✪
Một ngày, anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố
Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt:
- Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây?
Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong hổ thẹn:
- Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm!
Chị sầm mặt xuống:
- Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc lên đầu lên được. Hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?
Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối:
- Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa!
Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối:
-
Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ
chu đáo cho nó được. Anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này
thôi. Chỉ cần nửa năm hay vài ba tháng gì cũng được. Em là phụ nữ em gần
nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm
quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh sẽ lại đón nó về.
Chị thở dài:
-
Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi. Thôi được rồi, ông về đi, để tôi
về bàn lại với chồng tôi đã. Có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông
sau.
Anh
nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có
lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại
Hamburg.
Anh
và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh
đi lao động xuất khẩu ở Ðông Ðức. Chị theo học Ðại Học Sư Phạm Hà Nội
1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Ðức. Chị tốt
nghiệp đại học, về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ
vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.
Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Ðức.
Vừa
sang Ðức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng,
hay cửa tiệm buôn bán, chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho
người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị
không hiểu: Ðể có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được
đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Như vậy mà anh đã
không dám mạo hiểm ra làm ăn.
“Ðồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...” đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.
Bé
Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về
nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng
bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó: Chị trách anh, đến một
đứa con cũng không làm cho ra hồn thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm
đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái
xấu số.
Bé
Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho
tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý vì anh biết chị nói
đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến
thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị. Bé Hương
3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm
ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn
quít bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường
quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn. Ly dị được gần 1
năm thì chị tái giá.
Chị
sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới. Thành phố Bremen là
thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó
chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp
anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh
sống.
Chị
không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng
con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho
con bé. Nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho
con bé trước ngày lễ Giáng Sinh nữa.
Thấm
thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không
biết cụ thể thế nào. Chị chỉ hiểu, dù con bé lớn lên trong tật nguyền
hẩm hiu nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong
giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh
cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn
chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh
hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt
trong nhà...
Chồng
chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với
điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh
không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải
tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.
Vợ
chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị
đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà.
Con bé tự đi đến trường và tự về được.
Ði
học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Ðứa em trai cùng mẹ của
nó, cũng như mẹ nó và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui
duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói
rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất
nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.
Em trai nó học thêm piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn piano rất đẹp để ở phòng khách.
Có
lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên
từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó
nghèn nghẹn nói lõm bõm: “...đàn... đàn...klavia...con muốn...” Anh thở
dài và hát cho nó nghe.
Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần.
Cho
đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đằng đẵng không
nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị
không biết gì cứ mắng nó giở chứng.
Một
đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn piano vang lên. Chị
chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh
vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không
thể tưởng tượng nổi là con bé chơi piano điêu luyện như vậy. Chị chợt
nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn
piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể
chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.
Chị
đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và
lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì... Và chị sởn cả da gà, khi chị
nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt
hẳn hoi: “...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... sống
với cha êm như làn mây trắng... Nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha
hôn chúng con...với tháng năm nhanh tựa gió... Ôi cha già đi, cha biết
không...”
Chị
vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm
nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm
riết tay mẹ vào lồng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn
mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã
gần như nhàu nát.
Chị
cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố
con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi,
bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.
Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.
Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Ðại ý là nó diễn đạt rằng:
-
Bố lên ở trên Thiên Ðường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở
trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu
để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn
mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con...”
Chị
cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ.
Ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg...
●
Tôi nghe người ta kể lại chuyện này, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ
thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn
piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát “Người
Cha Yêu Dấu” bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn
đồng ca tiếng Ðức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban
tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.
(FB Phuong Tran)
Không có nhận xét nào