Header Ads

  • Breaking News

    Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul không can thiệp vào việc thương lượng với Mỹ

    Bình Nhưỡng hôm nay 27/06/2019 yêu cầu Seoul ngưng « can dự » vào việc thương lượng với Washington trong hồ sơ nguyên tử, và bác bỏ tuyên bố trước đó của tổng thống Hàn Quốc rằng đối thoại liên Triều đang diễn ra. Bắc Triều Tiên cũng đòi hỏi phía Mỹ có chiến lược mới trong việc thương thảo.

    Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ, Donald Trump, tại thượng đỉnh Hà Nội, ngày 01/03/2019.CNA via REUTERS

    Hãng tin Nhà nước KCNA hôm nay dẫn tuyên bố của ông Kwon Jong Gun, quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, khuyến cáo, « chính quyền Hàn Quốc tốt nhất nên lo việc của mình ». Ông nói rằng nếu Bình Nhưỡng muốn liên lạc với Washington thì sẽ tiến hành « qua các kênh đã có sẵn », và « Seoul không có lý do gì để can dự vào ».

    Sau thất bại của cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội, đôi bên rất ít liên hệ với nhau. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hòa giải trên bán đảo Triều Tiên hôm qua khẳng định là khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba « đang được bàn bạc trong hậu trường ». Bên cạnh đó « đang có đối thoại giữa hai miền Nam-Bắc thông qua nhiều kênh khác nhau ».

    Quan chức Bắc Triều Tiên cũng nhắc nhở phía Mỹ là « thời gian không còn nhiều nữa », ra hạn định cho Washington từ nay cho đến cuối năm nên thay đổi chiến lược. Ông Kwon chỉ trích : « Hoa Kỳ không ngừng nói về việc tái lập đối thoại, cứ như một con vẹt, mà không đưa ra đề nghị thực tế nào giúp hòa hợp lợi ích giữa đôi bên ».

    Tuy Bình Nhưỡng không đáp lại các đề nghị của Mỹ về việc nối lại thương lượng, tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un vẫn duy trì việc liên lạc qua thư từ. Theo bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, ông Kim Yeon Chul, thì hai nguyên thủ đã gởi cho nhau 12 lá thư kể từ đầu năm 2018 đến nay, trong đó ông Kim Jong Un viết cho ông Trump 8 lá thư.

    Hôm qua tổng thống Mỹ cho biết muốn trao đổi với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nhưng không nhất thiết phải gặp gỡ trực tiếp. Phía Mỹ từ chối bình luận về thông tin ông Donald Trump có thể đến vùng phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều trong chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới. Năm 2017 ông Trump muốn đến khu vực này, nhưng gặp trở ngại về thời tiết.

    Thụy My

    (vi.rfi.fr)

    Không có nhận xét nào