Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt?

    Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện trước Quốc Hội vào ngày 29 tháng 5 để đọc tờ trình về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế như tin mà truyền thông trong nước loan đi.

    Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại cuộc họp các lãnh đạo cấp cao, hôm 14/5.
    Sự vắng mặt như thế khiến dư luận tiếp tục thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Trọng và khả năng tiếp tục nắm cả hai chức vụ đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam.

    Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam nói với chúng tôi rằng việc ông Trọng không xuất hiện cho thấy vấn đề sức khỏe có thể đã nặng hơn. Tuy nhiên vấn đề gia nhập Công ước 98 được cho rất quan trọng đối với Việt Nam vì nó liên quan đến hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU nên phải có người thay thế.

    “Nếu như bệnh tái phát thì ông Trọng có thể chỉ đạo Quốc Hội dời ngày trình công ước 98 sang một ngày khác chứ không nhất thiết là ngày 29/5 nhưng chắc chắn đã có cam kết giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu về thời điểm trình công ước 98 trước quốc hội Việt Nam nên không thể hoãn dời lại được nữa nên đó là lý do bắt buộc ủy quyền cho bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.”

    Đối với ông Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá Công an Việt Nam, thì việc ông Trọng không đến Quốc hội có nhiều điều đáng ngờ.

    “Theo quy định của Quốc Hội thì những ai có thể trình công ước và phê duyệt công ước cho Quốc Hội, một điều có thể do bất khả kháng cho nên ông Trọng buộc phải ủy quyền cho phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình quốc hội xin phê chuẩn. Có thể do sức khỏe của Chủ tịch nước không thể đứng trước Quốc Hội được và nhân việc ông không tham dự kỳ họp Quốc Hội ngay từ đầu nó đã gây ra nhiều đồn đoán ông Trọng không xuất hiện có thể do “thuyết âm mưu”

    Nhà báo Nguyễn An Dân, một người quan sát kỹ tình hình Việt Nam, khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng bị bệnh:

    “Với những biểu hiện trong thời gian vừa qua thì Đảng cũng đã xác nhận là ông đã có bệnh rồi nên chúng ta cứ nghĩ là ông đang bệnh đi, vì đọc tờ trình Quốc hội thì cũng phải đứng đọc và Quốc hội trên danh nghĩa hay thực chất vẫn là đại diện cho nhân dân nên nếu việc ông ngồi đọc thì nó sẽ diễn ra không hay và nếu ông đứng thì nó lại không phù hợp với thông tin ông đang bệnh nên có thể vì lý do đó mà hôm nay ông ủy quyền cho bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình, nên tôi nghĩ điều này cũng tốt thôi.”

    Để có thể đảm đương vai trò của một người đứng đầu đảng và nhà nước, yêu cầu sức khỏe là một tiêu chuẩn quan trọng. Từ Tokyo - Nhật Bản, học giả Đỗ Thông Minh người thường xuyên quan sát và có nhiều bài viết về chính trị Việt Nam nói với RFA rằng, ông lo ngại với tình hình như hiện nay thì ông Trọng khó có thể điều hành trở lại.

    “Theo chúng tôi nghĩ thì với tình trạng này thì ông Trọng khó có thể điều hành trở lại và nhất là ông đang nắm quá nhiều chức vụ, thật ra không chỉ có Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đâu, đó chỉ là hai chức lớn nhất thôi ngoài ra ông còn là Bí thư Quân ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Công An, trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung Ương nữa và chưa kể nhiều chức vụ nhỏ khác nữa. Thành ra với người có tuổi tác đã cao và ngay chính ông Trọng cũng thừa nhận trình độ có giới hạn mà nắm quá nhiều chức vụ thì chắc chắn không thể cán đáng được.”

    Ngoài ra, học giả Đỗ Thông Minh còn cho biết thêm, nội tình của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay rất nguy hiểm và không biết nghiêng ngả như thế nào. Vị học giả giải thích
     
    “Và ngay cả những người đứng sau lưng cũng không dám ra những quyết định quan trọng nữa sợ mốt người khác nói là vượt thẩm quyền và khi tranh chấp đó trở thành cớ để hạ bệ lẫn nhau. Vào năm 2016 ông ca ngại những lãnh đạo lão thành can đảm từ chức để lớp trẻ nên nhưng ngay chính bản thân ông lại không nhường, ông không có tham vọng trong khi ông nắm hầu như toàn bộ quyền hành, vị thế của ông nên nhiều đảng viên chỉ nhắm mắt để phục vụ thôi nhưng nếu thật sự ông ngã xuống thì nó sẽ phân chia ra nhiều mãng và ngay chính người trong phe cũng sẽ có sự tranh dành chiếc ghế đó.”

    Trước đó, trong chuyến thăm Hà Nội hôm 27/2 nhân hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mời Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Washington trong năm nay để tiếp tục trao đổi về những biện pháp phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

    Theo kế hoạch dự kiến được truyền thông loan đi, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ có thể diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2019. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng với tình trạng sức khỏe như hiện nay cuộc gặp khó có thể diễn ra như dự tính.

    Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định rằng, việc thăm chính thức Hoa Kỳ là điều rất quan trọng với vị chủ tịch nước, tuy nhiên tình hình sức khỏe không đảm bảo chuyến đi sẽ diễn ra đúng kế hoạch.

    “Với những phát ngôn rành mạch trong các cuộc họp trước hội nghị trung ương 10 thì não bộ vẫn có thể điều hành được, ông không quên ngay cả mới hồi phục là ông đã nói ngay đến việc đi Mỹ, cho tới thời điểm này nếu ông không phục hồi được thì điều đó không có gì chắc chắn bảo đảm rằng trong vài tháng tới sau khi ông Phạm Bình Minh thu xếp mọi thứ tại Mỹ để ông Trọng có thể gặp tổng thống Donald Trump, không có gì bảo đảm chuyến đi sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây. Tôi không nghĩ ông Trọng có thể tới Washington trên xe lăn.”

    Còn đối với nhà báo Nguyễn An Dân thì cho rằng, ông không nghĩ chuyến đi Mỹ sẽ bị từ bỏ.

    “Tôi không nghĩ rằng ông Trọng sẽ từ bỏ chuyến đi Mỹ, vì thông tin ông đi Mỹ vào tháng 8 từ trước khi ông ngã bệnh, đầu tháng 4 tôi có nghe ông có nghị trình đi Trung Quốc để dự hội thảo BRI và đi Mỹ vào tháng 8 nên bây giờ mới chỉ cuối tháng 5 nên không thể khẳng định ông sẽ hủy bỏ chuyến đi.”

    Sự vắng mặt của ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua khi mà những đơn vị chức năng không minh bạch về tình trạng sức khỏe của ông càng khiến tin đồn về khoảng trống quyền lực tại Việt Nam nở rộ.
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào