Theo báo cáo mới nhất được World Bank đưa ra tháng trước thì lượng
kiều hối được chuyển về khu vực châu Á trong năm qua cao kỷ lục với con
số hơn 300 tỷ USD. Con số này không bao gồm lượng kiều hối được gửi về
nước từ thân nhân sống ở nước ngoài.
Tiền đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ. |
Cũng theo bản báo cáo này lượng kiều hối đổ về Nam Á tăng 12%, lên mức 131 tỷ USD, trong khi khu vực Đông Á chứng kiến mức tăng 7%, đạt 143 tỷ USD. Còn ở châu Phi, khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi cũng có mức tăng kiều hối ấn tượng 10%, lên 46 tỷ USD.
Trong 10 nước dẫn đầu lượng kiều hối năm 2018 được Worl Bank chỉ ra thì Việt Nam đứng thứ 8 với 15.9 tỷ đô la, chiếm khoảng 6,6% GDP . Nước đứng đầu là Ấn Độ với 78.6 tỷ đô la.
Bà Hoa, một Giám đốc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực Tài chánh - Ngân hàng ở TPHCM cho biết bà không tin vào báo cáo tài chính này:
“Tôi làm ngành tài chính nên nói thật là tôi không tin vào các bản báo cáo. Để thu hút đầu tư thì báo cáo và thực tế khác nhau. Những phát triển kinh tế được báo cáo cũng chỉ là ảo chứ không thật đâu. Cứ mỗi một thời thì sẽ có một số doanh nghiệp hay nhà đầu tư ‘điều khiển’ kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như Masan hay Vincom hiện nay.”
Theo báo cáo Dòng kiều hối quốc tế của Pew Research Center, năm 2015 có tổng cộng 13,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm 2016, con số này giảm còn 9 tỷ USD (giảm 31,8%).
Trong hai năm 2017 và 2018, các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước ở Việt Nam không hề có công bố chính thức nào về lượng kiều hối về Việt Nam mà chỉ có Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM công bố lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là khoảng 5,2 tỷ đô la.
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 16/1/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2018, thành phố nhận được khoản kiều hối 5 tỷ đô la, thấp hơn một chút so với năm 2017. Như vậy lượng kiều hối Ngân hàng Thế giới công bố là 13,8 tỷ đô la cho năm 2017 và 15,9 tỷ đô la cho năm 2018 có thực hay không, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định:
“Tình hình kiều hối về Việt Nam đang lao dốc, đặc biệt từ năm 2016 tới nay. So với năm 2015 thì hiện nay giảm gần một nửa. Theo thống kê thì trong 2017 và 2018 TP.HCM nhận khoảng 5 tỷ đô la, mà theo thông thường TP.HCM chiếm khoảng 60% tổng số lượng kiều hối về Việt Nam, nên con số năm 2017 và 2018 mỗi năm chỉ khoảng hơn 7 tỷ đô la.”
Vì sao lại có chuyện con số thực tế trong nước khác với con số của Ngân hàng Thế Giới, bà Hoa nhận xét:
“Chính quyền không bao giờ công khai thừa nhận thực tế này vì nếu thừa nhận thì tình hình càng tệ hơn nữa. Bề ngoài thì Việt Nam tỏ ra rất yên ổn nhưng thực chất thì không phải vậy. Tôi đánh giá Việt Nam đang bất ổn về mặt chính trị nên ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế.”
Nguyên do kiều hối sụt giảm
Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối giảm cũng có ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng kinh tế bởi có đến hơn 70% lượng kiều hối đổ vào sản xuất kinh doanh. Nếu kiều hối giảm thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Nói về nguyên nhân có thể có của việc kiều hối giảm từ năm 2016, báo chí trong nước phân tích là do ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sự đắc cử của ông Donald Trump với chính sách ủng hộ nền kinh tế trong nước và chính sách nâng giá trị đồng đô la Mỹ đã khiến kiều hối về Việt Nam chậm lại, trong khi nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm đến 60%.
Ngoài ra còn có yếu tố Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự không tham gia của Mỹ khiến nguồn kiều hối đổ về Việt Nam đón đầu TPP không còn.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra dự đoán về một nguyên nhân khác dẫn đến lượng kiều hối giảm trong 2016:
“Lượng kiều hối vào Việt Nam có khi lại cân bằng với lượng kiều hối ra khỏi Việt Nam của hội tham nhũng ăn cắp được. Sau đó bằng cách này hay cách khác họ chuyển qua bên đó nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Hay nói cách khác là dùng ngoại hối để hợp thức hóa lượng tiền tham nhũng được và nó sẽ làm giấy tờ giống như là kiều hối thật. Và có thể việc kiều hối giảm vừa qua là do việc siết tham nhũng ở Việt Nam.”
Năm 2017, một báo cáo do Credit Suisse cho hay do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà lượng kiều hối về Việt Nam năm 2016 sụt giảm đáng kể, và xu hướng này tiếp diễn trong năm 2017. Bà Hoa nhận định nguyên nhân sâu sa là do chính trị bất ổn:
“Kiều hối về Việt Nam ngày càng xuống. Vấn đề sâu xa là vấn đề chính trị không được ổn định. Những gì liên quan đến kiều hối là liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài nên có gì liên quan đến chính trị là người ta rất quan tâm.
Những năm gần đây người ta mất lòng tin về chính phủ, về những người đứng đầu. Thêm vào đó là các nhà đầu tư cũng lo ngại Trung Quốc đầu tư tràn ngập ở Việt Nam về mọi mặt nên họ không thấy an tâm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư, đến lượng kiều hối về Việt Nam. Các nhà đầu tư hay các doanh nghiệp không mạnh tay đem tiền về Việt Nam đâu.”
Trong một lần trao đổi với RFA, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng hy vọng kiều hối giảm đi cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi, cố gắng hơn về ý thực tự lực, tự lập. Cố gắng sử dụng cho tốt nhất từng đồng vốn nội lực huy động trong nước từ tài nguyên, sức lao động con người…
Theo ước tính của World Bank thì lượng kiều hối gửi về các nước nghèo và đang phát triển trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên mức 550 tỷ USD.
Diễm Thi
(RFA)
Không có nhận xét nào