Khi nghe tin anh em Ngô Đình Diệm và
Ngô Đình Nhu bị giết trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Sihanouk đã
mừng đến 3 ngày! Lý do gì mà Sihanouk thù hận và căm ghét anh em họ Ngô
đến vậy? Trong quyển “Làm thế nào để giết một tổng thống” ấn hành năm
1971, hai tác giả Cao Thế Dung và Lương Khải Minh đã thuật lại nhiều
tình tiết giúp giải thích được câu hỏi trên. Lương Khải Minh là bác sĩ
Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị của ông Nhu và
là người tham gia các chiến dịch phá hoại Sihanouk…
Chiến dịch “lật đổ” Sihanouk của anh em Diệm, Nhu |
Thoạt
đầu, hai ông Diệm - Nhu không có ý gây hấn với Phnom Penh. Trái lại, họ
còn xây dựng và thắt chặt quan hệ song phương. Năm 1956, trong chuyến
kinh lý Phnom Penh, ông Ngô Đình Nhu đã được Sihanouk tiếp đón trọng
thị. Rồi Tòa đại diện Việt Nam (VNCH), có vai trò như một Tòa Đại sứ,
được lập tại Phnom Penh. Ông Ngô Trọng Hiếu, người từng sống ở
Campuchia, được chỉ định làm đặc sứ đầu tiên của chính quyền họ Ngô tại
Campuchia. Quan hệ có vẻ suôn sẻ như thế thì tại sao hai ông Diệm - Nhu
lại toan tính phá rối Sihanouk?
Vấn
đề là quan điểm chính trị, khi Sihanouk bắt đầu tỏ ra thân cận với Bắc
Kinh, Bình Nhưỡng và Hà Nội. Với anh em Diệm - Nhu, việc làm này của
Sihanouk là một hiểm họa có thể đe dọa sự tồn vong của VNCH. Giữa năm
1958, Sihanouk chấp nhận cho Bắc Kinh đặt một văn phòng đại diện thương
mại tại Phnom Penh. Khuynh hướng ngả theo Bắc Kinh của Sihanouk ngày
càng rõ. Không lâu sau khi Mỹ xây dựng một xa lộ nối liền Phnom Penh với
Sihanoukville như món quà “hảo ý” của Washington dành cho quốc vương xứ
chùa tháp thì Sihanouk lại bật đèn xanh cho Trung Quốc nhảy vào dựng hệ
thống cột điện thắp sáng cho xa lộ đó! Và cũng không lâu sau khi Mỹ xây
một bệnh viện ở Phnom Penh, Sihanouk đã mở cửa cho Liên Xô đem máy móc
thiết bị vào để trang bị cho bệnh viện trên… Dù biết rõ “tâm địa”
Sihanouk, Mỹ vẫn chưa động tĩnh, vì vẫn muốn lôi kéo được ông hoàng
Campuchia trở lại quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, với anh em Diệm - Nhu,
bằng mọi giá phải loại cho được mối họa Sihanouk là một mục tiêu hàng
đầu...
Khi
đặt chân đến Phnom Penh, Ngô Trọng Hiếu lập tức sử dụng chiến thuật
“phóng tài hóa thu nhân tâm”, dùng tiền và quà cáp mua chuộc các thành
viên Hoàng gia Campuchia, trong đó có mẹ ông Sihanouk. Tiếp đó, Ngô
Trọng Hiếu móc nối với tướng Dap Chhuon. Còn có tên Khem Phet, Chhuon
Mochulpich hay Chhuon Mchoul Pech, tướng Dap Chhuon là một trong những
nhân vật sừng sỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập của
Campuchia. Tháng 8/1946, Chhuon cùng Hoàng thân Norodom Chantaraingseyvà
Sơn Ngọc Minh (nhà hoạt động chính trị Campuchia; cha Khmer, mẹ Việt;
sinh tại Trà Vinh) tổ chức chiến dịch qui mô đánh Pháp tại Siem Reap.
Sau đó, Chhuon làm thủ lĩnh Ủy ban Giải phóng nhân dân Khmer. Năm 1954,
Chhuon đầu quân cho Sihanouk (từng tháp tùng cùng quốc vương sang dự Hội
nghị Geneva); được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ rồi Tỉnh trưởng tỉnh
Siem Reap. Tuy nhiên, năm 1957, Chhuon từ bỏ nội các, sau khi bất đồng
việc Sihanouk theo Cộng sản. Đương sự trở về Siem Reap cát cứ như vua
một cõi...
Trong
một chuyến trở về Sài Gòn, Ngô Trọng Hiếu báo cáo tình hình cho hai ông
Diệm - Nhu. Ông Nhu chỉ thị rằng, nếu không kéo được Sihanouk về phe
mình và nếu ông ta tiếp tục theo đuổi lập trường trung lập thì bằng mọi
giá phải “xử”. Nghe vậy, Ngô Trọng Hiếu đề nghị thực hiện một cú đảo
chính. Ai có thể giúp? Dap Chhuon là con bài tốt nhất. Tướng Dap Chhoun
nắm hết quyền bính tại miền Tây Campuchia, lực lượng phòng vệ Hoàng cung
tại Nam Vang đều là tay chân. Ông Diệm đồng ý tức thì và nói với Hiếu:
“Ông cứ làm đi, liên lạc với Dap Chhoun xem sao”. Trở lại Campuchia, Ngô
Trọng Hiếu bắt liên lạc với Dap Chhoun. Trong một chuyến đi săn tại khu
rừng phía bắc Siem Reap, Hiếu bắt đầu thăm dò và ngỏ ý… Hiếu còn lợi
dụng cô vợ bé người Việt của Chhuon để thuyết phục chồng theo Diệm lật
đổ Sihanouk. Cuối cùng, Chhuon đồng ý. Tinh thần thì sẵn sàng nhưng có
điều tài lực thì quá thiếu, cho nên, Chhuon yêu cầu VNCH hỗ trợ tài
chính. Nghe vậy, ông Diệm bảo Hiếu: “Nếu thấy làm được thì cứ làm, tổn
phí cũng ráng phải chịu, cho nó xong việc”. Thế là ông Nhu gọi trùm tình
báo Trần Kim Tuyến đến thảo luận. Kế hoạch hoàn toàn tuyệt đối bí mật,
không nhân vật cao cấp nào biết rõ ngoại trừ Phó tổng thống Nguyễn Ngọc
Thơ. Để đáp ứng yêu cầu giúp đỡ tài chính của Chhuon, Chính phủ Diệm đã
bí mật rút 100kg vàng trong ngân khố quốc gia…
100kg
vàng được đóng vào thùng niêm phong cẩn mật và đích thân Hiếu dùng xe
hơi chở lên tận Siem Reap, nơi bắt đầu đặt một trạm điện đài liên lạc
thẳng với Sài Gòn và Tòa đại diện Việt Nam ở Phnom Penh. Đặc sứ Hiếu vẫn
tiếp tục liên lạc bí mật với Chhuon và người em của ông này (vốn là dân
biểu Quốc hội Campuchia). Khi nhận được vàng, Dap Chhuon điện cảm ơn
ông Diệm. Thế là từ đầu tháng 1/1959, hàng ngày, cứ vào lúc 7 giờ sáng,
12 giờ trưa và 9 giờ đêm, điện đài vô tuyến từ dinh thự Dap Chhuon gửi
tin tức đều đặn về Cơ quan Tình báo Phủ Tổng thống Diệm. Dap Chhuon và
Ngô Trọng Hiếu cũng sửa soạn kế hoạch tiến đánh Phnom Penh. Lần gặp gỡ
cuối cùng giữa Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu là ngày 10/2/1959. Hai bên ấn
định ngày ra tay...
Tại
Sài Gòn, ông Nhu cùng Trần Kim Tuyến bắt đầu thảo luận việc đem Sơn
Ngọc Thành (nhân vật chính trị Campuchia lưu vong tại Nam Việt Nam) trở
lại Nam Vang để thay thế một khi Sihanouk bị lật đổ. Một chiến dịch quân
sự hỗ trợ thậm chí được phác thảo. Theo đó, khi cuộc đảo chính bùng nổ
thì lực lượng Quân khu V và Quân khu II của VNCH sẽ động binh tiến đến
biên giới giúp Dap Chhoun chiếm lĩnh khu vực Đông - Bắc Campuchia. Tuy
nhiên, giờ H bị đình lại vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan để xin viện trợ
quân sự cho mặt trận phía Tây. Chính sự trì hoãn này đã làm cho âm mưu
bị bại lộ. Nếu ngày H theo đúng kế hoạch và thời hạn ấn định thì
Sihanouk không kịp trở tay. Tuy nhiên, việc chờ thêm 10 ngày đợi Sơn
Ngọc Thành tiếp xúc với Chính phủ Bangkok đã khiến Chhuon chủ quan và âm
mưu đảo chính lọt đến tai Tòa đại sứ Pháp.
12
giờ đêm ngày 21/2/1959, viên đại sứ Pháp cùng đại sứ Liên Xô vào Hoàng
cung gặp Sihanouk. Hai giờ sau, Sihanouk phát lệnh động binh, giao Lon
Nol thống lãnh lực lượng lính dù mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Siem
Reap. 6 giờ sáng hôm sau, khi Dap Chhoun còn ngủ, quân của Lon Nol đã
tràn ngập Siem Reap. Không kịp trở tay, Chhuon cải trang trốn thoát.
Quân Lon Nol chiếm dinh thống đốc Siem Reap và bắt được đầy đủ tang vật
gồm 100kg vàng, hai chuyên viên của Diệm - Nhu và đài vô tuyến cùng một
số vũ khí. Khi quân Lon Nol tiến về Siem Reap, Tòa Đại Diện Việt Nam tại
thủ đô Phnom Penh biết rõ nhưng đành bó tay vì không có cách nào cấp
báo cho Dap Chhoun. Tại Sài Gòn, theo thông lệ 7 giờ mỗi sáng đều nhận
được tín hiệu từ dinh Dap Chhoun nhưng suốt buổi sáng hôm đó bặt tin. Cơ
quan Tình báo Phủ Tổng thống linh cảm thấy nguy cơ…
Hôm
sau, Sihanouk mời tất cả viên chức ngoại giao nước ngoài, trong đó có
ông Ngô Trọng Hiếu, lên Siem Reap. Tại dinh thống đốc Siem Reap,
Sihanouk không ngớt lời thóa mạ “kẻ thù dân tộc Khmer” và bọn “tay sai
đế quốc..., rồi trưng ra tất cả nhân chứng lẫn vật chứng trong đó có
100kg vàng đóng dấu ngân khố VNCH, hệ thống điện đài và hai điệp viên
mang thông hành VNCH. Quay về phía Ngô Trọng Hiếu, Sihanouk hỏi: “Thưa
ngài đại diện, ngài nghĩ thế nào về những bằng chứng rõ rệt này?”. Hiếu
cố làm vẻ thản nhiên, đáp: “Thưa Thái tử Quốc trưởng, chúng tôi đến đây
để được nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả”. Ít lâu sau,
hai điệp viên VNCH bị kết án tử hình và bị hành quyết ngay sau đó. Riêng
Dap Chhoun, dù thoát được vào rừng nhưng do nghiện thuốc phiện nặng nên
kiệt sức nằm gục dưới gốc cây. Lực lượng lính dù của Lon Nol bắt gặp và
hạ sát tại chỗ!
Ám sát Sihanouk
Kế
hoạch đảo chính bất thành càng khiến hai ông Diệm - Nhu khó ăn khó ngủ
với Sihanouk. Sau vụ dính dáng đảo chính bị “bể độ”, Ngô Trọng Hiếu buộc
phải rời Phnom Penh. Tuy nhiên, văn phòng Tòa Đại diện Việt Nam vẫn
không đóng cửa. Hai bên tuy căng thẳng nhưng không đến nỗi đoạn giao.
Thái độ nghiêng hẳn về phe cộng sản của Sihanouk đầu thập niên 60 của
thế kỷ trước khiến hai ông Diệm - Nhu càng bồn chồn lo ngại. Phải khử
cho bằng được Sihanouk nhưng bằng cách nào? Lúc đó, người thay ông Hiếu
tại Phnom Penh là ông Phạm Trọng Nhơn, thực chất là một điệp viên nhà
nghề của Trần Kim Tuyến. Báo cáo về Sài Gòn, ông Phạm Trọng Nhơn cho
biết mình có quen một kỹ sư Mỹ hồi trước từng xây dựng xa lộ Phnom Penh -
Sihanoukville mà ông này lại là chỗ thân tình với một số thành viên
Hoàng gia Campuchia. Phủ Tổng thống VNCH lập tức ra mật lệnh, yêu cầu
Phạm Trọng Nhơn phải bám sát tay kỹ sư để tận dụng cơ hội khai thác.
Một
lần, Phạm Trọng Nhơn báo về Sài Gòn, cho biết tay kỹ sư Mỹ chuẩn bị lên
đường về nước qua ngả Hongkong. Do chỗ thân tình nên vào ngày lên đường
thế nào tay kỹ sư Mỹ cũng sẽ đến Hoàng cung chào tạm biệt Sihanouk và
Hoàng thái hậu. Sài Gòn lập tức bật đèn xanh cho chiến dịch ám sát
Sihanouk. Trước đó, mạng lưới điệp viên Sài Gòn tại Campuchia đã gửi về
một tấm danh thiếp cùng bút tích tay kỹ sư Mỹ. Lập tức, Cơ quan tình báo
Phủ Tổng thống in lại một số danh thiếp và giao chuyên viên giả mạo nét
chữ của tay kỹ sư Hoa Kỳ. Kế hoạch ám sát Sihanouk được ông Nhu và Trần
Kim Tuyến thảo luận chi tiết. Có hai chiếc vali được dùng. Chiếc thứ
nhất thì bình thường, bên trong có vài vật lưu niệm quý xuất xứ
Hongkong. Tuy nhiên, chiếc thứ hai, ngoài một số vật lưu niệm, còn có
một hộp ngà hảo hạng xuất xứ Đài Loan, bên trong chứa chất nổ cực mạnh.
Khi mở vali, chất nổ tức thì phát hỏa. Hai vali được mang lên chiếc xe
mang biển ngoại giao của ông Phạm Trọng Nhơn, người được chỉ thị mang
lên Phnom Penh mà hoàn toàn không biết bên trong có gì. Nhờ xe mang biển
ngoại giao đoàn nên chiếc xe của Phạm Trọng Nhơn lên đến Phnom Penh an
toàn…
Theo
kế hoạch, điệp viên Nguyễn Nhơn cải trang thành nhân viên nhà thầu Mỹ,
nơi tay kỹ sư Mỹ nói trên từng phục vụ, sẽ là người trực tiếp thực hiện
vụ ám sát. Khoảng 9 giờ sáng, Nhơn đánh xe hơi vào Hoàng cung, nói là có
tặng phẩm của tay kỹ sư gửi tặng sau khi ghé ngang Hongkong trên đường
về Mỹ. Người tiếp nhận là ông giám đốc nghi lễ Hoàng cung. Do là chỗ
thân quen với tay kỹ sư Mỹ nên ông giám đốc nghi lễ không nghi ngờ gì.
Chiếc vali thứ nhất có danh thiếp ghi tặng đích thân ông giám đốc nghi
lễ và chiếc thứ hai dành cho Sihanouk. Hoan hỉ, ông giám đốc nghi lễ
mang hai vali vào phòng khách riêng của Sihanouk sau khi đã mở xem chiếc
vali của mình. Lúc ấy, phòng khách có mặt cả hai mẹ con Sihanouk. Tuy
nhiên, khi Sihanouk định mở ra xem thì có tùy viên vào báo rằng ông và
mẹ phải ra đại sảnh tiếp đoàn sinh viên Trung Quốc ghé thăm. Thế là
Sihanouk ra ngoài. Khi ông vừa nói vài lời chào hỏi xã giao với sinh
viên Trung Quốc thì một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, rung chuyển cả
Hoàng cung!
Buổi
phát thanh lúc 12 giờ trưa của đài VOA loan tin về vụ nổ. Tại Sài Gòn,
Cơ quan tình báo Phủ Tổng thống và hai ông Diệm - Nhu lấy làm mừng rỡ và
sửa soạn thực hiện giai đoạn hai, tức đưa Sơn Ngọc Thành về Phnom Penh.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, báo cáo mật từ Phnom Penh gửi về cho biết
Sihanouk đã thoát hiểm trong gang tấc! Lúc đó, Sihanouk hoàn toàn không
nghi ngờ Sài Gòn mà tin chắc rằng chính “bàn tay lông lá” của CIA đã gây
ra chuyện!
(Nghiencuulichsu.com)
Không có nhận xét nào