rằng: Điều này sẽ kết thúc tồi tệ.

    Đây là điều thực sự người dân Hồng Kông đang phản kháng. Họ nhìn thấy chuyên chế trước ngưỡng cửa của họ.

    Tác giả: Newt Gingrich – cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ

    Bài viết đăng lần đầu trên Fox News ngày 15/6/2019

    Như Ngọc biên dịch

    Không có nhận xét nào