Người phát ngôn của Bộ Công an ngày
31/5 cho biết ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại
và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở
nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án.
Tổng giám đốc Bùi Quang Huy (ảnh nhỏ) bị truy nã và các cửa hàng của công ty Nhật Cường bị công an khám xét. |
Thông
tin trên được Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng-Người phát
ngôn của Bộ Công an Việt Nam, đưa ra trong cuộc họp báo Chính phủ vào
ngày 31/5, giữa lúc ngay tại Hà Nội vừa xảy ra vụ bỏ trốn mới nhất của
người đứng đầu công ty Nhật Cường, một doanh nghiệp đang bị nghi có dính
dáng đến “nhóm lợi ích” hay “sân sau của ai đó”.
Thành
lập vào năm 2011, Nhật Cường Software ban đầu chỉ là một trung tâm công
nghệ thông tin với một chuỗi các cửa hàng điện thoại di động ở Hà Nội.
Tuy
nhiên, công ty này sau đó đã “qua mặt” các ông lớn trong ngành viễn
thông khi nhận được hàng loạt các hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm cho
các cơ quan nhà nước ở Hà Nội, trong đó có rất nhiều dịch vụ quan trọng
như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của gần 8 triệu dân Hà Nội cho công
an thành phố, phần mềm quản lý tội phạm, phần mềm hộ chiếu online, hệ
thống quản lý quỹ nhà tái định cư các cấp…
Khách
hàng của Nhật Cường bao gồm một loạt các cơ quan công quyền ở Hà Nội,
từ UBND thành phố, công an thành phố cho tới các Sở Y tế, Công thương,
Giáo dục Đào tạo, Thông tin Truyền thông... Thực tế này đặt ra nhiều
nghi vấn xung quanh mối quan hệ thực chất của doanh nghiệp non trẻ này
với các nhóm lợi ích trong bộ máy nhà nước.
Khi
lực lượng công an bất ngờ ập vào khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại
Nhật Cường Mobile vào ngày 9/5, không ít những người am hiểu về tình
hình chính trị, thời sự Việt Nam đã đặt ngay câu hỏi trên các trang mạng
xã hội về “động cơ đằng sau” của vụ “đánh Nhật Cường”.
Sự
việc càng trở nên thu hút sự chú ý của công luận hơn khi báo chí đưa
tin Tổng giám đốc Bùi Quang Huy của công ty này bỏ trốn ngay trong thời
gian Nhật Cường đang “trong tầm ngắm”, dẫn đến việc Cơ quan Cảnh sát
điều tra, Bộ công an, phải ra lệnh truy nã Bùi Quang Huy, 45 tuổi, vào
ngày 18/5 về tội “Buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả
nghiêm trọng”.
Trả
lời báo chí bên hành lang Quốc hội vào ngày 20/5, đại biểu Lưu Bình
Nhưỡng của Bến Tre cho rằng “có cơ sở” để nghi ngờ ông Bùi Quang Huy bỏ
trốn “không phải là ngẫu nhiên”.
“Trường
hợp này giống với vụ Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần
Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). Có ý kiến cho là có bàn tay trong để
tiếp tay cho Huy bỏ trốn, không chỉ ngẫu nhiên”, báo Người Lao Động dẫn
lời ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại
biểu của tỉnh Bến Tre còn cho rằng "có sự khuất tất" trong vụ này, khi
ông đặt câu hỏi "Sao bắt hàng được mà bắt người thì không? Nhẽ ra lúc đó
anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc".
Vụ
truy nã Bùi Quang Huy là sự việc mới nhất tiếp theo hàng loạt các vụ
cán bộ tham nhũng, doanh nghiệp bị điều tra bỏ trốn ra nước ngoài nổi
bật gần đây như Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ), Vũ Đình
Duy…
“Riêng
Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến
trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư
trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy
nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy”, người phát ngôn
Bộ Công an cho biết trong cuộc họp báo ngày 31/5.
Theo
đại diện của Bộ Công an, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa
khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp
dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Đến
ngày 14/5, khi đã thu thập đủ chứng cứ, tài liệu, cơ quan Cảnh sát Điều
tra mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với
Bùi Quang Huy và 8 người khác. Ông Huy và nhóm người trên bị cho là đã
thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, lập 2 hệ
thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng ngàn tỉ đồng
doanh thu.
Ngoài
ra, theo thông tin từ Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông Hà Nội, ông
Nguyễn Ngọc Kỳ, nói với báo giới ngày 30/5, thành phố này đã chi trả cho
công ty Nhật Cường trên 7 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua, chiến 0,49%
tổng số ngân sách cho công nghệ thông tin của thành phố, để cung cấp các
dịch vụ phần mềm cho Hà Nội. Công ty này cũng là đơn vị thực hiện 7 gói
thầu mua sắm cho thành phố, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
(VOA)
Không có nhận xét nào