Sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc
cách nay 30 năm đem lại bài học cho giới tranh đấu Việt Nam về huy động
lực lượng và nhất là biết đánh giá tương quan lực lượng khi hành động,
một nhà hoạt động dân chủ ở trong nước nhận định.
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 6/6 năm 1989 |
Hoa
Kỳ gọi hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu cuộc biểu
tình ôn hòa của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn là một cuộc ‘thảm
sát toàn diện’.
“Hoa
Kỳ kêu gọi và tiếp tục kêu gọi, cũng như các nước khác trong cộng đồng
quốc tế, là phải có sự chịu trách nhiệm công khai đối với những người bị
giết hại, bị bắt giữ và mất tích,” nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ
Morgan Ortagus nói với VOA hôm 30/5 tại một cuộc họp báo thường kỳ.
“Chúng
tôi muốn họ phải thả những người đã bị bỏ tù vì nỗ lực giữ cho ký ức về
sự kiện Thiên An Môn sống mãi cũng như phải chấm dứt việc sách nhiễu
những người từng tham gia vào cuộc biểu tình và gia đình họ,” bà Ortagus
nói thêm.
Cách
nay ba thập niên, vào ngày 4/6/1989, các cuộc biểu tình đòi dân chủ do
giới sinh viên lãnh đạo diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô
Bắc Kinh. Một trong những nguyên nhân bất bình chủ yếu của những người
biểu tình là tình trạng tham nhũng ở tầng lớp tinh hoa. Người biểu tình
cũng kêu gọi cải cách chính trị và đòi hỏi một xã hội công bằng hơn và
cởi mở hơn.
Chính
quyền Trung Quốc khi đó dưới lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu
Bình đã cho quân đội võ trang tới đàn áp người biểu tình. Các tổ chức
nhân quyền tin rằng có từ vài trăm cho đến vài ngàn người đã bị sát hại
khi xe tăng lăn bánh trên Quảng trường Thiên An Môn để dập tắt biểu
tình.
Từ
đó đến nay, sự kiện Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ không được phép
nhắc đến ở Trung Quốc đại lục và người dân ở đây đa số hầu như không
biết gì về sự kiện đẫm máu này.
Tổ
chức Ân xá Quốc tế cho biết trong những tuần qua, cảnh sát Trung Quốc
đã bắt giữ và quản chế cũng như đe dọa hàng chục nhà hoạt động và thân
nhân của những người thiệt mạng vốn tìm cách kỷ niệm ngày 4/6.
“Chúng
tôi có đọc những tin tức đó, điều đó không thể tồi tệ hơn được nữa,” bà
Ortagus nói. “Chúng ta không thể quên việc này. Đó là cuộc thảm sát
toàn diện.”
‘Kết quả của nền chính trị cởi mở’
Trao
đổi với VOA nhân dịp này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân
chủ tại Việt Nam, nhận định rằng sở dĩ người dân Trung Quốc có cao trào
dân chủ mạnh mẽ vào năm 1989 là vì trước đó họ ‘đã có gần chục năm
không khí chính trị rất cởi mở’.
“Sau
khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, nhất là sau khi Hồ Diệu Bang
lên làm Tổng Bí thư và Triệu Tử Dương lên làm Thủ tướng, thì chính sách
của Trung Quốc đã có sự cởi mở khá nhiều, chẳng hạn như lật lại những
bản án của Cách mạng Văn hóa, phục hồi danh dự cho rất nhiều người,” ông
nói. “Cộng thêm Gorbachev ở Liên Xô vào lúc đó và phong trào dân chủ ở
Đông Âu cộng hưởng lại thành phong trào sinh viên rất mạnh.”
Tiến
sĩ A cho rằng giới đấu tranh ở Việt Nam có thể học được bài học về huy
động lực lượng của phong trào Thiên An Môn mà ông cho là ‘rất tốt’ vào
thời kỳ chưa có Internet, chưa có mạng xã hội như bây giờ.
Tuy
nhiên, ông nói, Việt Nam cũng cần rút tỉa từ sự thất bại của cuộc biểu
tình vốn bị đàn áp đẫm máu và không đem lại kết quả gì cho công cuộc dân
chủ hóa Trung Quốc.
“Chúng
ta phải áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam,” ông phân tích.
“Không nhất thiết phải có sự xuống đường của hàng trăm ngàn người và
chiếm quảng trường để rồi vấp phải sự đàn áp rất khốc liệt.”
“Đấu
tranh là quá trình lâu dài chứ không phải chỉ vài ngày là xong ngay,”
ông nói thêm và cho rằng cần phải xét tương quan lực lượng giữa hai
phía.
“Nếu
hai phía bên tám lạng người nửa cân, như ở Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ
Đức, thì một đợt huy động ngắn và rầm rộ như thế có thể dẫn đến dân chủ
hóa. Ngược lại, huy động rầm rộ cũng có thể dẫn đến thất bại như ở Thiên
An Môn và một số nước Ả Rập vào năm 2011 (trong phong trào Mùa xuân Ả
Rập).”
Còn
nói về bài học cho đảng cộng sản Việt Nam, ông A khuyến cáo sự kiện
Thiên An Môn là ‘vết nhục của đảng cộng sản Trung Quốc’ và Việt Nam
‘không bao giờ được học cách ứng xử của Đặng Tiểu Bình và một số nhân
vật chóp bu khác của đảng cộng sản Trung Quốc’.
Nhà
hoạt động này cũng bày tỏ nuối tiếc khi phong trào Thiên An Môn ngày
nay không còn ý nghĩa gì nữa ở Trung Quốc do chính sách quản lý, kiểm
duyệt chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh suốt 30 năm qua.
“Chính
quyền Trung Quốc họ đã làm rất thành công,” ông nói và nhận xét thêm
rằng mạng internet của Trung Quốc dù có số lượng người sử dụng lớn nhất
thế giới nhưng chỉ là ‘mạng nội bộ’ bị chính quyền hoàn toàn nắm quyền
kiểm soát nội dung.
Theo
lời ông, 30 năm trước ‘thông tin rất là kém’, cộng thêm chính quyền
Việt Nam không nói gì nhiều về sự kiện Thiên An Môn hay sự chuyển đổi
dân chủ ở Đông Âu sau đó nên toàn bộ phong trào ở Đông Âu, Liên Xô và
Trung Quốc ‘mặc dù có ảnh hưởng một chút đến giới trí thức Việt Nam khi
đó, nhưng không nhiều lắm’.
“Bây
giờ tất cả những sự kiện trên thế giới người Việt Nam tiếp nhận rất
nhanh chóng. Hy vọng người Việt Nam hiểu kỹ hơn về sự kiện xảy ra ở
Thiên An Môn,” Tiến sĩ A nói.
‘Nhà lãnh đạo cấp tiến’
Ông
A cũng là người tích cực phổ biến trong cộng đồng đấu tranh dân chủ ở
Việt Nam quyển Hồi ký Triệu Tử Dương, vị Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung
Quốc có cảm tình với phong trào sinh viên về sau bị mất chức trong sự
kiện Thiên An Môn và bị giam lỏng cho đến chết.
“Việt
Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm chung cho nên việc học kinh nghiệm
của Trung Quốc cũng như của các nước khác là rất quan trọng,” ông giải
thích việc làm của mình.
Tiến sĩ A nói cố Tổng Bí thư Triệu Tử Dương là một ‘nhà cải cách quan trọng’ của Trung Quốc.
“Thật
sự ông ấy là người thực hiện cải cách kinh tế của Trung Quốc trong suốt
10 năm làm Thủ tướng. Trong những năm cuối đời bị giam lỏng, ông ấy đã
suy gẫm để tìm cách cải cách chính trị,” ông A cho biết.
“Ông
Triệu ngộ ra rằng những việc ông ấy làm trước kia về cải cách chính trị
là chưa thấu đáo và cách làm thấu đáo nhất là không có cách nào khác mà
phải thực thi dân chủ kiểu phương Tây, ít nhất đó là mô hình tốt nhất
cho đến lúc ông ấy còn sống,” ông A nói và cho rằng bài học mà ông Triệu
rút ra ‘đáng để các nhà lãnh đạo Việt Nam suy gẫm’.
Vẫn
theo lời nhà hoạt động Nguyễn Quang A, ông Triệu có cách tiếp cận mềm
dẻo với phong trào sinh viên vì ‘ông là nhà lãnh đạo trẻ và rất đồng cảm
với các cải cách chính trị của Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang’. Tuy nhiên,
Đặng Tiểu Bình, vốn là người rất cứng rắn, mới là nhà lãnh đạo tối cao
của Trung Quốc vào lúc đó. Chính vì vậy mà phong trào Thiên An Môn bị
đàn áp và Triệu Tử Dương bị sa cơ.
Tiến
sĩ A cho rằng nếu ở Việt Nam có một người có tư tưởng cấp tiến như ông
Triệu Tử Dương lên làm lãnh đạo ‘sẽ thúc đẩy dân chủ hóa ở Việt Nam rất
nhanh chóng’.
“Nếu
người dân Việt Nam cố gắng thực hiện đầy đủ quyền của mình một cách ôn
hòa và gây sức ép liên tục lên chính quyền và đồng thời có nhân vật cấp
tiến nào đấy được sự ủng hộ của nhân dân thì hai quá trình đấy sẽ tương
tác với nhau và thúc đẩy dân chủ hóa đất nước.”
(VOA)
Không có nhận xét nào