Header Ads

  • Breaking News

    Chủ nghĩa xã hội như một thảm kịch vĩ đại


    Ý tưởng, mà hàng triệu người bị giết và chết vì nó, chỉ là một ảo ảnh.

    Chủ nghĩa xã hội như một thảm kịch vĩ đại


    Lịch sử của chủ nghĩa xã hội là một thảm kịch vĩ đại. Nó là một ý tưởng chánh trị phổ biến nhất, và có lẽ là một ý tưởng phổ biến nhất về cuộc sống và tổ chức xã hội. Chỉ có những tôn giáo lớn mới có thể so sánh với nó. Trong vòng 150 năm kể từ khi danh từ “chủ nghĩa xã hội” được biết đến, có khoảng 60% dân số trên thế giới sống dưới các chánh phủ được gọi là xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên, không phải ai sống dưới chế độ đó đều có cùng triết lý sống, nhưng có hàng triệu người đi theo chủ nghĩa xã hội, gia nhập đảng xã hội, bầu cho ứng cử viên xã hội, ngay cả giết hay chết vì chủ nghĩa xã hội.


    Sức quyến rũ mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội là sự kêu gọi lý tưởng của nó. Mỗi tôn giáo lớn khẳng định tầm quan trọng tối thượng của tâm linh so với vật chất. Chủ nghĩa xã hội nói đến hệ thống giá trị nầy, hứa hẹn một con đường thế tục để thực hiện nó – và tốt đẹp hơn, một xã hội đòi hỏi ít hy sinh. Những người xã hội lập luận rằng nếu tài sản là của chung, mọi thứ được chia sẻ, và thành quả được chia đều, người ta sẽ không còn lý do để tranh giành với nhau. Một ngày mới của tình huynh đệ sẽ bắt đầu. Không còn cạnh tranh hay khác biệt cá nhân, mọi người có thể tận hưởng sự thân mật chưa từng có trước đây.


    Và hơn thế nữa. Vì không còn ám ảnh bởi việc tranh giành tài sản, mọi người có thể theo đuổi hạnh phúc của chính mình. Marx nói tôi có thể đi săn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều, và viết bình phẩm vào buổi tối. Như thế mọi người có thể tập trung vào việc phát triển năng khiếu của mình. Trotsky nói mọi người có thể trở thành Beethoven hay Goethe.


    Sẽ không còn sự ham muốn. Việc chia sẻ hàng hóa không chỉ bảo đảm đầy đủ cho tất cả mọi người mà kinh tế còn có thể tập chú vào việc sản xuất cho nhu cầu thay vì lãng phí cho lợi nhuận. Trường học và thư viện được xây thay cho sòng bạc hay nhà thổ, giao thông công cộng hay xe gia đình thay cho xe sang trọng, và vân vân.


    Những người xã hội sơ khai, bắt đầu từ thập niên 1820s, thiết lập những cộng đồng kiểu mẫu, với hy vọng minh chứng tính ưu việt của hệ thống do họ đưa ra. Những cộng đồng nầy đã tan rã một cách nhanh chóng. Nhưng hệ thống khó thực hiện không phủ nhận cái đẹp của ý tưởng, và một vài người xã hội đã không hiểu, một cách chính xác, tại sao hệ thống nầy lại khó thực hiện và duy trì.


    Bất kỳ tình huống nào, Marx và Angels đã xuất hiện và đem hy vọng, bác bỏ những thí nghiệm ban đầu là “không tưởng” và vô nghĩa. Thay vào đó, hai ông tuyên bố rằng đã khám phá được các quy luật lịch sử cho thấy chủ nghĩa xã hội, không ít thì nhiều, là định mệnh không thể tránh của nhân loại. Người đào mộ cho chủ nghĩa tư bản là “giai cấp vô sản,” một danh từ hoa mỹ ám chỉ giới lao động. Sự cạnh tranh khốc liệt bắt buộc các nhà tư bản phải bóp chặt thù lao của nhân viên cho đến khi công nhân, cảm thấy họ luôn bị khốn khổ và bóc lột, vùng lên và lật đổ hệ thống, thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội.


    Lạ thay, lời tiên tri nầy đã không xảy ra. Ngược lại, Marx và Angels phải vận động tích cực trong các đảng phái và tổ chức xã hội. Theo bước chân của họ, ngững người xã hội sau đó cân bằng niềm tin giữa thế đúng của lịch sử và hoạt động để hổ trợ chánh trị. Nhưng có vài thất vọng mới xảy đến.


    Trong thập niên 1890s, ½ thế kỷ sau viễn kiến của Marx và Angels, người kế tục là Eduard Berstein; được Engels chọn để soạn tập thứ tư của thánh kinh xã hội chủ nghĩa, Tư bản luận (Capital), giống như ông đã soạn tập thứ hai và ba từ ghi chú của Marx để lại; thừa nhận rằng những sự việc đã không xác minh lời tiên tri của Marx. Công nhân không quan tâm đến cách mạng vì điều kiện vật chất được cải thiện đều đặn thay vì bị suy thoái như dự đoán. Các sử gia kinh tế ước tính rằng mức sống ở các quốc gia tiền tiến tăng gần gấp đôi trong 50 năm đó. Bernstein không có những dữ kiện như vậy, nhưng tương phản với Marx và Angels, ông xuất thân từ giới lao động và am hiểu tường tận những thăng trầm của nó, do đó được trang bị đầy đủ để đánh giá những thay đổi về chế độ ăn uống, quần áo, và những thứ tương tự.


    Berstein đi đến một kết luận hợp lý. Ông từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Ông quyết tâm tiếp tục tranh đấu để giành điều kiện tốt hơn cho công nhân, nhưng nói rằng, “Đối với tôi, ‘mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội’ không là gì cả.” Nhưng những người khác thì chưa sẳn sàng để từ bỏ “mục đích cuối cùng.” Mặc dù đời sống của công nhân được cải thiện, số phận của họ vẫn khắc khổ. Quan trọng hơn, chủ đích của chủ nghĩa xã hội không chỉ cải thiện thân phận của công nhân; mục đích rộng lớn hơn là xây dựng một xã hội mới hài hòa và nhân ái hơn bao giờ.


    Tóm lại, chủ nghĩa xã hội đang đứng trước ngã ba đường. Nếu công nhân không thực hiện cuộc cách mạng như Marx tiên đoán, thì người xã hội phải chọn lựa. Một có thể chọn, như Berstein, để gắn bó với công nhân nhưng từ bỏ cách mạng. Hay có thể chọn để gắn bó với cách mạng nhưng tìm người khác hơn là công nhân để thực hiện nó. Đó là chọn lựa của Lenin.


    Lenin chia sẻ tiền đề của Berstein. Trong ngôn từ của ông, lịch sử cho thấy rằng, để cho họ tự xoay sở, công nhân chỉ thực hiện “ý thức công đoàn (trade-union consciousness),” chứ không phải “ý thức cách mạng (revolution consciousness).” Nói cách khác, họ muốn lương cao hơn chứ không phải nổi dậy đổ máu. Nhưng kết luận của Berstein làm ông điên tiết. Vẻ uy nghi của chủ nghĩa xã hội không thể được quên đi chỉ vì cuộc sống của công nhân được cải thiện. Nếu công nhân không làm cách mạng, người khác sẽ làm.


    Lenin nghĩ ra cách lập đảng của những người cách mạng chuyên nghiệp để đóng vai trò nầy. Họ sẽ hành động trên danh nghĩa của công nhân hay cho quyền lợi của công nhân. Một cách tập thể, họ trở thành “đội tiền phong của giai cấp vô sản” mặc dù Lenin thừa nhận rằng, với tư cách cá nhân, họ không phải hay không giống như người vô sản.


    Bước nhảy vọt vô hình nầy khó để theo đuổi, nhưng nó có hiệu quả - ít nhất cho đến nay khi băng đảng của Lenin thành công trong việc chiếm chánh quyền và thành lập quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Nhận thức rằng mình chỉ chỉ huy lòng trung thành của “đội tiền phong,” một thiểu số vỏ trang, Lenin có lý do để nghĩ rằng mình không có cách cai trị nào khác ngoài việc ngăn cấm đối lập và dọa nạt người dân phải phục tùng. Ông hô hào những người theo ông phải sử dụng mạnh mẽ “khủng bố tập thể chống lại phú nông, tu sĩ, và Tiền phong Trắng (White Guards); những người bị nghi ngờ phải được giữ trong các trại tập trung.”


    Chắc chắn, Lenin ấp ủ một khát vọng quyền lực phi thường, nhưng không chỉ có quyền lực. Ông có một sứ mạng: chủ nghĩa xã hội. Ở Nga, nông nghiệp chiếm ưu thế trong nền kinh tế, điều đó có nghĩa là phải tập thể hóa nông nghiệp. Nhưng nông dân không muốn và chống lại một cách tiêu cực. Để đối phó với thảm họa kinh tế và nội chiến, ông lùi bước trong việc tập thể hóa. Nhưng người kế vị, Stalin, phục hồi việc tranh đấu, tạo nên một nạn đói, trong đó khoảng 5 đến 10 triệu người bị chết đói, để bảo đảm sự phục tùng của nông dân.


    Nếu Stalin là một bạo chúa hung ác - bạo chúa nào trước đó đã cố tình làm cho người dân của mình chết đói? – ông ngang hàng hay thua những người cai trị Cộng sản như Mao và Pol Pot. Về điểm nầy, Milovan Djilas, một thời là lảnh tụ đảng Cộng sản Nam Tư, nói: “Làm sao họ có thể… hành động khác hơn khi họ được đặt tên bởi… lịch sử để thiết lập Vương quốc Thiên đàng (Kingdom of Heaven) trong thế giới tội lỗi nầy?” Nếu những người nầy chỉ muốn cai trị và tận hưởng bổng lộc của quyền lực vô biên, họ phải giết ít hơn. Nó là sự sùng bái đối với một lý tưởng đã thúc giục họ thảm sát hàng triệu người vô tội không chống lại họ.


    Tất cả những thứ nầy là bình thường. Cái ý tưởng do Marx đưa ra về một tương lai chuộc tội mà lịch sử được hỗ trợ bởi bạo động tập thể đang đi tới cho thấy chúng có thể hoán vị. Cũng như Lenin thay thế giai cấp vô sản bằng đội tiền phong, Mao và Pol Pot mách nước việc thay thế công nhân bằng nông dân và đội tiền phong cho cả hai. Mussolini, người chịu ảnh hưởng nặng nề của Chủ nghĩa Marx, xoay một khúc quanh khác, thay thế giai cấp bằng quốc gia. Ông lập luận rằng nước Ý bị áp bức thuộc về “giai cấp vô sản” trong khi các quốc gia giàu có hơn ở bắc Âu thuộc về “giai cấp tư sản,” kẻ thù. Rồi Hitler thay thế quốc gia bằng cái gọi là chủng tộc Aryan và xác định Do Thái và kẻ thù giai cấp của Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia (National Socialism) của mình. Như thế, lý tưởng của tình huynh đệ mới tạo ra những đợt tàn sát tập thể, tất cả phác họa một chương lịch sử đẫm máu chưa từng thấy.


    Dĩ nhiên, không phải tất cả những người xã hội đều theo con đường đẫm máu của Lenin. Một số, thường gọi họ là “lao động (labor)” hay “dân chủ xã hội (social democratic),” chú trọng đến việc theo đuổi đường lối dân chủ và hòa bình để kiến tạo một quốc gia có quyền sở hữu tập thể và phân phối đồng đều. Sau nhiều thập niên, họ khám phá rằng, như Berstein tiên đoán, những con đường nầy không đi quá một nhà nước phúc lợi (welfare state) được hỗ trợ bởi một nền kinh tế tư bản. “Chủ nghĩa xã hội,” mà nhiều người nghĩ họ có thể nhìn thấy ở cuối chân trời và hàng triệu người bị giết và chết cho nó, hóa ra chỉ là một ảo ảnh. Việc theo đuổi nó đã đem lại một trong những chương buồn thảm nhất của lịch sử.

    Joshua Muravchik – Bình Yên Đông lược dịch

    Không có nhận xét nào