Header Ads

  • Breaking News

    Xây dựng mạng 5G: Việt Nam đừng ‘ham rẻ’, ‘ham dễ’

    Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng nguy cơ an ninh và nguy cơ bị lệ thuộc vào nước ngoài khi phát triển mạng viễn thông thế hệ thứ 5, tức mạng 5G, một chuyên gia về viễn thông nói trong lúc có tin Việt Nam có thể nhanh chóng trở thành nước đông nam Á đầu tiên triển khai mạng 5G.

    Thế giới đang bước vào giai đoạn công nghệ viễn thong 5G
    Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây dẫn bài của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho biết Việt Nam ‘có thể trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai mạng 5G’ và dẫn lại việc Viettel, nhà mạng lớn nhất Việt Nam, vừa cho biết họ đã thử nghiệm thành công trạm phát sóng 5G ở Hà Nội với tốc độ từ 600 cho 700Mbps – tức là tương đương với nhà mạng Verizon ở Mỹ. Viettel cũng cho biết họ sẽ nhanh chóng thử nghiệm toàn diện mạng 5G và nếu thành công thì dịch vụ 5G sẽ được triển khai đến người tiêu dùng.

    Không thể tự phát triển?

    Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Thành, người đang nghiên cứu về mạng 5G và an ninh cho tập đoàn viễn thông Telenor tại Na Uy, nói rằng nếu Viettel ‘có tần số từ 2.200 MHz trở lên thì có thể xây dựng mạng 5G’ cho dân chúng Việt Nam. Trong khi đó, các hãng viễn thông nước ngoài muốn vào Việt Nam thì phải mua tần số với giá rất cao.

    Ông cũng nói rằng để triển khai mạng 5G thì Viettel ‘phải chịu tốn kém nhiều’ vì ‘mạng 5G mắc hơn 4G từ gấp đôi đến gấp ba’.

    “Họ phải bỏ tiền mua các thiết bị như ăng-ten, router… vì tần số càng cao thì dung lượng dữ liệu cũng cao nên cần nhiều ăng-ten, tổng đài,” ông Thành giải thích.

    “Việt Nam là nước có lãnh thổ dài, nếu chỉ tập trung vào các khu vực thành thị thì dễ chứ còn phủ sóng hết các vùng nông thôn là rất khó,” ông nói thêm.

    Về kỹ thuật, với việc nhiều công ty trên thế giới đã phát triển các thiết bị 5G thì Viettel chỉ cần mua lại của họ nên ‘kỹ thuật không có gì khó khăn’ đối với Viettel.

    Bài báo trên tờ SCMP cho biết Viettel tuyên bố họ đã ‘phát triển được công nghệ lõi cho mạng 5G, bao gồm các con chip và các thiết bị’ và rằng họ ‘đặt mục tiêu tự sản xuất 80% thiết bị cốt lõi cho mạng 5G cho đến 2020’ và phần còn lại họ mua từ các nhà cung cấp trên thế giới.

    Tuy nhiên, ông Thành nói rằng ông ‘không tin Viettel có thể sản xuất được ăng-ten, tổng đài’ dùng cho mạng 5G vì việc đó ‘sẽ rất tốn kém’ và giống như ‘sản xuất cái bánh xe thứ hai’ sau khi người khác đã tạo ra bánh xe thứ nhất.

    Ông cho rằng các hãng viễn thông lớn trên thế giới như Ericsson, Huawei có thị trường lớn trên thế giới nên họ có thể sản xuất ở quy mô lớn và nhờ đó giá thành sản phẩm sẽ rẻ. Còn nếu Viettel tự sản xuất cho thị trường trong nước thì số lượng sẽ ít và do đó ‘giá thành sẽ rất đắt’.

    “Việt Nam bắt buộc phải hợp tác và học hỏi từ bên ngoài,” ông nói và dẫn ra ví dụ Trung Quốc được như ngày nay cũng là học hỏi và tiếp thu công nghệ rất nhiều từ các nhà đầu tư nước ngoài.

    Do đó, ông Thành cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ làm được mạng 5G với điều kiện phải mua thiết bị của nước ngoài.

    ‘Đừng mua từ một đầu mối’

    Ông cho rằng Viettel có thể thậm chí không cần làm chủ về công nghệ 5G vì các hãng viễn thông quốc tế, trong đó có Huawei ‘có thể làm hết cho Việt Nam’ nhưng nếu như vậy thì Việt Nam ‘sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào một nhà cung cấp nước ngoài’.

    “Lúc đầu sẽ tốt đẹp nhưng khi mọi việc đã xong xuôi thì họ có thể (lợi dụng sự độc quyền) để tăng giá thiết bị,” ông giải thích. “Lúc đó thì mình đã nằm trong túi họ nên không thể làm gì được”.

    Ông Thành cũng nói rằng trong trường hợp có xích mích với nhà cung cấp thì nhà mạng Việt Nam cũng không thể bỏ hết đồng loạt để chuyển sang một nhà cung cấp khác vì việc đó ‘rất tốn kém’, trong khi hoạt động viễn thông đòi hỏi lúc nào cũng phải thông suốt, không thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào.

    Ngoài ra, nhu cầu nâng cấp mạng 5G cứ mỗi 5 năm cũng là cơ hội cho nhà cung cấp đòi giá tiền cao, nếu không đồng ý thì nhà mạng Việt Nam cũng đành bó tay không thể nâng cấp được mạng 5G của mình, ông nói thêm.

    Tuy nhiên, ông cho rằng, các nhà mạng sẽ đứng trước cám dỗ để cho một hãng viễn thông nước ngoài bao thầu hết vì nó sẽ đơn giản hơn và rẻ hơn rất nhiều.

    “Có người sẽ nói rằng tôi sẽ làm hết cho anh, anh không phải lo gì hết,” ông Thành nói và cho biết Huawei đưa ra giá thành rẻ hơn đến 50% và hơn nữa so với các hãng viễn thông khác trong việc lắp đặt mạng 5G. Thậm chí họ còn cho trả chậm, trả góp, ông cho biết.

    Trong khi đó, việc mua thiết bị từ nhiều nhà cung cấp khác nhau có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị lệ thuộc nhưng đòi hỏi nhà mạng trong nước phải ‘có trình độ công nghệ, trình độ quản lý’ để đòi hỏi các thiết bị phải có tiêu chuẩn như thế nào, phải tương thích với thiết bị của nhà cung cấp khác như thế nào.

    Nguy cơ an ninh

    Ông Thành cũng cảnh báo về vấn đề an ninh nếu nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của Huawei vì ‘nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước, tình báo Trung Quốc có thể nghe hết mọi liên lạc của Việt Nam’ và họ có thể ‘làm tê liệt mạng viễn thông để trong nước không thể liên lạc với nhau và các nhà máy, công xưởng sẽ bị tê liệt vì không thể điều khiển được’.

    Tờ SCMP dẫn tuyên bố của Viettel nói rõ rằng ‘họ không và sẽ không xài trang thiết bị của Huawei’ – tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc hiện là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới.

    Theo bài báo này, đây là tương phản rõ ràng với các nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan hay Philippines vốn vẫn tiếp tục dựa vào Huawei. Các nhà mạng khác của Việt Nam như MobiFone và Vinaphone đã quyết định sẽ triển khai mạng 5G của họ với sự hỗ trợ tương ứng từ hãng Samgsung của Hàn Quốc và Nokia của Thụy Điển.

    Tờ báo này dẫn lại lời đại diện của Viettel nói với tờ Nikkei Asian Review rằng họ quyết định phát triển thiết bị lõi của mạng 5G ‘để tránh nguy cơ không thể đảo bảm tính an toàn và an ninh của mạng viễn thông quốc gia’.

    Bài báo dẫn ra dẫn chứng là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống làm thủ tục lên máy bay ở các phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất hồi tháng 7 năm 2016 đã dẫn đến quan ngại về mức độ dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam trước các vụ tấn công mạng từ bên ngoài.

    Ngoài ra, việc Việt Nam không hợp tác với Huawei, tập đoàn mà Mỹ đã cảnh báo các nước trên thế giới về nguy cơ an ninh, có thể ‘gửi thông điệp tích cực đến Washington về lợi ích an ninh chung giữa hai nước’ và ‘giúp xây dựng lòng tin’, bài báo viết.

    Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các nhà mạng Việt Nam không phát triển được thiết bị 5G của riêng mình, thì chi phí đắt đỏ của các nhà cung cấp khác ngoài Huawei sẽ phải khiến Hà Nội cân nhắc lại, theo bài báo của Tiến sỹ Hiệp. Có lẽ lúc đó họ sẽ cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị không cốt lõi.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào